"Toát mồ hôi" với những khu dân cư siêu khủng

ANTD.VN - Tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt khiến cho những khu vực xưa kia mật độ dân cư khá thấp thì nay lèn chặt những tòa nhà cao ốc chọc trời. Nếu tính theo số lượng dân cư, thì một tòa chung cư có thể gấp vài tổ dân phố dưới mặt đất. Sự đông đúc đó cũng kéo theo khá nhiều những phiền lụy, và tất cả lại được đặt lên vai những chiến sĩ Công an cơ sở mà cụ thể là cảnh sát khu vực.

"Toát mồ hôi" với những khu dân cư siêu khủng ảnh 1Mỗi CSKV như một “địa chỉ đỏ” giữ bình yên, hạnh phúc cho người dân

Sức ép từ những thói quen cũ

Khi ánh điện loang loáng trên đường cũng là lúc khép lại ngày làm việc thường nhật của người dân. Vào lúc này, những cán bộ chiến sĩ CSKV của CAP Trung Hòa, Cầu Giấy lại bắt đầu công việc của mình. 

Dáng người thấp đậm, miệng lúc nào cũng nở nụ cười, có lẽ sự thân thiện đó đã khiến cho những ai dù chỉ là lần đầu tiên tiếp xúc đều ấn tượng với vẻ dễ mến của Trung tá Nguyễn Tiến Cường, CSKV CAP Trung Hòa. Trước đề nghị của chúng tôi về việc tìm hiểu công tác quản lý khu vực dân cư, đảm bảo ANTT, Trung tá Nguyễn Tiến Cường vui vẻ “mời nhà báo cùng anh em xuống với dân”.

Trung tá Nguyễn Tiến Cường dẫn chúng tôi đến Khu đô thị mới Nam Trung Yên. Theo Trung tá Nguyễn Tiến Cường, khu đô thị này có tới 18 tòa nhà, trung bình mỗi tòa cao trên dưới 15 tầng. Đây là khu vực thành phố xây dựng để làm quỹ nhà phục vụ công tác tái định cư. Chính vì lẽ đó, cư dân đại đa số đều thuộc diện tái định cư đến từ khắp các quận nội thành. “Cư dân tại đây là những người đã “nhường” đất, “nhường” nhà cho các công trình công cộng hoặc dự án.Việc tái hòa nhập cuộc sống tại nơi ở mới cũng gặp nhiều khó khăn. Có những gia đình, số tiền được đền bù, hỗ trợ chỉ đủ mua một căn nhà tại khu tái định cư mới, dư dả chút ít thì dành dụm lo cho gia đình, con cái ăn học.

Bên cạnh đó, nhiều người không có công ăn việc làm ổn định, trước kia, cả gia đình chỉ trông vào buôn bán nhỏ, mở hàng quán trong ngõ, hay ngay ngoài hiên nhà. Khi chuyển đến nơi ở mới, những thói quen, nếp sinh hoạt thường nhật bị thay đổi, khiến họ phải tìm đủ mọi cách mưu sinh. Chính vì vậy, nhiều người dù ở chung cư nhưng vẫn tìm cách lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh... An ninh trật tự từ đó cũng trở nên phức tạp”, Trung tá Nguyễn Tiến Cường cho hay.

Một mình phụ trách tới 8 tòa chung cư, với dân số lên tới hàng nghìn người là một sức ép  không nhỏ đối với Trung tá Nguyễn Tiến Cường cũng như hầu hết anh em CSKV của CAP Trung Hòa. Khu tái định cư được xây dựng ở vị trí khá đẹp, thuận tiện về giao thông nhưng đến nay, chất lượng của những tòa nhà này đã xuống cấp. “Thang máy bị hỏng là chuyện thường, hệ thống phòng cháy chữa cháy quá hạn sử dụng hoặc có nhưng không sử dụng được. Nhiều lúc điện nước cũng phập phù. Cảnh cả khu dân cư hò nhau “tập thể dục” bằng cách xách từng xô nước ở bể dưới sân lên tận tầng 15 hay 17  không phải hiếm gặp. Tình trạng lộn xộn, trộm cắp vặt hoặc mất đoàn kết giữa các hộ dân với nhau cũng xảy ra”, chỉ huy CAP Trung Hòa thông tin. Những khó khăn, tồn tại và yếu tố rất đặc thù về dân cư, tòa nhà... tạo thành sức ép, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn.

Tiếp dân đến quá nửa đêm

Tương tự, tại phường Hoàng Liệt, diện tích khoảng 5km2, song thống kê sơ bộ có tới hơn 50 tòa chung cư, trong đó có 12 tòa cao trên 40 tầng, với 42.000 dân. Tính riêng một tòa chung cư 40 tầng, mỗi sàn 20 căn hộ, thì số lượng dân cư đã lớn gấp nhiều lần so với một tổ dân phố hay thậm chí là một phường lõi của nội đô. Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, chúng tôi đã theo chân Thiếu tá Phạm Hoài Nam, Phó trưởng CAP Hoàng Liệt đến Khu đô thị Linh Đàm. 

Ghi nhận tại khu đô thị này cho thấy, cảnh quan khá đẹp khi có cả một hệ thống hồ nước, cây xanh để điều hòa không khí. Tuy nhiên, hàng loạt tòa chung cư đang xây dựng khiến không khí tại đây lúc nào cũng trong tình trạng bị ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn. Nằm sát ven hồ Linh Đàm là những tòa nhà theo diện thu nhập thấp. Mỗi tòa nhà như CT12A, CT12B, CT12C... đều trên dưới 40 tầng và mỗi sàn có tới hàng chục hộ.

Theo đó, nhẩm tính sơ sơ thì trung bình mỗi tòa nhà cũng có tới hàng nghìn người. Đứng từ dưới đất nhìn lên hay ở xa nhìn lại, những ô cửa sổ nhỏ li ti cao tít tắp của những tòa nhà chung cư này chẳng khác nào một tổ ong khổng lồ. Sự ngột ngạt, bức bối còn thể hiện rõ nét hơn ở khu vực để xe, trong thang máy, hay cả những hàng quán đang bủa vây khắp khu vực dưới sân chung cư. 

Thiếu tá Phạm Hoài Nam cho biết, trung bình mỗi CSKV phụ trách từ 1.200 đến 1.300 hộ dân. Cả phường có hơn 42.000 dân nhưng chỉ có vỏn vẹn 14 CSKV. Có anh em phải phụ trách địa bàn với số lượng dân cư lên đến 2.000 người, đây là sức ép lớn đặt lên vai CSKV. Cũng theo đại diện CAP Hoàng Liệt, việc “bùng nổ” dân số do có nhiều nhà chung cư được xây mới và đưa vào sử dụng kéo theo vô vàn khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. Nguyên nhân là bởi, có nhiều tòa chung cư hiện chưa được thành lập Ban quản trị, chính quyền khu dân cư. Tại đây mới chỉ có ban quản lý tòa nhà do chủ đầu tư phụ trách. 

Việc dân cư sinh sống quá đông tại một tòa nhà khiến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, hướng dẫn các thủ tục mất rất nhiều thời gian. Nhiều người không thường xuyên ở nhà, thậm chí có gia đình vừa dọn vào đầu tháng, CSKV làm hồ sơ xong đến cuối tháng họ lại chuyển đi. Mỗi bộ hồ sơ trung bình CSKV phải mất 30 phút mới hoàn thành vì có khá nhiều thủ tục. Mỗi ngày có tới 30 đến 40 người dân đến làm thủ tục, có ngày cao điểm con số này còn nhiều hơn, đó là chưa kể đến việc CSKV phải xuống địa bàn... Chính vì vậy, công tác tiếp dân của CAP Hoàng Liệt chưa khi nào kết thúc xong trước 12h đêm. Sức ép này đối với những CBCS CSKV là rất lớn. 

Để giải quyết, CAP Hoàng Liệt cũng như CAP Trung Hòa và các phường tập trung nhiều khu chung cư đã phải tổ chức những buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kê khai, hoàn tất cả thủ tục cần thiết có liên quan đến công tác tạm trú tạm vắng... ở ngay tại phòng cộng đồng của các khu dân cư. Việc này cũng giúp thuận tiện cho người dân không phải đi lại, tiết kiệm thời gian.

Cần những cánh tay nối dài

Với tốc độ tăng nhanh chóng của các khu chung cư, số lượng người dân tập trung quá đông cũng gây ra một tình trạng thiếu trầm trọng các khu vực để xe. Những khu chung cư mới đều thiết kế tầng hầm làm nơi trông giữ xe, song trên thực tế, số lượng phương tiện lúc nào cũng lớn hơn rất nhiều so với diện tích được thiết kế. Đó là chưa kể những khu chung cư cũ, khu tái định cư cũ không có tầng hầm, nên người dân đã tận dụng các diện tích xung quanh tòa nhà làm nơi trông giữ phương tiện. 

Ngay như khu đô thị Linh Đàm, phần lớn vỉa hè, diện tích công cộng được “xẻ” ra làm bãi trông giữ xe, khiến cảnh quan như bị băm nát, luộm nhuộm. Nhiều chung cư có các cá nhân, đơn vị đến thuê phòng để làm trường mẫu giáo, mầm non. Công tác quản lý đối với những trường học dạng này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng ùn tắc giao thông. Tình trạng ùn tắc, kẹt cứng ở khu vực cầu Tó vào đầu tháng 10 vừa qua là một ví dụ cho áp lực từ mật độ dân cư tập trung quá đông, trong khi hạ tầng giao thông lại thiếu thốn, cũ kỹ, hư hỏng...

Qua tìm hiểu, nhiệm vụ của CSKV hiện nay khá nặng. Ban ngày họ phải xuống địa bàn nắm tình hình, thăm hỏi bà con. Đến tối lại ở trụ sở để tiếp nhận, giải quyết những khúc mắc, hồ sơ giấy tờ. Ngoài ra, còn có hàng trăm việc bất ngờ, đột xuất dưới địa bàn lúc nào cũng cần có mặt của người CSKV. 

Hai nhà hàng xóm mâu thuẫn ném rác vào nhau thì người đầu tiên họ gọi là CSKV. CSKV còn phối hợp với CSHS tuần tra đêm phòng chống cướp giật, trộm cắp tài sản hoặc đi giải quyết trật tự đô thị nếu như tổ CSTT thiếu người... Bất kể lúc nào, từ chỉ huy đơn vị đến người dân trong khu có yêu cầu là người CSKV phải có mặt để giải quyết.

"Người dân gọi thì chắc chắn phải có chuyện cần đến mình. Khi đó, không thể không đi vì đó là nhiệm vụ của CSKV. Chúng tôi chỉ sợ xuống nhà dân mà người dân không tiếp chứ chưa bao giờ ngại vất vả, bởi sự bình yên, hạnh phúc cho người dân chính là lẽ sống của những CSKV chúng tôi. Bên cạnh sự quy hoạch, phát triển hợp lý về điều kiện kinh tế, xã hội của các cơ quan chức năng, cùng với CSKV, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt là bà con nhân dân là vô cùng quan trọng để người CSKV hoàn thành nhiệm vụ, bởi “khó trăm lần dân liệu cũng xong” - Trung tá Nguyễn Tiến Cường chia sẻ.