Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia:

Tôi tin rằng lần này sẽ dứt điểm

ANTD.VN - Hà Nội và TP.HCM đang rốt ráo ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Liệu lần này có khác với những lần trước đó hay vẫn xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và làm thế nào để vỉa hè thực sự là của người đi bộ? Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đã có cuộc trao đổi với Báo An ninh Thủ đô xung quanh vấn đề này.

Tôi tin rằng lần này sẽ dứt điểm ảnh 1

- PV: Ông nhìn nhận như thế nào về việc Hà Nội và TP.HCM đang rốt ráo trả lại vỉa hè cho người đi bộ?.

- Ông Khuất Việt Hùng: Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của lãnh đạo hai đô thị lớn nhất nước trong việc “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”. Luật pháp đã quy định vỉa hè dành cho người đi bộ, không phải dành cho việc kinh doanh buôn bán, hay trông giữ xe. Trong một số trường hợp, có thể bố trí một phần vỉa hè cho các hoạt động phi giao thông, nhưng chỉ khi đã bố trí phần vỉa hè đáp ứng được nhu cầu đi bộ an toàn, thuận tiện. Và mọi người có thể thấy, hiện nay người đi bộ ở Hà Nội và TP.HCM không có vỉa hè để đi, nếu muốn đi bộ thì phải đi dưới lòng đường, gây mất ATGT và đẩy người đi bộ vào vi phạm. 

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện ở Hà Nội và TP.HCM, chắc chắn rằng không bao giờ xác định nguồn thu từ vỉa hè. Chúng ta luôn ý thức rằng lát lại vỉa hè sạch đẹp để thuận tiện cho người dân và khách du lịch đi bộ. Nhưng làm xong, lát xong thì những người có cửa hàng mặt phố ngang nhiên coi vỉa hè là của mình. Điều đó không thể chấp nhận được, đó là tài sản của Nhà nước, đất vỉa hè, không gian vỉa hè, tiền lát vỉa hè là tiền thuế của dân.

- Có nhận định cho rằng, người Việt lười đi bộ mà quen ngồi xe từ “cửa tới cửa”?

- Người Việt lười đi bộ? Không, người Việt từ xưa vẫn quen đi bộ, nhưng nay người dân thành thị không có môi trường để đi bộ. Vỉa hè bị lấn chiếm, những người làm công tác quản lý đô thị dường như cũng quên người đi bộ khiến người dân không có chỗ mà đi. 

Tôi vẫn thường xuyên đi bộ nhà từ tới cơ quan làm việc, nhưng thấy đi bộ rất khó vì... không có chỗ để đi. Một số đoạn tuyến đã thực hiện quản lý thì đi được, nhưng từ nhà đến cơ quan có rất nhiều đoạn và trên nhiều tuyến phố không thể đi bộ được.

Ngay cả những người quản lý dường như cũng quên mất người đi bộ. Bằng chứng là những tuyến phố đang lát lại vỉa hè, cả vỉa hè rất rộng nhưng họ đóng luôn vỉa hè lại để thi công, không ai có thể đi vào được và người dân phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó, việc sửa chữa đường sá thông thường phải làm từng phần, từng làn xe để dành lại một phần đường cho người tham gia giao thông.

- Vừa qua CSGT đã từng xử phạt người đi bộ không đúng quy định, nhưng theo ông như vậy đã đủ?

- Việc xử phạt người đi bộ không đúng quy định là rất đáng hoan nghênh, vì không phải người dân nào cũng đi bộ, sang đường đúng luật, nhiều khi đi tràn ra lòng đường, sang đường không đúng nơi quy định gây cản trở các phương tiện khác.

Tuy nhiên, các đối tượng khác cũng cần bị xử phạt để đảm bảo sự công bằng, như những hộ dân ở mặt phố đã có lợi trong kinh doanh buôn bán rồi mà lại chiếm dụng nốt vỉa hè của người đi bộ là không thể chấp nhận được. Cần phải xử phạt cả những người lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng không gian của người đi bộ, phạt cả người quản lý mà không thực hiện đúng chức trách trong việc đảm bảo quyền tham gia giao thông của người đi bộ và những người để vỉa hè bị lấn chiếm..

- Ngoài việc rốt ráo lập lại trật tự vỉa hè, theo ông phải làm như thế nào để duy trì được vỉa hè thông thoáng, không còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như trước đây?

- Yếu tố đầu tiên là chính quyền và lực lượng chức năng phải kiên quyết, không thể để tình trạng làm cho có, ráo riết dẹp xong rồi lại để tình trạng tái lấn chiếm. Và nếu lần này không kiên quyết làm thì có lẽ sẽ không còn cơ hội. Bởi, chúng ta đã ra quân quá nhiều lần, đã làm quá nhiều lần nhưng dường như thiếu kiên quyết, chỉ là ra quân cho có, làm để báo cáo nên không có tính bền vững, dẹp phố này xong thì phố kia lại tái lấn chiếm. Cùng với đó là tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao tính tự giác trong việc không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Và đặc biệt, chính quyền không thể vì lý do thiếu chỗ đỗ xe mà lấy vỉa hè làm bãi đỗ xe được. 

- Hà Nội và TP.HCM đã từng vì mục tiêu giảm ùn tắc giao thông mà xén hè, mở đường, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Tôi cho rằng việc này phải xem xét lại, chúng ta chỉ có thể xén một phần của hè để mở rộng dường cho xe cơ giới khi phần còn lại đủ đáp ứng như cầu đi bộ an toàn, thuận lợi. Đồng thời, chúng ta cần nhận thức rõ rằng phải làm sao để người dân đi bộ được thì mới bàn tới phát triển và khuyến khích vận tải công cộng. Bởi vì nếu chỉ phương tiện công cộng tốt thì chưa đủ mà cần phải có môi trường đi bộ để người dân có thể tiếp cận được đến trạm dừng, nhà chờ của vận tải công cộng. 

- Cảm ơn ông!