Trách nhiệm với hòa bình

ANTĐ - Trong buổi tiếp đón truyền thống ngoại giao đoàn cùng đại diện các tổ chức khu vực, quốc tế ở Thủ đô Berlin ngày 12-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi, giờ đây cả thế giới phải thể hiện trách nhiệm vì nền hòa bình, tự do, pháp quyền và dân chủ. 

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng nhà lãnh đạo các nước lớn tham dự cuộc họp nhóm G7

Đại sứ Việt Nam tại Đức, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, cùng hơn 140 đại sứ và đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế ở Berlin đã tham dự sự kiện quan trọng này. 

Khi đưa ra lời kêu gọi trên, nữ Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh những bài học lịch sử khi tròn 100 năm trước nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, 75 năm bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và 25 năm bức tường Berlin sụp đổ. Đồng thời, nhà lãnh đạo nước Đức cũng đề cập tới hàng loạt các cuộc chiến tranh, xung đột cũng như những thách thức với hòa bình và an ninh mà thế giới đang phải đối mặt.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Đức phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải cùng có trách nhiệm với hòa bình và an ninh toàn cầu. 75 năm trước, với tham vọng thống trị thế giới, phátxít Đức đã gây ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cuộc chiến tranh gây tổn thất nặng nề nhất về sinh mạnh và tài sản trong lịch sử nhân loại, trong đó ít nhất 62 triệu người thiệt mạng.

Dù đã trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới cùng vô số các cuộc chiến tranh và xung đột cùng những bài học đau đớn, đắt giá, song hiện chiến tranh, xung đột vẫn đang hiện hữu hoặc đang nhăm nhe bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới. Những điểm nóng chiến tranh, xung đột này không chỉ đe dọa tính mạng, tài sản và cuộc sống của con người mà còn đang tác động tiêu cực tới sự phục hồi của kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sâu sắc bùng phát năm 2008.

Bởi thế, duy trì hòa bình và an ninh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Song trước hết là của các nước lớn, bởi thực tế hiện nay cũng như lịch sử đã chỉ ra rằng tuyệt đại đa số các cuộc chiến tranh, xung đột lớn trên thế giới đều do các cường quốc gây ra nhằm thực hiện tham vọng của mình.

Từ lời kêu gọi của nữ Thủ tướng Đức, soi chiếu vào tình hình Biển Đông lại càng thấy các quốc gia, trước hết là nước lớn, có trách nhiệm thế nào với hòa bình và an ninh, trước hết trong khu vực. Là cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng yêu sách phi lý “đường 9 đoạn” cùng những hành động hung hăng, gây hấn của Trung Quốc nhằm thực hiện hóa yêu sách này, đặc biệt là việc mang giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng trăm tàu chiến, hải cảnh, hải giám… xâm phạm thô bạo vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị cả thế giới lên án, chỉ trích gây tình hình căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở vùng biển chiến lược huyết mạch của thế giới.

Là một nước lớn, một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ - cơ quan có trách nhiệm cao nhất duy trì hòa bình và ổn định trên toàn cầu – Trung Quốc càng không thể vô trách nhiệm với mong mỏi lớn nhất của nhân loại là hòa bình và ổn định.