Tội ác từ game bạo lực

ANTĐ - Hai vụ án giết người gây chấn động trong thời gian vừa qua, hung thủ Lê Văn Luyện và Nguyễn Đức Nghĩa đã ra tay sát hại nạn nhân như những kẻ máu lạnh. Dư luận kinh hoàng không hiểu tại sao hung thủ lại có thể xuống tay một cách man rợ như vậy. Câu trả lời là: Hung thủ chính là những tín đồ của game bạo lực. Lời khai rành rọt của sát nhân Lê Văn Luyện đã khẳng định điều đó: “Muốn kiếm tiền để trả nợ và chơi game online “kiếm thế”.

Tội ác từ game bạo lực ảnh 1

Game bạo lực là gì?

Trong game Grand Theft Auto (GTA), người chơi thủ vai một thanh niên muốn gia nhập băng đảng xã hội đen để tự tạo lập danh tiếng. Để làm được điều đó, người chơi phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ từ trộm cắp, đập phá các địa bàn khác cho đến giết người… Thậm chí các nhà làm game còn lập trình giúp nhân vật “hồi sức” bằng cách ghé thăm… nhà thổ và làm kiếm tiền từ việc đánh đập các cô gái bán hoa đến chết rồi cướp tiền của họ.

Đó chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn các kịch bản game bạo lực đang tràn lan trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, ranh giới trong việc quy định game như thế nào là bạo lực, game nào không và mức độ bạo lực đến đâu thì các nhà quản lý còn chưa làm rõ. Nhưng có một sự thật  rất rõ ràng là game bạo lực đã ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách cũng như tác động tới tâm lý, hành vi của người chơi. Nhiều trường hợp hành xử với bạn bè theo kiểu giang hồ chỉ bởi trong game thấy nhân vật làm vậy.

Theo cách gọi của một số dân nghiện game bạo lực, có thể phân chia game bao lực ra làm hai cấp độ, nặng và nhẹ. Ở mức nhẹ, người chơi sẽ đóng vai một nhân vật trên sàn đấu với các đấu thủ khác. Và game chỉ kết thúc khi một trong hai bị đánh bại hay còn gọi là K.O (knock out). Khi đó người chơi sẽ được tùy ý xử lý kẻ bại trận với những hành động dã man, đầy tính bạo lực (game Mortal Kombat). Một thể loại khác cũng được đưa vào game bạo lực đó là những game thực hiện nhiệm vụ, cần phải bắn giết kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong game kiểu này, người chơi sẽ được thử cảm giác tiêu diệt đối phương bằng súng, bằng dao, hoặc thậm chí cả bằng bom, mìn (Crossfire, Half life). Đó là những game được xếp vào dạng nhẹ, dễ kiếm, dễ chơi. Còn những game nặng hơn thậm chí đã bị thu hồi ở nước ngoài vì quá bạo lực vẫn có thể kiếm được dễ dàng ở Việt Nam. Nội dung game là giết chóc, trả thù, trộm cắp và thậm chí cả việc quan hệ với gái bán hoa cũng được đưa vào trong game. Hay như trong game Manhunt còn “dạy” cho người chơi phải lựa chọn giữa việc giết hoặc bị giết. Game đưa ra rất nhiều cách giết người kinh hãi khó có thể dùng lời để diễn tả sự ghê rợn.

Những vụ án ghê rợn từ game bạo lực

Trường hợp của Nghĩa và Luyện không phải là duy nhất. Ngày càng nhiều các vụ trọng án xảy ra có liên quan đến game bạo lực. Ngày 27-4, TAND tỉnh Long An xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Quốc Huy (15 tuổi, ngụ xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) 4 năm tù giam về tội giết người, cướp tài sản. Tại cơ quan công an, Huy khai nghiện chơi game từ lớp 5. Huy đã nhiều lần lấy cắp tiền cha mẹ, ông bà và vay tiền của nhiều người để chơi game. Để có tiền trả nợ, Huy không ngần ngại ra tay giết người cướp “xe ôm”. Chưa hết, nhiều người còn vô cùng bất ngờ khi biết thủ phạm vụ giết hại dã man cháu bé 3 tuổi ở Đồng Nai ngày 7-5-2008 chỉ là cô học trò nhỏ. Hung thủ Nguyễn Bích Huyền (mới chỉ 14 tuổi khi gây án) do không có tiền chơi game, đã giết cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh để lấy đôi bông tai, sau đó ung dung cho xác cháu Ánh vào bịch ni lông và nhét vào ngăn tủ. Sau đó thản nhiên mang đôi bông tai đi bán lấy tiền chơi game.

Vào đầu tháng 5-2009 xảy ra một vụ án con giết cha tại Hải Dương. Chỉ vỡ game mà Nghiờm Viết Thành đó ra tay sỏt hại đấng sinh thành ra mỡnh. Theo lời khai của Thành, vỡ bị bố mắng do khụng học hành mà chỉ mải mờ game, hắn đã ra tay giết hại dã man chính bố đẻ của mình là ông Nghiêm Viết Yên (SN 1958), rồi mở két lấy đi 8 triệu đồng để ăn chơi. Để thực hiện hành vi của mình, Thành dùng dao inox (loại chặt xương) chém nhiều nhát vào đầu và người khiến ông Yên chết ngay tại chỗ. Sau đó, Thành dùng một con dao nữa mang  xác vào nhà tắm chặt ra thành nhiều mảnh, rồi chở ra cầu Cong (phường Hải Tân, TP Hải Dương) cách nhà khoảng 3km ném xác bố xuống sông phi tang hòng che đậy tội ác của mình. Số tiền lấy được Thành đem trả nợ và tiếp tục nướng vào chơi game. Đến ngày 9-5, thi thể ông Yên được phát hiện. Ngày 12-5, Thành bị bặ́t giữ khi y đang lẩn trốn tại Nam Định. Thậm chí, ngay trong lúc đang bị công an truy lùng, Thành vẫn lên mạng để chơi game.

Qua những vụ án trên có thể thấy, đối tượng phạm tội đều là những kẻ nghiện game và đều còn đang ở lứa tuổi… đi học. Mục đích phạm tội là để lấy tiền chơi game. Song điều đáng bàn là hành vi phạm tội của các đối tượng trong các vụ án trên đều rất man rợ như trong game. Sau khi giết người, kẻ sát nhân vẫn bình thản đến mức lạnh lùng. Chúng phủi tay nhẹ nhàng cứ như thể vừa hoàn thành một  nhiệm vụ trong game.

Mất bò mới lo làm chuồng

Không thể kể hết những vụ án đau lòng có nguồn cơn từ game bạo lực. Chỉ cần bước vào một trong những quán game online, Internet, chứng kiến giới trẻ đang tiếp cận những Game bạo lực như thế nào, nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Và ngày càng có không ít trường hợp loạn trí, loạn thần vị game bạo lực.

Tác hại từ game, tội ác từ game, là đã thấy rõ, song vấn đề quản lý vẫn còn nhiều lúng túng, nếu như không muốn nói là không quản lý nổi. Dường như các cơ quan chức năng vẫn đang quản lý theo cách… chạy theo sau – “mất bò mời lo làm chuồng”. Việc bắt đầu có những quy định về thế nào là game bạo lực chỉ thực sự được đưa ra bàn thảo khi ngày càng có nhiều trường hợp loạn thần, loạn trí.

Ngay như việc phân cấp quản lý game vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn: game offline do Bộ VH-TT-DL quản lý, còn Bộ TT-TT chỉ quản lý game online. Trong khi đó, thật sự khó để quản lý những nguồn game đó khi hầu hết đều được chia sẻ qua mạng Internet. Hơn nữa, chính sự phân cấp như trên đã để xảy ra tình trạng không thể quản lý triệt để những game offline nhưng được tung lên mạng như một trò chơi online, có tích hợp sự tương tác giữa những người cùng chơi.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, game bạo lực không được phép phát hành, song trên thực tế thì người chơi có thể dễ dàng tìm được những game này bởi hầu hết các server đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, các nhà quản lý của Việt Nam lại không thể “với tay” chặn hết các game từ các server này. Cũng vì lý do này nên việc quản lý game bạo lực vẫn là… “bó tay.com”.

 Khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL quy định: Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác tại điểm b, khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo, và những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm đề cao chính nghĩa, bao gồm: Mô tả cảnh đầu rơi, máu chảy, cắt, chặt bộ phận cơ thể con người; Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị, quằn quại, đau đớn của con người; Mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác và mô tả các hành động tội ác khác.