Tồn kho… nỗi lo

(ANTĐ) - Trong 5 tháng đầu năm nay, cho dù giá trị sản xuất của ngành công nghiệp cả nước vẫn tăng khá ấn tượng tới 14,2% so với cùng kỳ năm 2010, song con số này dường như không mang lại “sinh khí” mới khi mà các doanh nghiệp, công ty đang chạy ngược, chạy xuôi tìm mọi cách tiêu thụ lượng hàng hóa đã làm ra.
Không gì khổ bằng sản phẩm chất đống, tồn kho, sức mua ì ạch, lãi suất ngân hàng lại cao ngất ngưởng. Tồn kho hàng hóa có nghĩa là “tồn kho” bao nỗi lo không biết khi nào mới vơi bớt.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 5-2011, mía đường là ngành dẫn đầu về tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, với mức tăng vượt trội tới 44,9% so với cùng kỳ năm 2010. Tiếc thay, đây lại chính là ngành có lượng hàng tồn kho lớn nhất lên tới 525.000 tấn. Là ngành “ăn theo” thời vụ, chuyện tồn kho vào thời điểm kết thúc vụ thu hoạch năm nay cũng là việc bình thường, nếu như sức tiêu thụ của thị trường không “bỗng dưng” chậm một cách lạ thường.

Kết quả là trong kho đang tồn đọng tới 142.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Khách hàng “xộp” nhất của các nhà sản xuất đường là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Khi đường tồn kho khối lượng lớn như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tính đến tháng 5 vừa qua tăng một cách đáng lo ngại. “Nổi bật” nhất là nước trái cây, sữa đặc có đường, sữa tươi tiệt trùng. Riêng thức ăn gia súc tồn kho từ 17-40%. Tồn kho đã trở thành giánh nặng và nỗi ám ảnh dai dẳng của toàn ngành công nghiệp. Kết quả điều tra của Tổng cụ Thống kê cho thấy, trong số 136 sản phẩm và nhóm sản phẩm công nghiệp, có tới hơn 2/3 ở mức tồn kho đáng lo ngại.

Lo ngại hơn là mức tồn ngày càng chồng cao hơn, cho dù các doanh nghiệp đã cắt giảm sản xuất để hạn chế thiệt hại do đọng vốn trong đống hàng trong kho. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, mỗi tấn thép tồn kho, nhà sản xuất sẽ thiệt hại ít nhất 300.000 đồng mỗi tháng cho tiền vay lãi ngân hàng. Nhiều công ty đã phải “buộc bụng” sản xuất, giảm sản lượng chỉ còn 40% với công suất hoạt động. Vậy mà lượng thép xây dựng tồn kho vẫn tăng lên. Số thép tồn kho đến tháng 6 có thể xấp xỉ 400.000 tấn. Giải thích nguyên nhân tồn kho không khó, là do lạm phát cao, chính sách thắt chặt tín dụng và chủ trương cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát khiến cho sức mua giảm, dẫn đến tồn kho tăng cao.

Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, dây cáp điện đều tồn kho từ 20-150%, cá biệt có sản phẩm tới 380%. Hơn thế, tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao do lạm phát cũng khiến cho người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Rõ ràng, người dân đã có xu hướng cắt giảm mua sắm những sản phẩm chẳng mấy thiết yếu cho đời sống. Các mặt hàng như máy giặt, điều hòa, xe máy phân khối lớn, giầy dép… đều rơi vào tình trạng tồn kho cao. Ngược lại, thuốc chữa bệnh, gạo, bột dinh dưỡng, sữa bột không hề tồn kho.

Sức mua của thị trường yếu là chuyện bất khả kháng cộng với lãi vay ngân hàng cao ngất, tình trạng tồn kho chất ngập, ứ đọng, thực sự là nỗi lo “kép” của các doanh nghiệp. Nỗi lo… tồn kho lớn nhất là sản xuất đình trệ, sa thải công nhân và đóng cửa vô thời hạn.

Tin cùng chuyên mục