Trách nhiệm rút ngắn khoảng cách

ANTĐ - Vấn đề gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay đang được trao đổi tại nhiều diễn đàn trong thời gian gần đây. 

Bên cạnh những cơ hội đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam, AEC cũng tạo ra những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt là năng suất lao động, hành trang có giá trị nhất khi bước vào “đấu trường” cạnh tranh đầy khốc liệt với các đấu thủ nặng ký được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đạt chuẩn quốc tế như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines...

Thị trường lao động Việt Nam vốn được xem là tiềm năng với nguồn lao động trẻ và... rẻ. Nhưng nếu không được “mổ xẻ” và có liệu pháp “điều trị” cấp bách, nước ta vẫn chỉ có thể cạnh tranh ở phân khúc lao động giá rẻ và phải chấp nhận nhường sân cho các đấu thủ chiếm ưu thế trong cuộc đấu “tay đôi” dành những cơ hội nghề nghiệp chất lượng cao, thu nhập cao tại các công ty, doanh nghiệp lớn. 

Chưa cần “đứng cạnh” Singapore hay Hàn Quốc, Nhật Bản, chỉ cần so sánh với Thái Lan cũng đủ “giật mình” bởi năng suất của người lao động Việt Nam thấp hơn 3 lần. Có chuyên gia kinh tế đã thốt lên rằng, cứ với tốc độ tăng năng suất lao động ì ạch như hiện nay, phải mất 20 năm nữa, năng suất lao động của nước ta mới có thể đuổi kịp người Thái, nhưng với điều kiện họ vẫn đứng yên đợi chúng ta.

Vị chuyên gia này dẫn chứng cụ thể: Dù 7 tháng đầu năm nay, doanh số xuất khẩu điện thoại tăng gần 57% so với cùng kỳ, nhưng giá lắp ráp chỉ bằng dăm phần trăm so với giá bán mới thấy chua chát cho phận làm gia công “lấy công làm lãi” của phần lớn lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.

Xót xa hơn, ngay cả những lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật, tức là lao động có chất xám, được sàng lọc, tuyển chọn vào một số công ty, doanh nghiệp cũng phải đào tạo lại bởi nhiều nguyên nhân. Nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo vòng luẩn quẩn: Không có việc làm mới thì không thể giải quyết được thất nghiệp, song có việc làm thì lực lượng lao động lại không thể đáp ứng nổi. Oái ăm thay, sự thiếu hụt lại đang rơi vào lao động trẻ.

Để thoát vòng luẩn quẩn này không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên, từ lâu, giới chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo và chỉ ra nguyên nhân là đầu vào và đầu ra trong giáo dục, đào tạo có khoảng cách khá xa. Sự tụt hậu về năng suất lao động đã tới mức báo động, càng hội nhập sâu rộng thì khoảng cách so với các nước càng lớn.

Bài toán này cần được giải gấp bởi các bộ, ngành chức năng như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT. Chúng ta không thể trong 1-2 năm lấp đầy khoảng trống năng suất lao động nhưng phải sớm có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để từng bước rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực.