Cha mẹ sắp ly hôn:

Tôi cần một gia đình, dù đó là vỏ bọc dối trá

ANTĐ - Dù có giả dối, có hình thức đến bao nhiêu chị em tôi vẫn cần có một mái ấm gia đình ấy. Tôi không chịu nổi cảm giác chị em tôi là những đứa trẻ bơ vơ khi bố mẹ ly hôn nhau.

Bố mẹ tôi đều là những trí thức, có địa vị xã hội. Nhà tôi giàu có, bố một xe hơi, mẹ một xe hơi và mỗi người mỗi phòng trong ngôi biệt thự tiện nghi mà lạnh lẽo. Tôi không biết đến bao giờ thì bố mẹ tôi thôi đóng kịch trong chính ngôi nhà của mình. Tôi đã lớn, trưởng thành, là sinh viên đại học và tôi đủ nhạy cảm để nhận ra vở kịch vụng về mà bố mẹ tôi thường xuyên đeo mặt nạ để diễn. Tôi biết bố mẹ tôi không bao giờ ngủ với nhau, không đi ăn tối cùng nhau hay đi xem phim, xem kịch cùng với con cái như những gia đình khác. Bố mẹ luôn bận và có quá nhiều việc riêng cần giải quyết.

Từ bé cho tới lớn, bố mẹ tôi thuê chung một chiếc taxi đưa đón hai chị em tôi đi học. Nếu đi chơi, ăn kem thì cũng đi bằng taxi và chỉ có hai chị em với tiền của bố mẹ cho tha hồ ăn. Bố mẹ bận, ai cũng có công việc, có sự nghiệp, bố mẹ không có thời gian để làm cái phần việc thiên chức thiêng liêng của những bậc làm cha làm mẹ đó là chăm sóc con cái, nấu những bữa cơm ngon gia đình quây quần đông đủ. Hầu như mẹ luôn về muộn, bố còn trễ hơn... và tôi mãi mãi không thể làm quen được với cái mùi của bố mẹ khi họ trở về nhà lúc khuya.

Mẹ cười, hôn hai chị em mà hơi thở nồng men rượu. Mẹ líu ríu bước về phòng riêng, sau cái chốt cửa tách nhẹ nhàng, mẹ nói vọng ra: "Mẹ mệt cho mẹ nghỉ chút xíu nhé, hai đứa đừng làm phiền mẹ nghe". Tội nghiệp em tôi, ngày bé, nó nhớ mẹ, thèm mẹ, vẫn đòi bác giúp việc tìm mẹ đòi bế ẵm. Từ bé đến lớn chị em tôi có bác giúp việc nuôi, cho ăn uống tắm giặt và ngủ cùng bác. Mẹ về bế chúng tôi, cưng nựng được dăm phút là đưa bác giúp việc ngay. Khi chúng tôi lớn, thèm mẹ, qua tìm mẹ thì mẹ lúc nào cũng ôm hai chị em được mấy giây rồi xua hai đứa đi chơi để mẹ thả phịch người trên giường và bắt đầu vắt chân lên gối ôm, "buôn" điện thoại. Mẹ "buôn" cả tiếng cho đến khi bố chuệch choạc bước về nhà, trên người bố cũng sặc sụa mùi rượu...

Nhiều lần, em gái tôi tần ngần trước cửa phòng mẹ. Em gọi mẹ ơi. Mẹ nói, để cho mẹ nghỉ tí, mẹ mệt quá... Lâu dần, em và tôi chỉ đứng trước cửa phòng mẹ mỗi khi có việc cần trao đổi với mẹ, ví như mai nộp tiền học, ngày kia họp phụ huynh cho con, hay ký vào bài kiểm tra cho em. Thế thôi, rồi đi ra. Hai chị em tôi mất dần thói quen nhớ mẹ, thèm mẹ, sà vào lòng mẹ ríu rít chuyện trò mỗi khi mẹ về.

Ảnh minh họa

Còn bố thì đương nhiên xa cách hơn cả mẹ, bận rộn và là người quan trọng hơn cả mẹ. Nên có khi cả tuần mới được gặp bố một lần. Vở kịch của bố mẹ kết thúc trong tôi cho đến một ngày, tôi tình cờ nghe mẹ buôn điện thoại trong nhà tắm. Mẹ nói với ai đó rằng, chờ bọn trẻ con lớn lên chút nữa, cho em gái tôi vào đại học, lúc đó bố mẹ sẽ chính thức chia tay nhau và mỗi người đều có cuộc sống mới của mình.

Tôi điếng người, đổ vỡ đau đớn. Tôi muốn thét lên với bố mẹ tôi rằng, dù cho hai người cứ đóng kịch, thà như thế còn hơn thì chị em tôi vẫn còn được thấy bố mẹ trong ngôi nhà này. Thà cứ giả dối, còn hơn là chị em tôi rơi vào cảm giác mất mát, nát tan khi bố mẹ ly hôn, rồi đi ra đường, gặp bạn bè tôi biết nói thế nào, biết chia sẻ ra sao khi chúng bạn biết bố mẹ tôi ly hôn. Dù trong bất luận trường hợp nào chị em tôi cũng cần có gia đình, có đủ cả bố và mẹ. Tôi sợ sau này khi ai đó hỏi về gia đình của mình, bố mẹ của mình, tôi sẽ mặc cảm, xấu hổ và thiệt thòi biết bao khi nói rằng bố mẹ tôi đã ly hôn. Rồi sau này khi tôi có bạn trai, làm sao tôi đủ tự tin mà không mặc cảm để nói với người yêu của tôi, bạn trai tôi sau này rằng, bố mẹ em ly hôn. Chao ôi! Tôi vô cùng sợ hãi!

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Cuộc sống không phải bao giờ cũng theo đúng như mình mong muốn. Tuy nhiên, bần cùng bất đắc dĩ nếu không may gặp hoàn cảnh như gia đình bạn, bố mẹ bạn không còn tình yêu với nhau nữa, thì theo tôi, có lẽ bạn không nên cực đoan, không nên đặt điều kiện tiên quyết, không nên bi quan quá mức, không có gì xấu hoàn toàn và ngược lại. Trong trường hợp gia đình bạn, tôi thấy bố mẹ bạn tuy không hạnh phúc nhưng họ vẫn lo toan đầy đủ cho con cái, họ vẫn ứng xử với nhau đúng mức, ít nhất là không cãi nhau, không to tiếng khi ở nhà và trước mặt con. Tôi nghĩ bạn không nên ích kỷ, hãy ủng hộ bố mẹ bạn khi họ không còn hạnh phúc thì nên đi tìm một hạnh phúc khác.

Bạn rất sai lầm khi đeo giữ cái mặc cảm "bơ vơ khi bố mẹ ly hôn" bạn đã trầm trọng hóa vấn đề. Còn nhiều người thân, ông bà, bạn bè, họ hàng và bố mẹ của bạn vẫn còn đó, họ vẫn yêu thương bạn.

Không ai lại chê trách bạn, ghẻ lạnh với bạn khi bố mẹ bạn ly hôn. Tại sao bạn lại xấu hổ với người yêu khi nói với anh ấy rằng bố mẹ bạn không ở cùng nhau nữa. Không có một người đàn ông tử tế nào mà lại không yêu thương bạn hơn nếu anh ấy biết điều thiệt thòi của bạn. Tôi nghĩ bạn nên nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ bạn và cùng họ gỡ bỏ cái "vỏ bọc dối trá" không cần thiết ấy đi.