Tôi đã vượt qua bệnh trầm cảm như thế đó

ANTĐ - Chồng tôi đứng bên cạnh, nét mặt rất buồn bã và hối hận. Đứa nhỏ trên tay anh trườn xuống, sà vào lòng tôi, áp má lên ngực tôi, bập bẹ kêu: "Mẹ ơi! Mẹ!...". Tôi xót xa nghĩ, suýt nữa thì con tôi mất mẹ.

Từ một phụ nữ tích cực, thành đạt, công việc thuận lợi như diều gặp gió, chỉ vài cú vấp váp, cộng thêm một trận ốm nặng, tôi bỗng trở nên yếu đuối và kiệt quệ cả tinh thần và thể chất Tôi không còn hào hứng với bất kỳ công việc gì. Mỗi khi gặp vấn đề trục trặc hay thất bại nho nhỏ, tôi lập tức nghĩ đến tự sát

Mất phương hướng

Cuối năm, công việc dồn lên đầu như núi, dù mệt mỏi, tôi vẫn cố sức làm. Cứ tự nhủ, hết đợt này mình sẽ tranh thủ nghỉ ngơi để phục hồi sức lực. Nhưng việc này chưa qua, việc khác đã đến. Vốn không phải người lười biếng, tôi chẳng ngại đón nhận. Mỗi khi hoàn thành với kết quả cao, tôi lại được khen, thưởng, được động viên, khiến tôi càng căng sức nỗ lực, để xứng đáng với lời khen đó. Tôi tự vạch ra cho mình những dự định, những kế hoạch phải làm. Kỳ nghỉ cứ bị lùi mãi, lùi mãi qua cả Tết Nguyên đán lúc nào không hay.

Thời tiết đầu xuân nắng mưa thất thường. Đứa con lớn của tôi lây bệnh cúm từ các bạn học và lên cơn sốt. Dù chăm sóc cháu hết sức cẩn thận và cố gắng cách ly cháu khỏi các em của mình, nhưng cả nhà tôi vẫn nhiễm bệnh.

 

Vừa là mẹ, vừa là bệnh nhân, tôi cố gượng dậy đưa con đi bệnh viện khám, truyền thuốc. Một đêm tôi lên cơn sốt, nhiệt độ cơ thể lên tới 40°c, đúng lúc trong nhà lại vừa hết thuốc hạ sốt, tôi rơi vào hôn mê và run lên bần bật suốt đêm. Cố gắng gọi mọi người nhưng không thể lên tiếng, tôi cố gượng dậy vớ lấy bình nước đổ lên người rồi lịm đi. Khoảng 1h sau, sơn sốt cũng hạ, tôi mệt rã rời, chìm vào giấc ngủ mệt mỏi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy trong người bải hoải, không còn chút sức lực nào. Mọi việc nhà tôi để mặc cho bà ngoại và chị giúp việc theo giờ xoay xở.

Những ngày tiếp theo, tôi bị đau đầu nên phải liên tiếp dùng thuốc an thần. Những càng dùng thuốc tôi càng hay mộng mị. Tôi mơ thấy toàn những cơn ác mộng. Tỉnh dậy, người mỏi nhừ cứ như vừa đánh trận về. Tôi xin nghỉ làm liên tiếp từ tuần này qua tuần khác, không thể nào hồi phục được. Cứ nghĩ đến đi làm trở lại, tôi lại thấy mệt. Tôi trở lên khó tính, bẳn gắt và xa lánh mọi người.

Chồng tôi không nhận ra tôi bị bệnh, vẫn mê mải với công việc và phó mặc tôi chìm trong bệnh tật. Mỗi khi đi làm về, anh khó chịu, thở dài thườn thượt khi thấy tôi nằm dài trên giường, mặt mũi trắng bệch. Anh trệu trạo ăn những món ăn không hợp khẩu vị và cáu gắt ầm ĩ mỗi khi đứa trẻ nào lớ xớ quanh anh. Những tiếng thở dài, nét mặt hầm hầm và những tiếng quát tháo của anh khiến tim tôi muốn ứa máu. Dường như mọi người đang thấy tôi là một gánh nặng quá sức. Tôi đau đớn nghĩ tới lúc những người khác đau ốm, họ điềm nhiên đòi hỏi tôi mọi thứ, còn tôi ra sức phục vụ, chăm sóc hết mình. Nhưng khi tôi nằm đây thì chẳng ai quan tâm, lo lắng. Tôi buồn bã nghĩ đến một tương lai xa xôi hơn, khi sức tàn lực kiệt thì nằm khô héo một mình. Chẳng nhẽ kiếp đàn bà sinh ra chỉ là cho, không được nhận lại gì?

Sức khỏe của tôi rất chậm hồi phục. Tinh thần của tôi còn bi đát hơn. Những việc khác trong nhà, tôi không nhìn đến, ngoại trừ việc ngày hai lần lau chùi sạch sẽ mọi ngóc ngách trong nhà và kỳ cọ chính mình. Chỉ có một thay đổi lớn là tôi nhìn mọi vật như xa cách hẳn, cứ như không dính dáng gì đến mình vậy. Chồng con đối với tôi giờ chỉ là duyên - nợ. Cha mẹ đối với tôi chỉ là món nợ ân tình mà tôi sẽ phải trả suốt đời.

Mẹ tôi khóc lóc ngày đêm, tìm mọi cách khuyên nhủ tôi suy nghĩ lại. Chồng tôi thì hoảng sợ, quýnh quáng tìm cách ve vuốt an ủi để tôi hồi tâm? Nhưng tôi nhìn thấy phía sau những cử chỉ ấy chỉ là sự giả dối, thực dụng. Mục đích của anh là làm sao để tôi nhanh chóng trở lại bình thường và tiếp tục trọng trách làm vợ, làm mẹ như trước đây để anh rảnh tay chăm lo cho sự nghiệp hay vui chơi giải trí với bè bạn sau giờ làm việc. Những suy nghĩ ấy khiến tôi thêm phần chán ngán và từ chối tiếp nhận sự quan tâm của anh. Quả nhiên, chẳng được mấy nỗi, anh nổi khùng và tiếp tục la mắng tôi vì sự thờ ơ ấy. Trong một lần không kìm chế được, anh đổ lỗi hết cho tôi trong mọi chuyện và hầm hầm bỏ đi. Nếu như mọi lần, tôi sẽ khóc lóc và giận dỗi, sẽ gọi điện mắng anh và sau đó chúng tôi sẽ cãi nhau kịch liệt một trận để rồi lại hì hì cười và làm lành với nhau. Nhưng lần này, tôi chỉ dửng dưng nhìn anh đi và ngồi im lặng? Khi vắng người, tôi mở lọ thuốc an thần, trút ra một nắm và bỏ hết vào mồm, chiêu một ngụm nước...

Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện, xung quanh là những người thân của tôi. Mẹ tôi mắt đã sưng mọng. Nhưng bà không còn khóc nữa. bà chỉ khẽ hỏi: “Con đói chưa, mẹ lấy cháo cho con ăn nhé”. Bố tôi thì xin lỗi tôi bởi ông cho rằng chính ông là nguyên nhân khiến tôi rơi vào trạng thái này. Ông nói, ông đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào tôi. Điều đó gây nên những áp lực khiến tôi phải dốc sức và không tự điều hòa được. Chồng tôi đứng bên cạnh, nét mặt rất buồn bã và hối hận. Đứa nhỏ trên tay anh trườn xuống, sà vào lòng tôi, áp má lên ngực tôi, bập bẹ kêu: "Mẹ ơi! Mẹ!...". Tôi xót xa nghĩ, suýt nữa thì con tôi mất mẹ.

Tìm lại chính mình

Sau một đợt điều trị tích cực, tôi được chuyển sang Viện Sức khỏe tâm thần. Tôi được bác sỹ tư vấn suốt buổi chiều và lần lượt gỡ những mớ bòng bong ra khỏi đầu tôi. Tôi cũng được làm ba bài test về tâm lý. Bác sỹ cho biết tôi bị mắc hội chứng trầm cảm kích thích, phải điều trị tích cực tại bệnh viện trong vòng ba tháng.

 

Hết thời gian điều trị, mẹ rụ tôi về quê chơi cho khuây khoả. Chồng tôi không ngăn tôi đi như mọi khi, lại còn hăng hái chuẩn bị khăn gói cho mấy mẹ con, nói đùa "trả vợ về nơi sản xuất". Về quê, tôi chẳng chịu làm gì, không muốn ăn uống, cả ngày nằm dài trên ghế, sưởi nắng và để đầu óc trống rỗng. Mẹ nhẫn nại chăm sóc các con tôi và chính tôi rồi mỗi tối lại lấy rượu thuốc ra nhờ bố tôi bóp hộ chân tay tê nhức vì lao động vất vả! Nhìn bố mẹ, tôi chợt thấy xót xa quá. Ở tuổi này, đáng lẽ bố mẹ tôi đã được nghỉ ngơi, nhưng lại đang phải còng lưng chăm con, chăm cháu, nhìn đứa con dứt ruột đẻ ra cứ tàn héo dần mà không thể làm gì được.

Tôi đã làm gì để đền đáp lại công lao khó nhọc của bố mẹ? Tôi đã làm được gì cho những đứa trẻ mà tôi mặc sức sinh ra nhưng lại định chối bỏ chúng? Tôi đã làm gì cho chồng tôi, người bạn đời như tôi đã hứa sẽ ở bên anh cho đến hơi thở cuối cùng? Dù sao anh ấy cũng đã làm vắt kiệt sức mình để kiếm tiền nuôi gia đình, nuôi con. Rồi còn những ước mơ, những khát vọng, những dự định còn dang dở... Những suy nghĩ ấy khiến nước mắt tôi cứ ứa ra. Mẹ tôi tưởng tôi tủi thân điều gì, chạy lại an ủi: "Đừng khóc, con ạ, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua". Tôi nắm bàn tay nhăn nheo đầy vết đồi mồi của mẹ, nói: "Con sẽ vượt qua được, mẹ ạ".

Nhớ lời bác sỹ dặn, mỗi ngày, tôi cố gắng thức dậy sớm, tập vài động tác thể dục, nghé những bản nhạc vui và tắm nước ấm. Tôi bỏ chế độ ăn kiêng, tập ăn trở lại những thức ăn chứa nhiều đạm và giàu năng lượng. Mẹ tôi thường đặt thằng nho vào tay tôi, bảo dẫn nó đi chơi quanh xóm. Chầm chậm theo nhịp bước của con, cùng ngắm cánh đồng xanh và bầu trời bao la, hít thở không khí trong lành, lắng nghe và trả lời những tiếng líu lo của con trẻ, tôi như vui lây niềm vui trong veo của con tự lúc nào. Dường như đã lâu lắm rồi, tôi chỉ chăm sóc con một cách máy móc mà chưa bao giờ thực sự làm bạn với nó. Chính sự quấn quýt của con khiến tôi bật cười một cách thoải mái, quên hết những ưu tư và thất vọng triền miên.

Cả nhà tôi chỉ chờ tôi cười để cười theo. Mẹ tôi đã lặng lẽ lau nước mắt khi thấy tôi cười rũ rượi trước một cử chỉ ngộ nghĩnh của con trai. Còn chồng tôi mỗi tối đều gọi điện thoại trò chuyện với mấy mẹ con. Anh động viên tôi cứ yên tâm nghỉ ngơi, mọi việc ở nhà anh sẽ cố gắng thu xếp, dù không được tốt bằng khi có tôi ở nhà. Mỗi ngày cuối tuần, anh đưa con trai lớn và rủ theo một chị em nào đó của tôi về thăm tôi. Họ khuyên tôi phải biết bỏ qua những khoảng cách chênh lệch và học cách quên mọi chuyện buồn để sống cho thanh thản.

Dần dần, tôi nguôi ngoai từ lúc nào. Khi tự mình lái xe máy mà không chóng mặt, tôi quyết định đi làm trở lại. Tôi cần bận rộn đầu óc một chút, nhưng không có áp lực. Tuần đầu tiên đi làm trước, tôi lựa chọn những việc cần thiết để làm, những việc ít quan trọng hơn, tôi để lại. Tôi lên kế hoạch cho cả năm, trong đó ưu tiên những kỳ nghỉ ngơi, những kế hoạch dài hạn và trước nhất là ưu tiên cho gia đình. Mẹ tôi nhận sẽ hỗ trợ tôi thêm một thời gian dài nữa, cho đến khi đứa bé đi học. Sự có mặt của bà sẽ khiến tôi yên tâm hơn và ít nhất, tôi luôn cảm giác mình không đơn độc. Tôi còn hiểu gia đình tôi đã ngầm cử bà "giám sát" tôi để ngăn chặn căn bệnh tái phát.

Một tuần rồi một tháng trôi qua, tôi đã bắt lại nhịp với cuộc sống xung quanh. Tôi dần tìm lại nguồn năng lượng mới cho mình. Như người vừa từ cõi chết trở về, tôi yêu quý, trân trọng cuộc sống hơn. Tôi bắt đầu tận hưởng và nương theo nó chứ không chơi trò đuổi bắt hối hả để rồi hụt hơi đuối sức và suýt tự đánh mất chính mình.