Trách nhiệm liên đới khi đứng tên hộ trong hợp đồng mua ô tô trả góp

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Em họ tôi mới mua một chiếc ô tô trả góp. Do năm nay em tôi không được tuổi nên nhờ tôi đứng tên mua hộ. Tôi đang băn khoăn không biết trong quá trình sử dụng chiếc ô tô này nếu em tôi gây tai nạn, tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không, thưa luật sư? Lê Hữu Thành (Nghệ An)

Trách nhiệm liên đới khi đứng tên hộ trong hợp đồng mua ô tô trả góp ảnh 1Đứng tên mua hộ xe trả góp có thể phải chịu trách nhiệm liên đới (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời: 

Khi đứng tên mua hộ chiếc xe trả góp, về mặt pháp lý bạn là người đứng ra xác lập giao dịch và có quyền sở hữu chiếc xe. Trong quá trình điều khiển phương tiện, nếu em họ bạn có hành vi vi phạm, gây thiệt hại về người và tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể bạn có thể phải chịu trách nhiệm liên đới.

Khoản 1, Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, xe ôtô nằm trong danh mục “nguồn nguy hiểm cao độ”. Do bạn đang là chủ sở hữu chiếc xe nên nếu có thiệt hại, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ngoài ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi (trừ một số trường hợp được pháp luật quy định).

Về xử lý hành chính, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn; tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe…

Trách nhiệm liên đới khi đứng tên hộ trong hợp đồng mua ô tô trả góp ảnh 2Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Nếu bạn giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng rượu, bia, chất ma túy) gây thiệt hại cho người khác thì tùy theo mức độ, hậu quả, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, để hạn chế tối đa rủi ro, bạn không nên đứng tên hộ trong hợp đồng mua ô tô trả góp. Trường hợp không thể từ chối, bạn nên lập hợp đồng vay mượn giữa hai bên để ràng buộc trách nhiệm pháp lý, đồng thời thỏa thuận bằng văn bản về việc người điều khiển phương tiện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường, gánh chịu các thiệt hại do họ gây ra.