Tồn tại nhiều trường mầm non "chui", lớp "trốn"

ANTD.VN - Những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ nhỏ liên tiếp xảy ra khiến nhiều cha mẹ thấp thỏm khi phải gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục. 

Đoạn clip quay cảnh cô giáo của trường mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép “gõ đầu trẻ” bị tung lên mạng khiến dư luận phẫn nộ. Sau đó, đã có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo hành đối với trẻ em. Trong đó phần lớn cho rằng, những sự việc như vậy chủ yếu diễn ra tại các cơ sở tư thục, nơi mà việc tuyển dụng và quản lý giáo viên vẫn còn lỏng lẻo.

Lỏng lẻo trong quản lý

Trước đó, Báo ANTĐ cũng đã từng thông tin về những vụ việc tương tự như cơ sở mầm non Baby Home ở ngõ 120 đường Hoàng Mai (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) để trẻ uống phải thuốc an thần và phải đi cấp cứu. Hay như vụ trường mầm non Sóc Nâu (xã Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) để một cháu bé bị ngã dẫn đến chấn thương đốt sống cổ. 

Chỉ đến khi xảy ra sự cố thì các vị phụ huynh mới ngớ người khi biết những cơ sở này đều không hoặc chưa được cấp phép hoạt động. Nói cách khác đây là những trường “chui”, lớp “trốn” không có đủ các điều kiện để trông trẻ nhưng vẫn hoạt động.

Nhưng ngay cả ở những trường mầm non tư thục được cấp phép cũng có những sự vụ tương tự. Gần đây nhất là hồi cuối tháng 11-2016, Báo ANTĐ đã có bài phản ánh về việc cô giáo của trường mầm non Sóc Nhí ở phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho trẻ ăn theo kiểu nhồi vịt. Khi trẻ bị ép quá mức và nôn trớ thì cô giáo đã đưa trẻ vào nhà vệ sinh và tát đến thâm tím mặt mũi. 

Câu chuyện bị gia đình trẻ phát giác nhờ camera an ninh và đã có đơn tố cáo hành vi bạo hành trẻ em. Lúc này bản thân cô giáo trực tiếp đánh trẻ cũng không lý giải được vì sao mình lại có hành động nhẫn tâm như vậy cho dù bản thân cô đã từng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Vĩnh Phúc chuyên ngành mầm non.

Tất cả những câu chuyện trên cho thấy, việc quản lý các trường mầm non tư thục thực sự có vấn đề. Điều đầu tiên là các cô giáo vẫn còn quá trẻ, kinh nghiệm chuyên môn không có nên dẫn tới thiếu kiềm chế. Khi gặp tình huống trẻ quấy khóc, nghịch ngợm, thay vì xử lý một cách mềm dẻo các cô lại có những biện pháp đi ngược lại nguyên tắc giáo dục. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, những tác động bạo lực bên ngoài rất dễ tạo ra những tổn thương lâu dài. Ở lứa tuổi này, trẻ cần sự yêu thương, dạy bảo nghiêm khắc nhưng phải thật nhẹ nhàng. Chính vì thế giáo viên mầm non được coi là người mẹ thứ hai của trẻ.

Quy tắc nằm lòng nhưng vẫn vi phạm

Tất nhiên, khi trẻ có lỗi, việc bị phạt là chuyện không có gì phải bàn, bởi thực tế có nhiều trẻ khá bướng bỉnh. Nhưng xử phạt để trẻ dần hình thành nhận thức, hiểu được sự đúng đắn khác với việc trừng phạt bằng bạo lực khiến trẻ tổn thương cả về tâm lý lẫn thể xác. Những điều này, hầu hết các giáo viên mầm non đều thuộc nằm lòng. Nhưng ở các trường tư thục, vì chạy theo lợi nhuận nên vẫn tồn tại những cơ sở như trường mầm non Sen Vàng sử dụng cô giáo không có trình độ sư phạm, hoặc trình độ sự phạm chỉ ở mức đối phó… với phụ huynh. Do đó không phải cô giáo nào cũng có được kinh nghiệm nuôi dạy trẻ theo chuẩn mực. 

Hiện nay vẫn tồn tại khá nhiều trường tư thục có cán bộ quản lý và giáo viên chưa đạt chuẩn tối thiểu về chuyên môn nghiệp vụ. Một số cơ sở còn dễ dãi đến mức dùng chính con cháu, người nhà từ quê ra rồi cho đi học các lớp “Bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em” ngắn hạn là có thể quản lý lớp. Đây chỉ là biện pháp đối phó tạm thời chứ không phải là sự chuẩn hóa chuyên môn nghiệp vụ tối thiểu trong việc nuôi dạy trẻ.

Ông Nguyễn Hiệp Thống - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trong một lần trả lời về vấn đề bạo hành trẻ mầm non đã cho rằng, những con người không đủ phẩm chất thì không thể đứng trong đội ngũ giáo viên và phải bị đào thải. Nhưng như thế vẫn chưa hết, nếu để xảy ra sự cố bạo hành nghiêm trọng ảnh hưởng đến học trò, nhất là bạo hành với những trẻ ở lứa tuổi mầm non không có biện pháp tự vệ thì giáo viên ấy phải chịu trách nhiệm với tư cách một công dân, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, nhà trường, địa phương cũng cần phải có sự quan tâm thường xuyên để có biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh trước khi xảy ra sự việc.