Tội phạm mua bán người: Thủ đoạn không ngừng thay đổi

ANTĐ - Tội phạm mua bán người (MBN), đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối của toàn xã hội. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục; xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm con người, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANCT và TTATXH.

Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc

xử lý đối tượng liên quan đến các vụ MBN qua biên giới

Mưu sâu, kế hiểm

Tội phạm MBN đang diễn ra phức tạp, xu hướng hoạt động xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài gia tăng. Không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, tại một số nơi còn xảy ra những vụ mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh và đặc biệt còn có cả những vụ án mua bán trẻ từ trong bào thai, mua bán nội tạng và đẻ thuê. Thủ đoạn phổ biến tội phạm MBN thường áp dụng là lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp để dụ dỗ, lôi kéo bằng những lời “đường mật”, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán. Tinh vi hơn, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động như thông qua mạng internet, điện thoại di động để lừa học sinh, sinh viên ở các thành phố, thị xã hay thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức “gái gọi” qua mạng và tổ chức các chuyến “ du lịch tình dục” xuyên quốc gia.

Theo thông tin Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an cung cấp, gần đây, tội phạm MBN trong nước cấu kết với người nước ngoài đã lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, tổ chức thành từng toán đột nhập vào nhà dân để giết người, nhằm chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em. Từ năm 2007 đến nay, tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra 80 vụ chiếm đoạt, bắt cóc 111 trẻ em, làm chết 7 người và bị thương 3 người. Tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai cũng diễn ra rất phức tạp tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Nam và Sóc Trăng. Tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này rất tinh vi, lắm mưu sâu, kế hiểm. Chúng sử dụng “vệ tinh” lân la tới các vùng quê để phát hiện những cô gái trẻ lỡ có thai, hoặc gia đình trục trặc, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn rồi gạ gẫm mua bán lừa gạt, thu gom bán ra nước ngoài. Điển hình là vụ vợ chồng Nguyễn Thị Hiền và Phạm Văn Thinh, ở Hà Nội, đã cầm đầu 1 đường dây tội phạm lừa bán 40 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc với giá từ 10-30 triệu đồng/trẻ em.

Đặc biệt hơn, vừa qua lực lượng công an đã phát hiện một số vụ mua bán đàn ông, xảy ra tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Với thủ đoạn dụ dỗ thanh niên có sức khỏe đi xin việc làm thu nhập cao, tội phạm MBN đã điều nạn nhân ra khỏi Việt Nam bán cho người nước ngoài để ép lao động nặng nhọc như đóng gạch, khai khoáng. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã làm rõ vụ lừa 5 nam giới người dân tộc ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, bán cho chủ lò gạch ở tỉnh Tây Giang (Trung Quốc) và vụ lừa anh Nguyễn Văn H (22 tuổi), ở TP Hải Dương, bán sang Trung Quốc làm “phu” khai thác quặng... Đặc biệt nghiêm trọng, thời gian gần đây lực lượng công an còn phát hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến hậu quả nạn nhân bị tử vong.

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã làm rõ vụ Nguyễn Văn Tám, trú tại tỉnh Sóc Trăng cầm đầu ổ nhóm dụ dỗ, lừa gạt một số thanh niên tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Ninh Thuận, rồi đưa sang Trung Quốc bán thận làm một người tử vong. Mới đây, CATP Cần Thơ đã triệt phá đường dây lừa gạt 75 người ở các tỉnh phía Nam sang Trung Quốc, Singapore bán thận với giá từ 40-50 triệu đồng/quả thận.

Khát vọng giàu sang

Lấy lời khai của người bị hại trong 1 vụ “buôn người” xuyên quốc gia

Trao đổi với đại diện Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ, phóng viên ANTĐ được biết, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị lừa dưới dạng kết hôn với người nước ngoài xảy ra nhiều ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều đối tượng người nước ngoài, cấu kết với một số “cò mồi”, môi giới người Việt Nam đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái trẻ, ấp ủ khát vọng lấy “chồng ngoại” sẽ giàu sang, rồi dụ dỗ, lừa gạt họ bán ra nước ngoài.

Qua tổng điều tra, rà soát của lực lượng công an, gần 15 năm trở lại đây, cả nước có khoảng 300.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Theo phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, phụ nữ Việt Nam kết hôn chủ yếu với người Đài Bắc - Trung Quốc và Trung Quốc đại lục chiếm gần 40%, kế tiếp là người Hàn Quốc với 14% và người Mỹ chiếm 13%. Tại Đài Bắc - Trung Quốc hiện có 95.000 cô dâu là người Việt Nam và tại Hàn Quốc, con số này là 45.000 người. Tuy nhiên, chỉ có 30% trong số đó có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, còn lại trung bình hoặc bất hạnh.

Nguyên nhân chủ yếu do hôn nhân không xuất phát từ tình yêu chính đáng, kèm theo bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, chính sách pháp luật. “Hầu hết phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài là do nhu cầu kinh tế, giải quyết khó khăn, trong khi nhận thức xã hội thấp, lại không có nghề nghiệp, nên đã bị tội phạm MBN trong nước cấu kết với tội phạm nước ngoài dụ dỗ, lừa gạt biến họ thành “món hàng” để trao đổi, mua bán” - một “chuyên gia” trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm MBN của Ban chỉ đạo Chương trình 130/CP nhận xét.

Ngoài hoạt động phạm tội nêu trên, gần đây còn xuất hiện tình trạng phụ nữ tại các tỉnh, thành phố phía Nam xuất cảnh sang Thái Lan đẻ thuê, thực chất là hoạt động mua bán trẻ sơ sinh trá hình. Năm 2001, lực lượng chức năng Thái Lan đã phát hiện một số người Đài Bắc - Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa Công ty “Đài Loan Baby 101”, để tổ chức dịch vụ đẻ thuê tại Thái Lan với giá 5.000 USD/trẻ em được sinh ra. Cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp với phía Thái Lan tiếp nhận và hỗ trợ đưa 15 phụ nữ Việt Nam và 5 trẻ em đã sinh về nước.

(Còn nữa)