Toan tính của Trung Quốc sau động thái liên tục tập trận ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận ở Biển Đông trong thời gian gần đây báo động về toan tính ngày càng rõ hơn của Bắc Kinh trong việc dùng sức mạnh áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý ở vùng biển này.
Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Biển Đông

Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Biển Đông

Tham vọng kiểm soát tuyến đường hàng hải chạy qua Biển Đông

Từ đầu tháng 10-2020, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị nước này chiếm đóng. Đây là cuộc tập trận thứ ba trong năm của Trung Quốc tại khu vực này. Hoạt động quân sự này diễn ra sau khi Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh có những hành động quân sự hóa mạo hiểm và khiêu khích tại những khu vực có tranh chấp. Trước đó, Trung Quốc từng tiến hành 2 đợt tập trận gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 18-6 và 1-7-2020.

Nếu tính trong toàn khu vực, theo thông tin mà tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa ra, mới tính từ cuối tháng 7 đến nay, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành hơn 30 cuộc tập trận ở 4 vùng biển lớn, gồm Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Như vậy trung bình cứ cách 2 ngày, PLA lại tiến hành tập trận trên biển. Toan tính gì của Bắc Kinh sau động thái bất thường này?

Sau khi chiếm giữ trái phép các rạn san hô, các đá thuộc cái gọi là “Đường lưỡi bò” do nước này tự vạch ra ở Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tìm cách biến các nơi đó thành cơ sở quân sự. Bỏ qua lời hứa “không quân sự hóa” Biển Đông mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm 2015, Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng sân bay, căn cứ tên lửa, hầm ngầm và radar… trên các đá ở Trường Sa. Về bản chất, Trung Quốc muốn thiết lập “vùng đệm” phòng thủ, buộc các đối thủ chỉ có thể tấn công Đại lục từ xa.

Sau khi có trong tay các căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông, bước tiếp theo của Trung Quốc là tìm cách đẩy các đối thủ, trước hết là Mỹ, ra khỏi Biển Đông để Bắc Kinh có thể hoàn toàn kiểm soát tuyến đường hàng hải chạy qua vùng biển này. Lực lượng hải quân với tàu sân bay, tàu ngầm mang tên lửa đạn, tàu chiến các loại liên tục được nâng cao năng lực tác chiến thông qua các cuộc tập trận sẽ là công cụ chính để Bắc Kinh thực hiện tham vọng này.

Hiện nay, Trung Quốc có các tàu ngầm lớp Jin Type-094 mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cơ sở hải quân gần Tam Á trên đảo Hải Nam là cảng chính của cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Về tàu sân bay, hiện Trung Quốc có tàu Liêu Ninh thuộc lớp Type-001 (được cải tạo từ tàu sân bay Varyag của Liên Xô trước đây) và tàu Sơn Đông nội địa thuộc lớp Type-001A. Chiếc thứ ba lớp Type-002 dự kiến đóng hoàn thiện vào giữa năm 2021.

Theo các chuyên gia quân sự, vùng nước sâu (2.000m) quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép trên Biển Đông hoàn toàn có thể tiếp nhận tàu ngầm. Cơ sở hạ tầng tại đá Chữ Thập có thể hỗ trợ sự đồn trú cho các tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Như vậy có thể nói Trung Quốc chưa bao giờ có ý định giữ lời hứa “tạo điều kiện” cho các hoạt động giao thương ở Biển Đông như một “món quà tặng cho thế giới”. Thay vào đó, Bắc Kinh ngắm tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển này bằng sức mạnh.

3 giai đoạn vô hiệu hóa mục tiêu “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông gặp phải sự phản ứng của Mỹ và nhiều nước khác, những nước coi tự do hàng hải trên Biển Đông là lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Sau thời gian dài chủ yếu phản ứng bằng các tuyên bố, Mỹ tỏ ra hết kiên nhẫn với những hoạt động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố hồi tháng 6-2020 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình” cho thấy Washington đã sẵn sàng thách thức các yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phản ứng trước các hành vi của Trung Quốc, Mỹ cấp tập điều động lực lượng quân sự hỗn hợp bao gồm cả hải quân, không quân lẫn thủy quân lục chiến hoạt động ở Biển Đông và khu vực lân cận nhằm thể hiện sự răn đe toàn diện. PGS Stephen Robert Nagy thuộc Đại học Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) cho rằng: “Mỹ đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện của hải quân, cả tàu chiến lẫn tàu ngầm, nhằm đẩy lùi các hành động của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng”.

Theo tiến sĩ Patrick M. Cronin thuộc Chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Trung tâm an ninh mới của Mỹ), có 9 kế sách mà Mỹ cần áp dụng để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, gồm: nhấn mạnh các nguyên tắc quốc tế ở Biển Đông, tăng cường thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á, giúp đỡ cụ thể các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, xây dựng liên minh hàng hải với ưu tiên hàng đầu là Biển Đông, duy trì sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, xây dựng khả năng phòng phủ đa quốc gia, nêu rõ hành vi sẽ phải “trả giá đắt”, xác định rõ đối sách với từng hành vi vi phạm.

Về bước đi, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, hải quân Mỹ cần thể hiện sức mạnh để ngăn chặn Trung Quốc có những hành vi gây lo ngại trên Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong trung hạn, Washington cần gửi thông điệp rằng sẽ không để cho tàu ngầm của Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông. Để ngăn ngừa khả năng này, Lầu Năm Góc cần chứng minh rằng tàu ngầm của Trung Quốc không đủ sức đối đầu với sức mạnh của hải quân Mỹ.

Về dài hạn, Mỹ cần chứng minh các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông là vô dụng đối với chiến lược thôn tính vùng biển này mà Bắc Kinh theo đuổi. Các cuộc tập trận gần đây của Mỹ với sự tham gia của tàu sân bay, tàu ngầm và tàu chiến mang tên lửa hành trình Tomahawk cùng máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer là thông điệp mà Washington muốn phát đi rằng mình thừa sức vô hiệu hóa các cơ sở quân sự trên các thực thể, đá mà Trung Quốc tôn tạo ở Biển Đông.

Ngoài các hoạt động đơn phương, Mỹ còn thúc giục các nước trong và ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản… tăng cường tham gia các chuyến tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông để vô hiệu hóa mục tiêu độc chiếm vùng biển này của Trung Quốc. Các cuộc tập trận chung của Mỹ với các đồng minh ở Biển Đông cũng diễn ra thường xuyên hơn. Mục tiêu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đang xung đột với chiến lược ngăn chặn của Mỹ. Nếu không kiểm soát tốt, rất có thể sự đối đầu này sẽ dẫn tới xung đột trên Biển Đông.