“Tộc chuột” tại các đô thị Trung Quốc

ANTĐ - Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, có những nhóm người không đủ tiền mua nhà hoặc thuê trọ nên để tồn tại, ban ngày họ làm đủ thứ nghề, đêm về lại “chui” vào phòng trọ giá rẻ ở tầng hầm ẩm thấp, tối tăm... Cuộc sống của họ được ví như những con chuột ẩn nấp dưới cống, nên họ bị gọi là “Tộc Chuột”.

Lựa chọn phổ biến của những người thu nhập thấp là phòng trọ tầng hầm

Phòng trọ tầng hầm

Gần đường Thành Nam cũ (thành phố Bắc Kinh) có một dãy phòng cho thuê dưới mặt đất. Theo 3 tầng cầu thang xuống sâu dưới mặt đất, đi qua một đường hầm quanh co, chật chội với ánh đèn lờ mờ, không khí ẩm mốc, mới đến được dãy phòng trọ của Tộc Chuột. Mỗi phòng thường có diện tích dưới 10m2, giá cả đa dạng và đều không có bếp, dùng chung phòng vệ sinh, thiết bị phòng chống cháy nổ không có. 

 Dương Đào, SN 1990, người tỉnh Hà Bắc, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, cho biết với thu nhập không đến 3.000 NDT khó có thể thuê phòng trọ riêng tại Bắc Kinh. Giá thuê một căn nhà trọ riêng với diện tích phổ thông ở gần đường Thành Nam cũ là không dưới 2.500 NDT, còn một phòng ngủ riêng ghép trong một căn nhà trọ có 3 phòng ngủ là 1.500 NDT. Người chủ đã gợi ý Dương Đào về một phòng tầng hầm giá 650 NDT, đủ chỗ cho một chiếc giường và tủ. Chấp nhận mức giá này tức là chấp nhận gia nhập cuộc sống của Tộc Chuột. Tuy nhiên, Dương Đào luôn phản ứng gay gắt khi bị gọi là... chuột bởi theo Dương Đào, những người như anh sống đàng hoàng bằng sức lao động của chính mình, tất cả chỉ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thực tế, với người thu nhập thấp, nhà trọ tầng hầm là lựa chọn hàng đầu. Đầu bếp họ Hồ, 35 tuổi, cùng vợ sống ở khu trọ tầng hầm ngay gần một tòa chung cư cao cấp nằm giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, cho biết giá thuê phòng ở đây rất... hợp lý - 400 NDT cho 4m2. Căn phòng bí bách “ám” mùi xú uế từ khu vệ sinh chung trong khi chỉ có đường ống loằng ngoằng dẫn không khí từ trên xuống thay vì một ô cửa sổ. Theo đầu bếp họ Hồ, lương của anh là 2.500 NDT và “nếu không vì mục tiêu tiết kiệm tiền, thì quả thật không sống nổi trong gian phòng này”. 

Không chỉ tại Bắc Kinh, ở Thượng Hải cũng có vô số nông dân ngoại tỉnh chật vật với giấc mơ lên thành phố lớn làm kinh tế. Trần Chiêm Thắng tuy mới 33 tuổi nhưng khuôn mặt đã lộ rõ mệt mỏi với nhiều nếp nhăn và mái tóc sớm bạc. Anh Thắng đã bỏ công việc nhà nông, theo đồng hương, mang vợ con rời quê nhà ở An Huy, lên Thượng Hải. 7 năm trôi dạt ở đây, anh Thắng chưa có được công việc ổn định. “Khi đó, tôi suy nghĩ quá đơn giản, lên Thượng Hải rồi mới thấy cuộc sống thật chật vật” – người đàn ông này trải lòng và cho biết đã gia nhập “đội quân” Tộc Chuột được 2 năm, mỗi tháng trả 300 NDT thuê trọ. Năm nay, giá thuê trọ tăng thêm 50 NDT, so với mức thu nhập chưa đến 2.000 NDT của gia đình anh Thắng thì tiền thuê nhà là một gánh nặng lớn.

Những “tộc” người yếu thế

Một chuyên gia về xã hội học của Trung Quốc cho rằng, Tộc Chuột là một biến tướng từ Tộc Kiến. Tên gọi Tộc Kiến xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2009 để chỉ hiện tượng với số tiền ít ỏi, nhiều sinh viên chỉ có thể thuê nhà sống chung, tập tụ như bầy kiến. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Bắc Kinh hiện có hơn 5.500 căn hầm và phòng trọ dưới lòng đất, số người thuộc “Tộc Chuột” lên đến 1 triệu người. Đây mới là con số ở Bắc Kinh, chưa kể ở các thành phố khác như Thượng Hải, Quảng Châu,... 

Mối quan hệ phức tạp giữa nhiều yếu tố, trong đó có chính sách của chính phủ và kỳ vọng của cá nhân được cho là nguyên căn sản sinh Tộc Chuột. Đây cũng là yếu tố khiến hình thành các “tộc” khác tại Trung Quốc như Tộc Kiến, Tộc Giếng (những người vô gia cư lấy giếng cạn làm nhà), Tộc Tủ (công nhân lao động sống trong container cũ để tiết kiệm phí sinh hoạt). 

Theo Giáo sư Từ Tường Vận, nhà nghiên cứu xã hội học thuộc Học viện quản lý công cộng – Đại học Tài chính kinh tế Đông Bắc (tỉnh Liêu Ninh), không ít người lao động và sinh viên nghĩ rằng, chỉ ở những thành phố lớn mới có cơ hội phát triển, thậm chí, một số người cố cầm cự cuộc sống thiếu thốn tại Bắc Kinh đắt đỏ và đầy cạnh tranh chỉ để “khoe” với bạn bè ở quê rằng đang làm việc tại thủ đô. Trong khi đó, tại những thành phố cấp 2, cấp 3 của các tỉnh, cơ hội việc làm không ít và giá cả sinh hoạt lại vừa phải.

Một yếu tố khác khiến người thu nhập thấp phải sống dưới hầm, dưới giếng hay trong container cũ là tình trạng tham nhũng. Trong khi nguồn cung cấp nhà ở với giá hợp lý có nhiều hạn chế, tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ chỉ ra, tại Trung Quốc, tham nhũng, lạm dụng công quỹ dùng cho các dự án xây dựng nhà thu nhập thấp là phổ biến. Theo báo này, một cuộc điều tra cách đây 2 năm của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc đã chỉ ra, trên 66 tỉnh thành có 2,96 tỷ NDT trong Quỹ xây dựng nhà ở bị lạm dụng. 

Những nguyên nhân trên dự báo, người thuộc Tộc Chuột còn lâu mới “ngoi” lên được mặt đất và xã hội hiện đại của Trung Quốc có thể còn nảy sinh nhiều “tộc” người yếu thế tương tự.