Trả lại vỉa hè cho người đi bộ (2) : Việc không của riêng ai

ANTD.VN - Ông Đào Quang Tâm, Phó  phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, quận Hoàn Kiếm từng có đến 76 tuyến phố cấm để xe trên vỉa hè. 

Lực lượng công an giám sát việc khắc phục tồn tại vi phạm đô thị ở khu phố cổ

Trên lý thuyết, khi đã triển khai chủ trương cấm để phương tiện trên hè, thì phải bố trí nơi trông giữ, điểm đỗ cho người dân sở tại và khách vãng lai. Điều này hết sức cần thiết đối với địa bàn kinh doanh sầm uất như phố cổ. 

Tuy nhiên thực tế, số liệu mà đơn vị chức năng quận Hoàn Kiếm thống kê đến thời điểm này, thì vùng “lõi” phố cổ như các phường Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Mã… gần như không có điểm trông giữ xe máy. 

Gần như trắng điểm trông xe

Trục Hàng Đào, Hàng Ngang, thuộc phường Hàng Đào, có duy nhất điểm trông giữ (có phép) mạn Ngõ Gạch thông sang Hàng Đào. Trong số 232 điểm trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô được cấp phép ở quận Hoàn Kiếm, đa phần tập trung ở các phố vùng ven như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Phan Chu Trinh…

Nhiều cán bộ quận, phường thuộc quận Hoàn Kiếm mà chúng tôi tiếp xúc, khi nói về bài toán trật tự đô thị - vỉa hè, đều thừa nhận hết sức khó giải. Năm 2017 này là năm thứ ba quận Hoàn Kiếm cùng các địa bàn triển khai chủ trương trật tự đô thị - vỉa hè. Những nỗ lực, cố  gắng và cả chất xám đã bỏ ra không ít. Nhưng những thay đổi mang tính căn bản ở Hoàn Kiếm, lại chưa thực sự rõ nét.

Đơn cử như trên toàn địa bàn thành phố, đa phần các tuyến đường, phố thực hiện chủ trương để xe đạp, xe máy gần sát tường nhà dân - cửa hộ kinh doanh; để lối đi bên ngoài cho khách bộ hành. Song quận Hoàn Kiếm đã phải báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền, chưa thể thực hiện được chủ trương này trên 106 tuyến phố trên địa bàn bởi nơi không có vỉa hè, nơi vỉa hè lại quá chật, không có chỗ xếp xe.

Phía sau những đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị là rất nhiều trăn trở của người trong cuộc. “Không dựng xe trên vỉa hè, dân phố cổ và bạn bè đến chơi hay đối tác mua bán biết dựng xe ở đâu?”. Vỉa hè ở phố cổ, ở quận Hoàn Kiếm đâu chỉ riêng dành cho nhà mặt phố. Trong mỗi số nhà cả chục gia đình, hàng chục xe máy. Đêm gia chủ cho xe vào nhà, sáng lại phải dắt ra ngoài. Nếu cấm để xe, phải có nơi trông giữ, sắp xếp. Mệnh đề “nếu... thì” này, đúng là khó.

Trách nhiệm chung, quyết tâm chung

Còn một vấn đề khác không kém phần quan trọng. Tại quận 1, TP.HCM, trực tiếp vị Phó chủ tịch quận làm trưởng đoàn, cùng đội viên tự quản đô thị đi tuyên truyền, xử lý vi phạm vỉa hè. Còn ở Hà Nội, chủ yếu việc này vẫn giao cho lực lượng công an. Kế hoạch của quận có yêu cầu chính quyền cơ sở và các ngành, đoàn thể vào cuộc, nhưng vẫn không thể vắng công an.

Bất cập về nhận thức và cách làm chính là ở chỗ này. Đồng ý là lực lượng công an cần thiết có mặt để nhắc nhở, xử lý vi phạm, và mỗi đợt ra quân lâu nay cũng đang được duy trì như vậy. Song hiệu quả mang tính bền vững, những thay đổi tích cực về nhận thức của người dân lại chính là ở cuộc tuyên truyền vận động chứ  không đơn thuần chỉ là xử lý vi phạm.

Ở cấp cơ sở, còn có các ngành, đoàn thể như Phụ nữ, Thanh niên, Người cao tuổi, Cựu chiến binh; có bí thư chi bộ cụm dân cư, có tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, rồi trưởng số nhà. Công an chỉ là một trong những lực lượng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị.

Mong muốn sự thay đổi tích cực mang tính bền vững, không gì hiệu quả hơn bằng đội ngũ cán bộ cơ sở, vốn gần và sát dân họ là những người biết rõ và chứng kiến những vi phạm hàng ngày. Một cái vỗ vai, một sự nhắc nhở, một buổi họp tổ dân phố, một bản cam kết hay bóng dáng băng đỏ trách nhiệm đi bộ trên vỉa hè…, người vi phạm nào đủ “kiên trì” để tái phạm?  

Xác định trách nhiệm chung để có chung quyết tâm thực hiện. Đó là điều kiện tiên quyết để lập lại trật tự đô thị, trật tự vỉa hè.

(Còn nữa)