Trả lại cho trẻ vầng trăng

ANTĐ - Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Trung thu, trẻ con náo nức khấp khởi sắp được đón tết trông trăng, phá cỗ. Người lớn thì lo bánh đảm bảo an toàn vệ sinh hay không, lo chuyện biếu tặng, quà cáp với những hộp bánh. Từ đầu vụ bánh Trung thu đến nay, nhất là bước vào cao điểm, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm TP Hà Nội đã có mặt tại 600 điểm kiểm tra chất lượng bánh tại hàng chục cơ sở từ thành phố đến xã, phường, thị xã. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều tiến bộ, ý thức cao hơn năm ngoái, song vẫn nhặt ra được những “hạt sạn” lớn.

Mùa Trung thu nào mà chẳng nổi cộm những “hạt sạn”... ê răng như nguyên liệu làm nhân không rõ nguồn gốc, xuất xứ; rồi chuyện lấy mẫu kiểm nghiệm, lập tức phát hiện một số mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh. Năm nay, các ngành chức năng còn siết chặt giám sát các cơ sở đầu mối chuyên rót nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống làm bánh Trung thu được đặt vào “tầm ngắm” kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện sản xuất. Mỗi mùa Trung thu tới, chất lượng tấm bánh được nâng lên một mức đáng kể, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn. 

Tuy nhiên, có một thực tế mà người lớn không thể ngoảnh mặt làm ngơ là tấm bánh nướng, bánh dẻo dành cho trẻ nhỏ, lại đang bị biến tướng, “bóp méo”. Đó là những loại bánh cao cấp, nhân ruột sơn hào hải vị từ vi cá, yến sào cho tới đông trùng hạ thảo, chủ yếu là để biếu tặng, quà cáp. Với giá “khủng” từ 11 đến 13 triệu đồng/hộp, bánh Trung thu đã bị lạm dụng để thắt chặt quan hệ trên - dưới, có thể coi là một thứ đút lót, “bôi trơn”. Người dân đã nói thẳng tình trạng: “Người mua không ăn, người ăn không phải mua”. Thậm chí, hộp bánh “đắt xắt ra miếng” ấy còn quay vòng từ nhà này sang nhà khác.

Bản thân đại diện một số công ty, doanh nghiệp sản xuất bánh có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường cũng thừa nhận rằng, để đáp ứng nhu cầu biếu xén, có hộp bánh được làm bằng da hươu, sơn mài với những biểu tượng phúc lộc, may mắn. Vỏ hộp có khi đắt hơn nhân bánh gấp năm, mười lần. Năm nay, các dòng bánh cao cấp còn được rao bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Chưa kể, sự lãng phí tiền bạc cũng như việc “nhồi nhét” vào nhân bánh quan hệ đối nhân, làm chiếc bánh Trung thu biến dạng. Đã đến lúc chính người lớn phải trả lại Trung thu cho trẻ nhỏ. Cũng như việc chúng ta đã trả lại ngày khai trường cho trẻ với đầy đủ ý nghĩa là ngày hội, thì hãy để cho con cháu chúng ta được hưởng Tết Trung thu vẹn tròn như những tấm bánh truyền thống. Nên nhớ rằng, ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi hẻo lánh, nhiều đứa trẻ tròn mắt ngắm trăng suông, mong được một góc bánh. Trong khi đó, ở các thành phố, đô thị, mùa Trung thu luôn thừa thãi, ế ẩm hàng chục tấn bánh, đến mức nghe nói, nó được chở về nơi ra lò để “tái xuất” thành bánh chả cho mùa cúng lễ tới.