Tới năm 2025, 100% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chú trọng việc hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Chiều 23-7, trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh để tiếp tục phát huy các thành tựu, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình hướng tới đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Mục tiêu Chương trình là giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, theo đó đến năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho ít nhất 100.000 người lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn; khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet...

Chương trình cũng đề ra một loạt chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi;

Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Chương trình có tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện là khoảng 75.000 tỷ đồng, chia thành 6 dự án và 11 tiểu dự án cụ thể.