Trái cây ngoại nhập: Bó tay với hóa chất độc hại

Trái cây ngoại nhập lại “chứa” quá nhiều hoá chất bảo quản. Tuy nhiên, việc định danh các chất này và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn chỉ là những câu hỏi lớn.

Trái cây ngoại nhập: Bó tay với hóa chất độc hại

Trái cây ngoại nhập lại “chứa” quá nhiều hoá chất bảo quản. Tuy nhiên, việc định danh các chất này và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn chỉ là những câu hỏi lớn.

“Sính” trái cây ngoại vì… lâu hư!

Ai biết có bao nhiêu hóa chất độc hại?
Ai biết có bao nhiêu hóa chất độc hại?

Chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) được xem là đầu mối của các vựa trái cây và nhiều loại mặt hàng trái cây cả nội, ngoại nhập.

Ở đây có hẳn một khu bán các loại trái cây ngoại nhập theo đường chính ngạch từ nhiều nước. Tuy nhiên, hàng trái cây Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn hơn.

Theo một tiểu thương bán trái cây ở chợ  này thì hiện có trên 20 loại trái cây ngoại. Nhắc tới hoa quả Trung Quốc người tiêu dùng nghĩ  đến táo, lê, cam, quýt, nho, đào, mận…

Ngay cả cam, loại trái cây quen thuộc giờ cũng có nhiều loại khác nhau. Bên cạnh cam vỏ đỏ thường gặp, trên thị trường hiện giờ còn có cam vỏ xanh, trái nhỏ hơn cam sành, đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Nhỏ - Tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối cho biết: “Các vựa lớn ở các chợ đầu mối một lần họ nhập khoảng 15 - 20 tấn hàng, chủ yếu là trái cây Trung Quốc.

Bởi loại trái cây Trung Quốc có vỏ cứng, ăn giòn và các cửa hàng mua về bán lẻ để cả chục ngày sau vẫn còn tươi nguyên, thậm chí “ngâm” gần cả tháng trái vẫn cứ tươi roi rói”.

Theo chị Nhỏ, trái cây ngoại hiện giá cả cũng rất “mềm”, nhìn rất bắt mắt bởi “nước da” loại trái cây nào cũng láng bóng, tươi mơn mởn nên rất “hút” hàng.

Chị Tú Trinh - Tiểu thương chuyên trái cây ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) - nói: “Tại sạp hàng của tôi khi nào cũng có hơn 20 thùng trái cây ngoại loại 17 - 20 kg/thùng, lấy từ chợ nông sản về bán trong ngày.

Cái được của trái cây ngoại là rất lâu hư, lúc bán không chạy để trong kho mát ở chợ cả 20 - 25 ngày vẫn còn tươi rói. Còn người tiêu dùng “sính” trái cây ngoại bởi theo họ là không có dư lượng thuốc độc hại, lại được kiểm dịch gắt gao… nên ăn cũng yên tâm?!”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi trái cây ngoại, đặc biệt là những thùng táo, lê…Trung Quốc nhìn ngoài vỏ thấy còn tươi, cứng, cuống và lá tuy vẫn còn xanh nhưng phía trong ruột thì nhiều quả đã khô héo và thối rữa. Điều đó có cho thấy, đây là loại trái cây có sử dụng hóa chất để bảo quản. 

Bảo quản bằng hóa chất gì? Chịu!

Trái cây ngoại nhập bán trong siêu thị liệu ai khẳng định không có hoá chất bảo quản!

Trái cây ngoại nhập bán trong siêu thị liệu ai khẳng định không có hoá chất bảo quản! 

Tại buổi tổng kết “Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006” vừa được tổ chức  mới đây, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết:

Tỷ lệ mẫu táo, lê của Trung Quốc tìm thấy dư lượng hoá chất bảo quản Carbendazim là 45,8%: chưa kể trong khi lấy 24 mẫu táo, lê Trung Quốc kiểm nghiệm thì thấy có đến 75% số mẫu này dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cảnh báo: “Hiện nay mới chỉ kiểm tra được vài mặt hàng thực phẩm, vẫn chưa xác định trái cây ngoại nhập trên thị trường sử dụng hóa chất gì để bảo quản và có tác hại như thế nào. Đó là hệ quả của thiếu trình độ, kỹ thuật cũng như thiết bị máy móc ”.

Theo Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, qua kiểm tra các test nhanh thấy táo, lê, cam của Trung Quốc có gốc lân và carbamat, nhưng khi đem về kiểm tra lại không xác định được chất gì, dư lượng bao nhiêu.

Do dùng chất bảo quản nên trái cây ngoại luôn thối từ trong ra ngoài và người mua rất khó phát hiện.

Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM cũng đã lấy mẫu trái cây ngoại để tiến hành phân tích thành phần chất bảo quản. Tuy nhiên, thừa nhận chất bảo quản trái cây là có, nhưng vẫn bó tay vì không xác định được đó là chất gì, tác hại cho sức khỏe con người như thế nào.

Lê Nguyễn

Tiền Phong