Tôi sợ phải “chạm mặt” đứa con riêng của cô ấy

ANTĐ - Ông này đi kiểu gì thế, mắt mù à?

(Ảnh minh họa)

Tôi đang đi trên đường, bỗng một xe máy khác vượt lên với tốc độ khá nhanh đâm vào xe tôi. Tôi thấy 2 cô gái chỉ 17,18 tuổi đèo nhau. Một trong hai cô đã ném vào mặt tôi câu nói trên.

Thực ra, cả tôi và một trong hai cô chỉ xây xát nhẹ. Cô còn lại không bị sao, vì xe họ chỉ sượt vào tôi chứ không đâm trực diện như đi ngược chiều. Bằng chứng là ngay lập tức, hai cô đã đứng lên, dựng xe và phăm phăm tiến lại tôi ăn vạ bằng những lời lẽ hết sức thô tục. Mặt hai cô bé bặm trợn, gớm ghiếc. Lúc này tôi mới quan sát thấy họ đều mặc quần cạp trễ, áo lửng, tóc cùng nhuộm vàng. Có cảm giác như là ca-ve trong các nhà hàng. Mặc cho tôi hết lời thanh minh, phân trần, họ nhất quyết bắt tôi phải đền xe cho họ. Lúc này, mọi người đã xúm đông xung quanh.

- Người ta đáng tuổi bố mình, mà cũng không phải là đi sai gì, các cháu phải nói năng tử tế chứ - Một người đàn bà đứng tuổi cất lời.

 -Bà thì biết gì mà chõ mõm! - Vẫn cô áo đỏ hỗn hào.

- Ơ ! Con bé này láo nhỉ! Người ta nói phải, không nghe, còn hỗn!

- Kiểu kia là đau nặng đây. Không biết chừng còn chấn thương sọ não. Thôi! Ông kia đưa chúng nó vào viện đi - Một gã đầu đinh chở xe ôm cất lời. Rồi mấy gã phụ họa theo. Có một gã cười khả ố, nhe bộ răng cải mả còn rắt mấy lá rau lớn tiếng:

- Thử xem của quí có bị làm sao không? Xinh thế kia mà bị thì tiếc quá.

Cả đám cười khả ố. Có một vài người đứng gần nói nhỏ vào tai tôi:

- Anh đưa nó một trăm cho xong chuyện, kẻo rách việc. Bọn này chuyên ăn vạ đấy.

Nghe lời, tôi rút trong túi ra tờ 100.000 đồng, nói:

- Thôi, các cháu cầm tiền mua bông băng cho chú, chỉ xây xát nhẹ. Chú bị còn nặng hơn cả cháu.

Nhưng hai cô gái nhất định không nghe và đều rút điện thoại di động gọi thêm người đến giải quyết. Cảm thấy bất lợi vì chắc chắn là một đám đầu trâu mặt ngựa đến tống tiền mình, tôi đành dẫn cô áo đỏ vào bệnh viện cách đó khoảng 100m. Trong lúc cô gái không để ý, tôi đã tẩu thoát.

Vụ việc trên khiến tôi bực mình và ngán ngẩm nghĩ đến sự hư hỏng của một bộ phận tuổi trẻ ngày nay đã không còn biết gì đến tôn ti trên dưới, chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng nhắm mắt làm điều bất lương. Nhưng rồi thì chuyện này cũng qua. Tôi chẳng còn bận tâm. Cho đến một ngày kia...

- Sao anh cứ ngại đến nhà em vậy nhỉ. Nhà chỉ có hai mẹ con chứ có ai đâu. Em không thể đến nhà anh đã đành. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi gặp nhau ở các quán nước?...

Tôi quen Hà được mấy tháng nay. Chúng tôi dễ đồng cảm do có hoàn cảnh khá giống nhau: Tôi góa vợ, còn Hà thì buộc phải ly hôn người chồng suốt ngày cờ bạc, vũ phu. Hà sống không chồng đã trên 10 năm. Còn tôi cô đơn cũng đã 6 năm. Chỉ khác là tôi có hai con đã lập gia đình riêng. Hiện tôi đang ở với vợ chồng đứa con trai. Chúng tôi đều rất ngại đến nhà nhau. Hà thì chưa muốn tiếp xúc với các con tôi. Tôi cũng không muốn vội xuất hiện ở nhà cô. Hình như cả hai cùng chung một lý do là “rổ rá cạp lại” khi đã không còn trẻ, nên rất ngại mọi người bàn tán. Người vun vào chắc ít hơn người đàm tiếu. Không cẩn thận dễ làm trò cười cho thiên hạ. Tôi thông cảm việc Hà không muốn đến nhà tôi (và trong thâm tâm cũng chưa muốn). Nhưng Hà thì nghi ngờ rằng tôi chỉ muốn “chơi bời” vui vẻ nên tránh đến nhà cô. Sau nhiều lần ngần ngại, tôi quyết định đến thăm cô để chứng tỏ tình cảm chân thật của mình. Tất nhiên, trước đó, tôi được biết hiện cô đang nuôi đứa con gái 17 tuổi, học hết THCS, do sức học đuối đã không vào được THPT. Cô đang canh cánh trong lòng về đứa con thất học, lại thất nghiệp. Tôi cũng đã tìm cách giúp, xin cho cháu làm tạm ở đâu đó để tiếp tục học bổ túc văn hóa. Nhưng việc chưa thành.

Hôm đó là sáng Chủ nhật, tôi đến thì chỉ có một mình Hà ở nhà. Tôi hỏi cô con gái đâu thì cô nói: “Em sốt ruột lắm. Không học cũng chẳng làm gì, suốt ngày chỉ đàn đúm bạn bè. Nó ra khỏi nhà từ sáng rồi anh ạ”. Bất giác, tôi nhìn vào chiếc bàn trang điểm ở góc nhà thì thấy tấm ảnh một cô gái quen quen và nhanh chóng nhận ra đó là cô áo đỏ đã hỗn láo, ăn vạ tôi tuần trước. Tôi cũng nhận ra chiếc xe máy màu xanh cô bé đi hôm ấy, chẳng có vết xây xước nào đáng kể. Tôi sững sờ vì không thể tưởng tượng nổi đó là đứa con gái người mình đang yêu. Đang chuyện trò rôm rả, bỗng tôi im lặng. Phát hiện thấy tôi khác thường, Hà hỏi:

- Có điều gì khiến anh mất vui?

- Không, chỉ là còn vướng quá nhiều việc, anh đang nghĩ không biết nên làm vào lúc nào cho kịp thời hạn.

- Đến chơi với em mà anh vẫn nghĩ tới công việc sao?

Thực tình, sau khi nhận ra cô bé hỗn láo bữa trước là con gái Hà, tôi nảy sinh quá nhiều băn khoăn. Từ khi quen biết, tôi nhanh chóng có tình cảm và bước đầu thấy mãn nguyện vì Hà vừa dịu dàng, tế nhị, lại có hình thức rất hợp “gu” của tôi. Nhưng không lẽ mình lại là cha dượng một đứa trẻ quá ư hỗn láo như thế kia? Tôi biết rõ là Hà kỳ vọng ở tôi một điều khi quyết định thân thiết. Hà muốn tôi thay thế người cha đứa con gái để giúp nó trưởng thành, vào đời. Hà mới chỉ có dịp nói qua với tôi về con gái rằng nó xinh đẹp, hồi bé thì ngoan nhưng lớn lên, do giao du bạn bè, trở nên lêu lổng. Cũng do không có sự dạy dỗ của người cha, trong khi mẹ thì bận bươn chải mưu sinh.

Thương Hà, nhưng quả thực là tôi rất hoang mang, đắn đo. Tôi có nên tiếp tục đi sâu vào mối quan hệ với Hà? Vì hiện tại, tuy rất yêu cô nhưng tình cảm của chúng tôi chưa ở mức thật sâu sắc. Ấy là chưa kể phút “chạm trán” giữa tôi và đứa con gái Hà sẽ ra sao? Liệu nó có tìm cách tẩy chay hoặc xa lánh tôi?

Có nên tiếp tục quan hệ với Hà hay không là do sự thôi thúc nơi trái tim anh. Nếu yêu thực sự, cảm thấy không thể thiếu được nhau thì chi tiết liên quan đến đứa con gái tuy có “gợn” chút ít nhưng sẽ vượt qua được. Khi ấy, anh sẽ thuyết phục nó bằng sự độ lượng, nhân hậu với tình cảm yêu thương thực sự như cha đẻ. Rồi nó sẽ cảm nhận được thôi. TS Nguyễn Đình San