Tổng thống Tunisia sa thải Thủ tướng và đình chỉ quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 25-7 đã giải tán chính phủ và đình chỉ Quốc hội. Diễn biến mới này khiến các đối thủ của ông gọi là một cuộc đảo chính, trong khi một bộ phận dân chúng ủng hộ Tổng thống.

Tổng thống Kais Saied cho biết, ông sẽ nắm quyền hành pháp với sự hỗ trợ của một thủ tướng mới. Ông Saied tuyên bố rằng hành động của ông phù hợp với Điều 80 của Hiến pháp nước này, trong đó có cả điều khoản về đình chỉ quyền miễn trừ của các thành viên quốc hội. “Nhiều người đã bị lừa gạt bởi thói đạo đức giả, phản bội và cướp đi quyền lợi của người dân”, ông nói.

Tổng thống và Quốc hội Tunisia đều được bầu theo số phiếu phổ thông riêng biệt vào năm 2019, trong khi Thủ tướng Hichem Mechichi nhậm chức vào mùa hè năm ngoái, thay thế một chính phủ tồn tại ngắn hạn khác.

Cảnh sát bắt giữ người tham gia biểu tình chống chính phủ ở Tunis, Tunisia ngày 25-7-2021

Cảnh sát bắt giữ người tham gia biểu tình chống chính phủ ở Tunis, Tunisia ngày 25-7-2021

Tuy nhiên, ông Saied và Thủ tướng Mechichi đã vướng vào tranh chấp chính trị trong hơn 1 năm, khi đất nước vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và phản ứng gay gắt đối với đại dịch.

Theo hiến pháp, Tổng thống chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề đối ngoại và quân đội, nhưng sau khi chính phủ thất bại trong việc lập ra trung tâm tiêm chủng vào tuần trước, ông đã yêu cầu quân đội chịu trách nhiệm ứng phó với đại dịch.

Tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt đã làm tăng thêm sự tức giận của dân chúng Tunisia đối với chính phủ khi các đảng chính trị của đất nước tiếp tục tranh cãi, đấu đá.

Trong khi đó, Thủ tướng Mechichi đang cố đàm phán một khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn thâm hụt ngân sách và các khoản trả nợ sắp tới. Nhưng điều kiện vay tiền đó có thể gây tổn hại cho người dân Tunisia, đó là họ có thể bị chấm dứt trợ cấp hoặc giảm biên chế.

Nhiều năm tê liệt về kinh tế, tham nhũng nổi lên, dịch vụ công giảm và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng đã khiến nhiều người Tunisia mất lòng tin vào hệ thống chính trị. Tình hình lại càng tồi tệ hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm ngoái.

Sau thông báo của Tổng thống Saied, đông đảo người dân nhanh chóng tràn vào thủ đô và các thành phố khác, hò reo và bấm còi xe làm gợi lại những ngày biểu tình của cách mạng Mùa xuân Ảrập gây chấn động Trung Đông năm 2011.