TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 từ 0 giờ 31-5, tạm dừng tuyển sinh lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP.HCM phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn, áp dụng từ 0 giờ ngày 31-5-2021.

Sáng 30-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp khẩn với lãnh đạo TP HCM sau khi TP ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm Covid-19 thuộc chuỗi lây liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết 7 giờ hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện cho ông và đề nghị TP khẩn trương xét nghiệm diện rộng, và khoanh vùng dập dịch quyết liệt.

Về một số nội dung tại cuộc họp, trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, TP HCM phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Chỉ thị 15 yêu cầu không tụ tập hơn 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế nghiên cứu không phải 10 người, mà chỉ 5 người và cần tăng cường một số biện pháp.

Theo đó, ông Phong cho rằng TP HCM phải thực hiện theo Chỉ thị 15+, tức là tăng cường một số biện pháp mạnh hơn, áp dụng từ 0 giờ ngày 31-5. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo chỉ thị 16.

Nguyên tắc của chỉ thị 16 là "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Sở Y tế TP HCM đã đề xuất áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các phường 3, 9, 11,14, 15 ở quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc ở quận 12.

Đối với các phường có ca nghi nhiễm nhưng còn ít, Sở Y tế đề xuất cách ly, phong tỏa theo khu phố. Nếu trường hợp phát hiện một ca nghi nhiễm ở một chung cư trong khu vực này thì phong tỏa, cách ly luôn cả khu phố.

Những vùng còn lại, Sở Y tế đề xuất áp dụng Chỉ thị 15 của Chính phủ. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề xuất cấm tụ tập 5 người nơi công cộng, thực hiện giờ giới nghiêm nghiêm ngặt. Dừng những hoạt động không cần thiết, siêu thị bán những thực phẩm thiết yếu. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp làm việc trực tuyến.

Các tòa cao ốc phải mở cửa sổ để thông thoáng vì nếu dịch bệnh lây lan từ các cao ốc sẽ phán tán đi nhiều nơi...

Quyết định giãn cách xã hội TP.HCM được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM ghi nhận 126 ca nhiễm liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp.

Đây là lần thứ hai TP HCM giãn cách xã hội toàn thành phố. Trước đó đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh, thành phố "nguy cơ cao", thành phố có 22 ngày áp dụng Chỉ thị 16 với cấp độ cao hơn.

Tạm dừng kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM cần dừng lại cho đến khi có thông báo mới. Phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các Chỉ thị của UBND TP.HCM trước đó về công tác phòng chống dịch, trong đó có việc chấp hành tạm dừng hoat động cơ sở ăn uống. Lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra nghiêm túc bộ chỉ số an toàn trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện thấy cần thiết bổ sung nào phải kịp thời báo cáo.

Đối với chợ đầu mối, phải nhanh chóng có quy định áp dụng cho chợ đầu mối và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xuất hiện. Các quận huyện phải có tổ an toàn COVID-19, ở những nơi diễn biến phức tạp phải có tổ ứng phó khẩn cấp.

Sở Công Thương, Sở Du lịch và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần nắm cho chắc những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất nhỏ để có biện pháp tháo gỡ hỗ trợ theo gói hỗ trợ thứ 2. Vấn để an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu nhưng cũng sẽ giải quyết các vấn đề thuộc về sản xuất, thuộc về hoạt động của doanh nghiệp đó.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu người dân TPHCM tự giác chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; khai báo y tế tự nguyện; thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong phòng chống dịch, tham gia với các cơ quan phòng chống dịch.

Người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sản xuất kinh donh chịu trách nhiệm các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị minh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, thời gian qua, TPHCM đã kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng đến hôm nay chúng ta “thủng lưới” bởi một trường hợp phạm luật đặc biệt. Từ tình huống đó, tạo cho chúng ta vào một diễn biến hết sức phức tạp, hết sức khó khăn đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, toàn lực, tập trung cao nhất và có hiệu quả nhất.

“Đây là thử thách lớn với chúng ta, thử thách lớn với từng đồng chí trên từng cương vị của mình”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao nhất chúng ta sẽ chiến thắng.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, chúng ta cần hình dung TPHCM có những đội biệt kích đang rình rập, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào và ở đâu mà chúng ta chưa phát hiện được và chúng ta cần hành động tương xứng với tình hình đó.

Từ tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát có thể vượt tầm kiểm soát, đặt cho TPHCM một trách nhiệm trước tình hình mới hết sức bình tĩnh, dự báo sát tình hình đưa ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất có thể...

"Hai tuần đối với TPHCM rất lớn, nhưng chúng ta không có cách nào khác chúng ta phải chọn cách ít xấu nhất. Hai tuần chúng ta nâng biện pháp tương xứng là cách ly và giãn cách, thực hiện theo Chỉ thị 16 và 15. Thực hiện Chỉ thị 16 đối với những điểm ở quận Gò Vấp, đa số các phường quận Gò Vấp đã bị hết rồi, chúng ta xem phường nào có thể giãn cách, phường nào có thể cách ly và phần còn lại của TP sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, cách ly và giãn cách để tầm soát và mở rộng có trọng tâm, trọng điểm nhất là những nơi buộc phải hoạt động liên tục như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cần hoãn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sau hai tuần, hoặc có thể 1 tháng thì có thể tổ chức thi lại. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Sở LĐ-TBXH, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với các địa phương đặc biệt quan tâm, rà soát, nắm chặt số người bị ảnh hưởng trực tiếp có kế hoạch hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đời sống người dân theo kế hoạch đã đề ra.