Tổng thống Mỹ bị cáo buộc thiên vị khi sử dụng thuốc ZMapp chữa dịch Ebola

ANTĐ - Sáng 7-8, số người chết vì đại dịch Ebola đã tăng gần 1.000 người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế quốc tế đang tranh cãi dữ dội về việc sử dụng loại thuốc thử nghiệm ZMapp để chữa trị cho các bệnh nhân đại dịch Ebola.
WHO đang xem xét tuyên bố tình trjang khẩn cấp quốc tế dịch Ebola
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết số người chết đã lên đến 932 trong tổng số 1.711 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Chỉ trong hai ngày 3 và 4-8 có tới 45 người thiệt mạng. Mới đây nhất một y tá ở Lagos (Nigeria) đã qua đời.

Tại thủ đô Monrovia ở Liberia, nhiều thi thể nạn nhân bị vứt ngoài đường hoặc bỏ mặc trong nhà họ. Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf khẩn nài sự giúp đỡ của thượng đế và ra lệnh tổ chức ba ngày cầu nguyện.

Ở Sierra Leone, nhà chức trách triển khai 800 binh sĩ, bao gồm 50 y tá quân đội, tới bảo vệ các bệnh viện và cơ sở y tế đang chữa trị bệnh nhân Ebola.

Nhân viên y tế ở Sierra Leone chôn cất một nạn nhân Ebola

WHO cho biết hiện đang họp khẩn, cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày mai 8-8. WHO đang xem xét khả năng ban bố tình trạng khủng hoảng cấp quốc tế.

Một diễn biến nghiêm trọng khác là một người đàn ông xuất hiện các triệu chứng của dịch Ebola đã thiệt mạng tại Saudi Arabia. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp đầu tiên chết vì Ebola bên ngoài châu Phi. Người đàn ông này trước đó từng đến Sierra Leone.

Mới đây nhà chức trách Mỹ thông báo hai nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm bệnh ở Liberia đang cải thiện sức khỏe sau khi được điều trị bằng loại thuốc thử nghiệm Zmapp. Trước đó loại thuốc này mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ.

WHO cho biết tuần tới sẽ nhóm họp các chuyên gia quốc tế để quyết định xem có nên thông qua việc chữa trị bằng phương pháp thử nghiệm này không. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng hãy còn quá sớm để đưa thuốc Zmapp tới châu Phi. Thay vào đó các nước châu Phi cần tập trung vào các biện pháp phòng tránh.

ZMapp là loại thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch chống virus Ebola, do hãng Mapp Biopharmaceutical phát triển với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ và Cơ quan Y tế Canada. Trước đó các chuyên gia mới chỉ thử nghiệm ZMapp trên cơ thể khỉ. ZMapp cũng chưa bao giờ được sản xuất với quy mô lớn.

Ngày 4-8, các chuyên gia Mỹ đã thử nghiệm loại thuốc này trên hai bệnh nhân Mỹ Kent Brantly và Nancy Writebol. Cả hai đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục đáng khích lệ. Đây là lần đầu tiên ZMapp được thử nghiệm trên người.

Trước diễn biến của dịch bệnh khiến các nước châu Âu kêu gọi Mỹ viện trợ thuốc ZMapp tới Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nigeria.

Ba chuyên gia Ebola hàng đầu thế giới, trong đó có bác sĩ Peter Piot, người phát hiện ra virus Ebola vào năm 1976, kêu gọi sử dụng thuốc ZMapp ở phạm vi rộng hơn.

“Nhiều khả năng Ebola sẽ lây lan sang các nước phương Tây. Do đó các cơ quan y tế cần cung cấp thuốc thử nghiệm cho bệnh nhân - bác sĩ Piot và các chuyên gia khác khẳng định - Các nước châu Phi nơi Ebola đang bùng phát cũng cần được hưởng cơ hội đó”.

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ đang thiên vị khi sử dụng thuốc ZMapp để cứu chữa hai công dân nước này mà không chịu cung cấp cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Mỹ bác bỏ cáo buộc trên. Bác sĩ G. Kevin Donovan, giám đốc Trung tâm Đạo đức Y sinh ĐH Georgetown nhấn mạnh việc sử dụng thuốc thử nghiệm có thể dẫn tới những tác hại không lường trước.

Ông cho rằng hai công dân Mỹ Brantly và Writebol làm trong ngành y tế, nên hiểu rõ nguy cơ của việc chữa trị bằng thuốc thử nghiệm. Ông cũng nhấn mạnh họ xứng đáng được chữa trị trước vì đã tình nguyện đến châu Phi hỗ trợ các bệnh nhân.

Trên thực tế là rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế châu Phi cũng đã nhiễm bệnh. Chuyên gia Arthur Kaplan thuộc ĐH New York cho biết, dù hai bệnh nhân Mỹ có dấu hiệu cải thiện sức khỏe nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định thuốc ZMapp có tác dụng tốt.

Tuần tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tập hợp các chuyên gia y tế quốc tế để thảo luận khả năng sử dụng thuốc ZMapp cứu chữa các bệnh nhân Ebola ở châu Phi.

Một số quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch Ebola

Sáng 7-8 (giờ Việt Nam), Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh do virút Ebola - khiến gần 1.000 người chết. Tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ được kéo dài 90 ngày.

Tại Nigeria, chính phủ ngày 6-8 cũng gọi dịch Ebola bùng phát ở nước này là trường hợp khẩn cấp quốc gia.

Tại một cuộc họp khẩn ở Abuja, Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết trong số 6 người Nigeria nhiễm Ebola, đã có 1 người chết. Ông cũng nói mọi người trên thế giới hiện đều có nguy cơ bị bệnh.

Tại Philippines, giới chức kiểm soát động vật hoang dã đang được đặt trong tình trạng báo động do lo ngại virut Ebola sẽ theo động vật từ châu Phi vào nước này.

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Philippines Ramon Paje cho biết, hiện tất cả nhân viên từ Cục Quản lý đa dạng sinh học (BMB) thuộc bộ này đã được điều động đến các sân bay và cảng biển trên toàn quốc để giám sát chặt chẽ toàn bộ thú nuôi và động vật hoang dã nhập khẩu, đặc biệt là động vật đến từ Guinea, Sierra Leone và Liberia - những nơi bị ảnh hưởng nặng bởi Ebola.

Ông cũng nhắc lại khuyến cáo của bộ yêu cầu công chúng tránh xa các động vật hoang dã cũng như thú nuôi có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Ebola trên thế giới, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng dịch. Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là “một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến”.