Toan tính leo thang trong chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu được cho là tàu dân binh biển ở một khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang gây căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình về hành vi leo thang trong chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc thực thi lâu nay tại vùng biển chiến lược này.
Hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc đang tập trung dày đặc ở bãi đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tổn - quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc đang tập trung dày đặc ở bãi đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tổn - quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Toan tính của Trung Quốc toan ở bãi đá Ba Đầu

Những thông tin mới nhất cho thấy, đến nay vẫn còn hàng trăm tàu sắt được cho là những tàu dân binh biển của Trung Quốc tập trung dày đặc tại khu vực bãi đá Ba Đầu. Đây là rạn san hô có hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10 km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống thấp và nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý của cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những tàu dân binh Trung Quốc đã đồng loạt tập trung tại vùng quanh bãi đá Ba Đầu từ đầu tháng 3 này với thời điểm có nhiều tàu nhất được ghi nhận ngày 7-3 lên tới khoảng 220 chiếc. Gần đây nhất, theo quan sát và ghi nhận ngày 23-3, số tàu dân binh của Trung Quốc ở vùng biển này có giảm xuống nhưng vẫn còn hơn 180 chiếc.

Giải thích cho việc hàng trăm tàu vỏ sắt tập trung bất thường tại khu vực biển bãi đá Ba Đầu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 22-3 nói đây là các tàu cá của ngư dân nước này. Bà Hoa Xuân Doanh cũng biện hộ rằng, các tàu Trung Quốc xuất hiện ở đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là “tàu cá” đang trú ẩn do “điều kiện thời tiết xấu”.

Tuy nhiên, theo Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS, cách Philippines gọi Biển Đông), thời tiết thời gian qua ở vùng biển này không hề xấu, trời quang đãng. Hơn thế, theo NTF-WPS, hàng trăm tàu vỏ sát của Trung Quốc tập trung đông đúc ở đây hoàn toàn không tham gia bất cứ một hoạt động đánh bắt hải sản nào, mà chỉ bật nhiều đèn màu sáng trắng lên vào ban đêm.

Lên tiếng ngày 24-3, cựu Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nêu rõ, Philippines nên "rất cảnh giác" về những gì diễn ra tại đây vì “không có trận bão nào trên biển khiến các tàu này vào đây trú ẩn như phía Bắc Kinh giải thích”. Vị cựu phó chánh án vốn là một chuyên gia về luật biển này của Philippines cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không thể neo đậu các tàu dân binh biển tại bãi đá Ba Đầu “vì nó không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ”.

Đáng chú ý là đây không phải lần đầu tiên tàu dân binh biển của Trung Quốc tập trung ở khu vực biển bãi đá Ba Đầu. Cùng thời điểm này năm 2020, "hàng trăm" tàu vỏ sắt của Trung Quốc cũng đã hiện diện tại đây. Việc hàng trăm tàu dân binh biển Trung Quốc tập trung bất thường tại khu vực bãi đá Ba Đầu đã thu hút sự quan tâm của dư luận với sự lo ngại sâu sắc về nguy cơ xuất hiện điểm nóng mới ở Biển Đông. Điều này gây thêm căng thẳng, đồng thời đe dọa tự do, an toàn hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.

Nhìn nhận về sự hiện diện của hàng trăm tàu dân binh biển của Trung Quốc tại bãi đá Ba Đầu, cựu Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh, ông “đặc biệt lo rằng họ (Trung Quốc) sẽ bắt đầu yêu sách, xây dựng trên đá Ba Đầu giống như những gì họ đã làm trên Đá Vành Khăn” hồi năm 1995. 16 năm trước, Trung Quốc đã thực hiện chiến thuật đưa rất nhiều tàu vũ trang trá hình tập trung ở đá Vành Khăn rồi sau đó cưỡng chiếm thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bồi đắp trái phép, xây dựng thành một đảo nổi nhân tạo. Chiến thuật này sau đó được biết tới với tên gọi chiến thuật “vùng xám” (grey zone).

Đồng lòng vạch rõ chiến thuật “vùng xám” nguy hiểm

Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Diện tích mà Trung Quốc đòi chủ quyền theo yêu sách này và sau này họ gọi là học thuyết “Tứ Sa” xâm phạm sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền các bên liên quan khác, trong đó có những khu vực biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng như một số nước liên quan ở Biển Đông.

Từ tham vọng độc chiếm Biển Đông đã sinh ra chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc dùng sức mạnh vượt trội của mình so với các bên liên quan khác để thực thi thời gian qua trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã đòi chủ quyền phi lý và phi pháp để biến những vùng biển hoàn toàn nằm thuộc chủ quyền nước khác và hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, theo lý lẽ phi pháp của họ.

Tuy nhiên, căn cứ pháp lý duy nhất mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền trên Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đã bác bỏ theo phán quyết đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Các quốc gia và dư luận khu vực, thế giới từ trước tới nay chưa bao giờ công nhận yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay thuyết “Tứ Sa” của Trung Quốc.

Bất chấp bị vạch mặt và lên án, song Trung Quốc thời gian qua vẫn leo thang triển khai chiến thuật “vùng xám” trên Biển Đông trong toan tính biến vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, vùng biển hoàn toàn có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc đã leo thang với các sự kiện nước này cho giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống vũ trang phi quân sự, gồm tàu hải cảnh, hải giám và đặc biệt là đội tàu cá trá hình… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam năm 2014; nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu và kéo dài tới hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, vào EEZ, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính…

Việc hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc tập trung bất thường cả tháng qua ở khu vực bãi đá Ba Đầu đang được khu vực và quốc tế quan tâm, theo dõi sát sao với mối lo ngại sâu sắc về sự leo thang mới của chiến thuật “vùng xám”. Tham vọng độc chiếm Biển Đông đã sinh ra chiến thuật “vùng xám” và việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để đạt lợi ích khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực. Các quốc gia khu vực và thế giới đều có lợi ích chiến lược và cốt lõi gắn liền với Biển Đông.

Do vậy, thúc đẩy trật tự dựa trên luật pháp, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là UNCLOS 1982 cần sự hợp tác đa phương, đặc biệt là ASEAN phải giữ vai trò trung tâm, đoàn kết. Chỉ khi tiếng nói của các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế thật mạnh mẽ, đồng lòng, lối hành xử dựa trên sức mạnh đi ngược luật pháp quốc tế như chiến thuật “vùng xám” sẽ bị vạch trần, không đạt được toan tính.