Tôn vinh thế hệ nhà văn sau năm 1975

ANTĐ - Trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng 41 năm ngày Thống nhất đất nước, sáng 28-4-2016, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề “Thế hệ nhà văn sâu 1975” với sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước.

Tại hội thảo, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định, công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi sự tiếp sức của nhiều nhà văn, của cả thế hệ trước và sau năm 1975 nhưng lực lượng đông đảo, trực tiếp nhất thuộc về thế hệ nhà văn sau năm 1975. Nhận diện, đánh giá thành tựu, diện mạo của thế hệ nhà văn sau 1975 có nhiều giá trị khoa học, thực tiễn.
Với lý do đó, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức hội thảo “Thế hệ nhà văn sau năm 1975”, nhằm tạo ra diễn đàn khoa học, nhìn nhận, đánh giá tôn vinh thế hệ cầm bút sau năm 1975, để từ đó hướng tới việc tiếp cận, kỹ càng, khách quan hơn về thế hệ nhà văn và giai đoạn văn chương này, thông qua những nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành.
Hội thảo đã nhận được 85 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, các nhà khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá thành tựu của thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975 

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là thế hệ sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ đã không sinh ra trong thời chiến nhưng họ đã cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều chúng ta có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới của văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới, họ xuất hiện để giã từ những kinh nghiệm đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, làm phong phú cho nền văn học.

Tin cùng chuyên mục