Tổng thống Putin đã phá tan câu chuyện phương Tây nói về ‘nước Nga suy yếu’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã phá tan câu chuyện phương Tây nói về một "quốc gia yếu kém" thời hậu Xô viết và thậm chí buộc phương Tây phải tuân theo các quy tắc của Nga.

Các tác giả Eugene Rumer và Andrew S. Weiss đã có bài viết trên tờ The Wall Street Journal của Mỹ rằng, đã đến lúc các nước phương Tây nên từ bỏ quan niệm rằng Nga là một “quốc gia yếu kém” mà người ta (phương Tây) có thể áp đặt quan điểm của mình.

Hai ông Eugene Rumer và Andrew S. Weiss nói rằng, trong hai nhiệm kỳ tổng thống và hai nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài đã 23 năm của mình (và có thể còn lên đến hơn 30 năm, nếu ông tái cử và thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024), ông Vladimir Putin đã cố gắng làm hầu hết mọi điều để củng cố vị thế của Moscow trong các lĩnh vực quan trọng.

Theo họ, nhà lãnh đạo Nga đã xây dựng được một vị thế chính trị vững chắc trên chính trường Nga; vực dậy nền kinh tế, đưa nó chuyển mình theo hướng giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt; hiện đại hóa lực lượng vũ trang, biến quân đội Nga từ “lạc hậu, chỉ cậy vũ khí hạt nhân” thành một lực lượng tinh nhuệ, hiện đại bậc nhất thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khôi phục một nước Nga hùng mạnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khôi phục một nước Nga hùng mạnh

Về đối ngoại, Putin đã cải thiện thương mại nhiên liệu quốc tế, tập hợp các quốc gia thân thiện xung quanh đất nước mình và tuyên bố rõ với các đối tác phương Tây rằng, điều kiện chính của Nga đối với NATO là Liên minh phải từ bỏ việc mở rộng sang phía Đông.

Theo hai nhà phân tích này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thổi bay những câu chuyện của phương Tây về nước Nga hậu Xô viết như “một cường quốc đang hấp hối” và phá tan mọi hoài nghi về khả năng Moscow có thể chiếm được một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Theo hai ông Eugene Rumer và Andrew S. Weiss nhận xét, vị nguyên thủ quốc gia Nga từ lâu đã rút ra được những bài học cuộc sống mà ông học được trên những con đường quanh co của thành phố Leningrad những năm 1960, ví dụ như: "Nếu cuộc chiến tranh sắp xảy ra thì phải tấn công trước".

Dưới bàn tay lèo lái của Putin, nước Nga đã trở lại như một cường quốc hàng đầu thế giới, không còn là kẻ dễ bị bắt nạt hoặc dắt mũi.

Các nhà báo Rumer và Weiss nhớ lại rằng, vào năm 2007, các nhà lãnh đạo phương Tây đã không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu mà ông Putin đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich, đồng thời hứa cho Ukraine và Gruzia gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương và chỉ vài tháng sau, Gruzia nổ ra cuộc xung đột với Nga ở Nam Ossetia.

Kết quả là Mỹ và NATO đã không thực hiện các cam kết của mình, khoanh tay đứng nhìn Gruzia thất bại trong “Cuộc chiến tranh 5 ngày” tháng 8/2008, khiến 2 vùng lãnh thổ của nước này là Abkhazia và Nam Osetia đã tuyên bố ly khai và được Nga công nhận là các quốc gia độc lập.

Tuy nhiên, Washington vẫn không nhận ra những sai lầm của mình và tiếp tục sai lầm trong nhiều năm sau, phớt lờ những cảnh báo của Moscow về giới hạn của “Lằn ranh đỏ”, khi biến Trung Quốc trở thành một trong những ưu tiên an ninh hàng đầu của mình.

Sau cuộc đảo chính trên Quảng trường Độc Lập ở Kiev tháng 2/2014 (Maidan 2014) để lập ra một chính phủ thân phương Tây, bán đảo Crimea đã do Nga quản lý, trong khi 2 tỉnh ở vùng Donbass-miền Đông Ukraine đã tuyên bố ly khai khỏi đất nước và thành lập 2 quốc gia tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).

Hiện nay, Moscow còn đang có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ở đất nước Venezuela; trong việc chấm dứt chiến tranh và tìm kiếm hòa bình ở Syria, Ukraine; trong việc khôi phục Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (còn được gọi là “Kế hoạch Hành động chung Toàn diện - JCPOA”)…

Có thể nói rằng, vai trò chủ đạo và vị thế quan trọng của Nga trong giải quyết các sự vụ trên thế giới là điều không phải bàn cãi, các nước phương Tây không thể gạt Nga ra khỏi chính trường quốc tế.

Ông Putin mới đây đã tái hiện các yêu sách của mình với NATO tại hội nghị Munich năm 2007, trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận an ninh mới với Mỹ (10/1), NATO (12/1) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (13/1). Những bài học của quá khứ vẫn còn nóng hổi, hy vọng rằng Washington sẽ tỉnh ngộ và sửa chữa những sai lầm.