Trả lại vỉa hè cho người đi bộ: Rõ trách nhiệm, cụ thể biện pháp

ANTD.VN - Ngày mai 10-3, thành phố Hà Nội sẽ bước vào cao điểm xử lý vi phạm trật tự đô thị - vỉa hè. Chủ trương, yêu cầu đã rõ. Vấn đề là nhận thức của người dân và sự vào cuộc thực hiện của các cấp chính quyền cơ sở. 

Để lập lại trật tự vỉa hè, một yếu tố quan trọng là ý thức của người dân -  Ảnh: Lam Thanh

“Phó Chủ tịch quận sẽ trực tiếp kiểm tra”

“Chúng tôi xác định kế hoạch tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm TTGT-ĐT lần này sẽ làm bền bỉ, kiên trì, và làm bằng được, đúng theo mục tiêu: “Giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Lãnh đạo quận đã xác định: Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản đầy đủ, chặt chẽ các ngành nghề, cơ sở kinh doanh có nguy cơ chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, vi phạm các quy định về TTATGT-TTĐT.

Công tác tuyên truyền, nhắc nhở tập trung vào các nội dung như không sử dụng, chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh, gây mất vệ sinh môi trường; tự nguyện phá bỏ các công trình vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường, tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với đó, UBND các phường chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, dự án, công trình đang xây dựng trên địa bàn, thông báo chủ trương, kế hoạch ra quân đảm bảo trật tự công cộng, trật tự đô thị của chính quyền địa phương. 

Ngoài các tổ công tác ở 20 phường do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, UBND quận sẽ thành lập đoàn công tác liên ngành do 1 đồng chí Phó Chủ tịch quận chuyên trách hướng dẫn, kiểm tra các phường triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, xử lý vi phạm. Chúng tôi đã xác định rõ, Chủ tịch UBND phường sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận về công tác đảm bảo TTATGT-TTĐT trên địa bàn phường”.

 Ông Vũ Đại Phong (Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng)

Kiên quyết loại bỏ tư tưởng “đánh trống bỏ dùi”

“Một trong những vấn đề trọng tâm về công tác quản lý TTGT-ĐT được quận xác định, là làm thế nào để có cơ chế duy trì kết quả. Quận đang tính toán, sẽ giao vỉa hè cho các hộ kinh doanh quản lý và thực hiện hộ liên gia để quản lý lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể thiếu lực lượng tự quản để giám sát, nhắc nhở (do Cảnh sát khu vực chịu trách nhiệm chỉ đạo) và “khoán” cho lực lượng Cảnh sát trật tự, tự quản chuyên trách quản lý các đoạn phố.

Khi đã có kế hoạch bài bản, khi công tác tuyên truyền đã chín muồi, sẽ là lúc lực lượng chức năng vào cuộc rà soát kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, trên tinh thần không có ngoại lệ. Những vi phạm mang tính hệ thống, nghiêm trọng càng bị xử phạt cao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng kiên quyết loại bỏ tư tưởng “đánh trống bỏ dùi”, nể nang hoặc bao che cho các trường hợp vi phạm”.

Ông Dương Đức Tuấn - (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm)

“Hành động nhỏ - ý nghĩa lớn”

“Đây là thông điệp được đồng chí Chủ tịch UBND phường nêu rõ, trong Thư ngỏ gửi đến hơn 1.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phường. Chúng tôi chỉ rõ trách nhiệm, sự cần thiết của từng cá nhân, từng hộ gia đình, các cửa hàng kinh doanh, trong việc chung sức tham gia giữ gìn TTĐT, vệ sinh môi trường ở nơi mình sinh sống. Chuyển tải chủ trương của thành phố, của quận, chúng tôi cũng đã nêu rõ 4 tiêu chí cần thực hiện đối với người dân, các hộ kinh doanh, bằng những hành động thiết thực hàng ngày, hàng giờ. Một đô thị phát triển bền vững, an toàn và nền nếp chính là môi trường sống hạnh phúc cho người dân. Giữ gìn trật tự đô thị chỉ cần bằng hành động nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn lao, góp phần xây dựng địa bàn phường văn minh, giàu đẹp”.

Ông Lê Mạnh Tùng - (Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên)

“Kiên trì kết hợp với “Tổ tự quản 3+”

“Trước đợt cao điểm xử lý vi phạm về TTGT-ĐT lần này, CAP đã tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, cùng với việc huy động toàn bộ hệ thống đoàn thể vào cuộc, thì cần xác định rõ, đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đòi hỏi sự kiên trì thực hiện của toàn bộ máy chính quyền phường. Về phần mình, Ban chỉ huy CAP đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các đồng chí trong Ban chỉ huy và cấp ủy chịu trách nhiệm từng tuyến phố; phân công trách nhiệm từng số nhà đối với các đồng chí CSKV, CSTT.

Trên cơ sở điều tra cơ bản, nắm chắc hiện tượng - quy luật vi phạm TTGT-ĐT tại địa bàn, chúng tôi đã có kế hoạch tuần tra nhắc nhở đảm bảo khép kín thời gian. Cán bộ chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đi bộ, kết hợp với “Tổ tự quản 3+”, gồm Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, đặt quyết tâm giữ địa bàn luôn “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

 Đại úy Hà Việt Chung - (Trưởng CAP Đội Cấn, quận Ba Đình)

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trường ĐH Xây dựng: Cột chặt trách nhiệm chính quyền địa phương

“Chủ trương giải tỏa vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội hiện nay là rất đúng, được đa số người dân ủng hộ. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng lúc làm thì lại làm quá, lúc thả thì thả quá. Một chủ trương đúng phải có những cách làm hợp lòng dân, hợp quy luật phát triển thì mới thành công. 

Giải pháp phải xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống, để cho người dân vẫn có vỉa hè đi bộ, nhưng những hộ dân ở mặt đường vẫn có một chút không gian để buôn bán, mưu sinh. Ví dụ như, những con đường có lượng người đi lại không đông thì có thể chỉ cần để lại vỉa hè từ 1-1,2m cho người đi bộ, còn những tuyến phố có lượng người đi lại đông thì có thể để 1,5-2m, tùy diện tích vỉa hè. 

 Để duy trì được tính bền vững sau khi đã “đòi” lại được vỉa hè cho người đi bộ thì phải cột trách nhiệm cho lãnh đạo các phường, xã, thị trấn. Cơ quan chức năng kiểm tra, thấy tái diễn vi phạm thì cứ truy trách nhiệm người đứng đầu mà xử lý, tránh tình trạng đổ vòng quanh. Ngoài ra, đã “đòi” thì phải “đòi” công bằng, kể cả những sảnh khách sạn lớn, những quán ăn lớn, nhà hàng cũng phải công bằng như các hộ dân”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hải Hà: Xử phạt nghiêm và quy hoạch lại các khu mua bán

“Lâu nay, việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè không dứt điểm được do nhiều nguyên nhân và một trong số đó đến từ sự quản lý đô thị lỏng lẻo, lợi ích cá nhân và cả thiếu những quy định phù hợp với thực tế cuộc sống. Đô thị đang quá tải thì vỉa hè cũng không thể ngoại lệ. Chính quyền ra quân nhiều lần đều thất bại vì chúng ta không có giải pháp “đánh” vào gốc của vấn đề. Chỉ sự quyết tâm thôi của chính quyền là chưa đủ. Chúng ta phải có những đề xuất cụ thể hơn nữa cho từng khu phố, tuyến phố để giãn mật độ, san sẻ chức năng đô thị.

Phải có giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn do thành phố và các chuyên gia quy hoạch, xã hội học xây dựng. Quan trọng nhất là cần thực hiện song song 3 việc. Trước hết, cần xử phạt nghiêm minh, không để tình trạng chỗ này xử phạt chỗ kia không; sau đó, phải quy hoạch lại các khu mua bán, mỗi chỗ sẽ có khu để xe trong bán kính 200-500m gắn với khu đi bộ. Ở nước ngoài, người ta đều làm thế. Cuối cùng là cơ sở kinh doanh phải đủ điều kiện về chỗ để xe mới cấp phép hoạt động”.

Tin cùng chuyên mục