Tối thiểu là gì?

ANTĐ - Kết quả khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động tại hàng trăm doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành tiêu biểu cả nước, cho thấy 35,6% số người lao động nói thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng phải chắt chiu và thật tiết kiệm mới đủ sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chỉ có 1,9% là tạm đủ sống và có phần tích lũy chút ít. Đó là số liệu thu được của Viện Công nhân, công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xác định khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Muốn “cân đo” chính xác thế nào là tối thiểu, người ta phải tính toán theo phương pháp xác định nhu cầu tối thiểu của người lao động tính theo calo, giá lương thực, thực phẩm của bữa ăn và chi phí sinh hoạt cá nhân có tính đến hoàn cảnh nuôi con. Tất nhiên không thể tính đến một phần “tất yếu của cuộc sống” như chuyện ốm đau, khám chữa bệnh cũng như những nhu cầu tối thiểu của một con người như vui chơi, giải trí.

Kết quả khảo sát cụ thể cho thấy, ở địa bàn Hà Nội, người lao động phải chi tới hơn 35.000 đồng/ngày để có được bữa ăn đủ 2.300 kilô calo/ngày. Tính ra, mỗi tháng người lao động phải chi tối thiểu 1,059 triệu đồng cho miếng ăn. Còn người lao động ở vùng 4 là 1,5 triệu đồng/người/tháng; ở vùng 3 là gần 1,9 triệu đồng; vùng 2 là 2,2 triệu đồng và vùng 1 là 2,42 triệu đồng. Từ tháng   10-2011 mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh thống nhất, đối với vùng 1 là 2 triệu đồng; vùng 2 là 1,78 triệu đồng; vùng 3: 1,55 triệu đồng và vùng 4 là 1,4 triệu đồng.

Rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn giữa đời sống thực tế của người lao động với mức lương tối thiểu theo vùng. Bản thân Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn cũng thừa nhận, việc tính toán mức lương tối thiểu của người lao động như hiện nay chỉ dựa vào chỉ số giá tiêu dùng và GDP chứ chưa phản ánh hết đời sống của họ. Trên thực tế mức chi trả tiền lương của doanh nghiệp cho người lao động phần lớn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu ngay cả khi điều chỉnh lương tối thiểu. Cuộc khảo sát cũng “phát hiện” một điều khá bất ngờ, tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty làm ăn có lãi có thể đạt bình quân tới 8-10 triệu đồng/tháng cao hơn 3 lần  so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về đói nghèo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, bất bình đẳng đang tăng nhanh, đặc biệt giữa các nhóm giàu nhất và nghèo nhất. Chính sự gia tăng khoảng cách về thu nhập trung bình của hộ gia đình giữa nhóm 20% người giàu nhất và 20% người nghèo nhất, từ 8,34 lần năm 2006 lên 9,24 lần năm 2010, là nguyên nhân gia tăng chỉ số đo sự bất bình đẳng về thu nhập xã hội, từ 0,42 năm 2006 lên 0,43 năm 2010. Theo chuyên gia này, tỷ lệ chi tiêu của người dân cho dịch vụ y tế và giáo dục trên tổng chi tiêu của xã hội, cao hơn so với các nước trong khu vực. Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ yếu tố “kinh tế thị trường” đang lấn át yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam.

Dân ta có câu “giàu nghèo do số”, song không thể nói là “do số” nếu người lao động nghèo không có được cơ hội tiếp cận công ăn việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Vậy tối thiểu là gì? Câu hỏi đơn giản mà thật khó trả lời và thực hiện: Lương tối thiểu để người lao động có thể tái sản xuất sức lao động và còn để tích lũy.