Trại giam không súng và bạo lực ở Brazil: Mọi người vào đây, tội ác ở lại bên ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các trung tâm cải tạo của Hiệp hội Bảo vệ và Hỗ trợ Người bị Kết án (APAC) ở Brazil tập trung vào việc giúp tù nhân hướng thiện và hiểu biết, thay vì vũ khí và bạo lực. Liên minh châu Âu đã chú ý đến mô hình này và đang bắt tay để nhân rộng trên khắp thế giới.

Marlon Samuel da Silva bâng khuâng về quãng thời gian ngồi sau song sắt, thói quen hàng ngày, cộng đồng, những buổi hòa nhạc mà anh ấy đã biểu diễn. Người đàn ông 40 tuổi đã phải ngồi tù 11 năm 8 tháng sau khi bị kết án với tội danh liên quan đến ma túy.

Nhưng anh ta chỉ đứng sau song sắt một cách tượng trưng, vì phần lớn thời gian thụ án, Marlon được ở một cơ sở đặc biệt, trong đó anh được đi lang thang tự do không có quản ngục hay vũ khí. Đó là 1 cơ sở trong hệ thống 60 trung tâm của APAC, tổ chức thúc đẩy công lý cho phạm nhân cải tạo với khoảng 4.000 người bị giam giữ.

Phạm nhân chơi thể thao tại cơ sở giam giữ của APAC ở thành phố Piracicaba, Brazil

Phạm nhân chơi thể thao tại cơ sở giam giữ của APAC ở thành phố Piracicaba, Brazil

Môi trường trái ngược

Tù nhân ở đây không bị coi là tội phạm. Họ là những người đã, đang trong quá trình phục hồi nhân phẩm. Họ không mặc đồng phục và thậm chí giúp điều hành cơ sở, làm tất cả các công việc nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ. Họ phải tuân theo một thói quen nghiêm ngặt nhưng điều này là để giúp họ hướng thiện và tái hòa nhập xã hội.

Marlon Samuel da Silva nói: “Thật kỳ lạ khi nói ra điều đó, nhưng tôi nhớ thói quen cũ. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời và tôi đã đi được rất nhiều nơi”. Anh cũng nhớ về sự công nhận và cảm giác tự trọng mà mình đã có. “Tôi cảm thấy mình được trân trọng”, anh nhớ lại và giải thích rằng điều này rất quan trọng đối với những người từng nghiện ma túy. “Họ không thể đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Đầu vào tích cực là rất quan trọng cho sự phục hồi của họ”.

Môi trường Marlon thụ án khác hẳn với bức tranh cuộc sống thường ngày trong các nhà tù ở Brazil - đất nước có khoảng 760.000 tù nhân, lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Theo thống kê, công suất nhà tù tại quốc gia này là 151%, so với 121% ở Colombia. Có lúc, hơn 30 phạm nhân được đưa vào 1 phòng giam dành cho 9 người. Trái ngược lại, các Trung tâm APAC không có tình trạng quá đông đúc và tỷ lệ tái phạm là 15% so với 85% ở các cơ sở chính thống; chi phí duy trì thấp hơn vì không cần phải trả lương cho quản giáo có vũ trang. Vì thế, danh sách chờ đợi để được chuyển sang các trung tâm APAC rất dài.

Ông Denio Marx Menezes từ Hiệp hội Điều hành các trung tâm giam giữ APAC do luật sư Mario Ottoboni thành lập cho biết: “Không có cảnh sát hoặc cảnh sát vũ trang nào trong bất kỳ khu vực nào trong số 60 trung tâm cải tạo của APAC”. Vị luật sư đã mở trung tâm APAC đầu tiên ở Sao Jose dos Campos thuộc bang Sao Paolo vào năm 1976 và nổi tiếng với câu nói: “Mọi người vào đây, tội ác ở lại bên ngoài”.

Mong muốn mở rộng mô hình trên toàn thế giới

Ngay từ đầu, các trung tâm cải tạo của APAC là phi lợi nhuận và thường được các nhà tài trợ quyên góp. Nhưng vào năm 2020, các cơ sở này đã được Nhà nước Brazil công nhận và bắt đầu được hỗ trợ tài chính. Từ đó, các trung tâm mọc lên khắp đất nước. Denio Marx Menezes cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với Bộ Tư pháp Brazil về một kế hoạch để mỗi bang của Brazil có đơn vị thí điểm”.

Ông Menezes chia sẻ thêm: “Khi Tổng thống Bolsonaro có bài phát biểu nói rằng các tù nhân đáng phải chịu hình phạt tương xứng, chúng tôi nghĩ rằng một thời điểm tồi tệ đang đến. Nhưng không phải tất cả các thành viên Chính phủ đều đồng ý với đường lối cứng rắn này. Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sergio Moro là người đầu tiên đến thăm một Trung tâm APAC”.

Các trung tâm APAC cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Vào năm 2016, một dự án của châu Âu đã xem xét việc chuyển đổi ý tưởng này sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ như một công cụ để củng cố xã hội dân sự và thúc đẩy quyền của những người bị giam giữ. Đối tác chính của EU là AVSI, một tổ chức phi lợi nhuận của Brazil, trong khi trách nhiệm thực hiện kế hoạch này thuộc về Hiệp hội hỗ trợ người bị kết án cũng như các bộ tư pháp của Brazil, Chile, Costa Rica và Columbia.

Kể từ khi ra tù vào năm 2016, Marlon Samuel da Silva vẫn nhìn lại những trải nghiệm của mình với sự khao khát. Tái hòa nhập không phải là dễ dàng với các cựu tù nhân và gia đình của họ. Một số khách hàng đã ngừng đến cắt tóc ở cửa hiệu của mẹ anh. “Xã hội luôn nghĩ rằng các tù nhân phải chịu đựng vì họ xứng đáng bị như vậy. Nhưng họ quên rằng đối với mỗi tù nhân đi cải tạo thì trên đường phố bớt đi 1 khẩu súng” - Marlon nói.