Trách nhiệm với từng đồng thuế của dân

ANTD.VN - Năm 2017, chủ đề xuyên suốt những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước được Chính phủ đề ra đó là: “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”. 

Theo đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm đối với các bộ, ngành, trong đó cải cách hành chính và tăng cường kỷ luật tài khóa là những nhiệm vụ được quán triệt mạnh mẽ trong năm tới.

Tại Hội nghị tổng kết ngành Tài chính vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, phải rút ra bài học từ các quốc gia mất an toàn về tài chính, khủng hoảng tài chính với nguyên nhân là kỷ luật tài khóa lỏng lẻo và phương thức quản lý không rõ, không công khai, minh bạch, yếu kém về trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng đề ra nhiệm vụ cần nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả thu chi ngân sách Nhà nước. Cần quản lý chặt, quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức... Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí NSNN và tài sản công, xử lý nghiêm các sai phạm. “Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách Nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong quý II-2017 phải trình Thủ tướng ban hành các chính sách nhân rộng khoán xe công.

Thực ra, thông điệp tiết kiệm ngân sách đã được Đảng, Chính phủ phát đi nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy sự hời hợt trong thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương do chưa có những quy định, chế tài, chưa quy trách nhiệm cụ thể. Vẫn có những địa phương chi tiếp khách hàng nhiều tỷ đồng, vẫn có những công trình nghìn tỷ bị đắp chiếu, vẫn có những đề xuất xây tượng đài hay những công trình hoành tráng nhưng không thiết thực...

Riêng về xe công, theo Bộ Tài chính, trong năm 2016 đã tiết kiệm gần 119 tỷ đồng chi phí mua xe công. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 30-50% số lượng xe ô tô công. Đến nay, Bộ Tài chính là đơn vị đầu đầu tiên thí điểm khoán xe công, dự kiến trong năm 2017 Hà Nội cũng sẽ thí điểm và tiến tới nhân rộng khoán xe công. Dù đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng việc kiên quyết thực hiện ở những đơn vị, địa phương tiên phong này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng, tạo động lực lan tỏa rất lớn, không chỉ trong việc khoán xe công mà còn là tinh thần tiết kiệm ngân sách, cải cách hành chính.