Tân Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:

Toàn ngành y tế Thủ đô hy sinh niềm vui riêng, quyết xây "bức tường thép" chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, tân Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, ngành y tế Thủ đô sẵn sàng hy sinh niềm vui riêng để tập trung chống dịch, quyết xây "bức tường thép" bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tân Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ

Tân Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 là ngày lễ kỷ niệm thiêng liêng của cán bộ, nhân viên ngành y. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, năm nay, ngành y tế Hà Nội tiếp tục không tổ chức các sự kiện, mittinh hay hoạt động chào mừng…

- Đến hôm nay, 26-2, Hà Nội đã qua 11 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, các nguồn lây nguy hiểm cơ bản đã được khống chế. Bà có thể đánh giá rõ hơn về diễn biến và nguy cơ dịch bệnh của Thủ đô lúc này?

- Bà Trần Thị Nhị Hà: Tính từ 27-1 đến nay, trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, Hà Nội đã ghi nhận 35 ca Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến hôm nay, Hà Nội đã qua 11 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới.

Có thể nói, Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Đây là một nỗ lực rất lớn bởi Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, là trung tâm giao lưu, giao thương ở khu vực phía Bắc; có lượng người đi từ các vùng dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh… trở về rất lớn.

Để có thành công bước đầu đó là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Các lực lượng chức năng của thành phố, trong đó ngành y tế là mũi nhọn, đã thực hiện rất tốt việc truy vết thần tốc các ca bệnh, trường hợp nghi nhiễm, các F1, F2… và tiến hành bao vây, phong tỏa ổ dịch, không để nguồn bệnh lây lan rộng.

Hà Nội cũng đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm hơn 70.000 người từ Hải Dương và các vùng dịch trở về Thủ đô trong một thời gian rất ngắn. Toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế xác định chống dịch là mệnh lệnh, là nhiệm vụ quan trọng nhất và sẵn sàng lao vào các ổ dịch, sẵn sàng xét nghiệm ngày đêm, không có ngày nghỉ… bởi trong chống dịch thì phương châm là càng sớm càng tốt.

Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói, nếu chúng ta khoanh vùng, khống chế ổ dịch được tốt thì sẽ nhanh chóng dập được ổ dịch, còn để “đuổi theo dịch bệnh” thì chắc chắn càng đuổi càng đuối.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Trưởng đoàn kiểm tra số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bến xe Gia Lâm

Bà Trần Thị Nhị Hà - Trưởng đoàn kiểm tra số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bến xe Gia Lâm

Chúng tôi nhận thức rằng, việc thực hiện xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm luôn là yếu tố quan trọng nhất để phát hiện các ca F0, F1, F2 liên quan. Không chỉ CDC, Trung tâm Y tế quận huyện mà tất cả bệnh viện được phân công của thành phố, kể cả bệnh viện tư cũng sẵn sàng tham gia cùng vào công tác này…

Chúng tôi không bao giờ chủ quan mà vẫn đang tập trung cao độ cho công tác chống dịch. Với việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo của trung ương, Bộ Y tế cùng với chiến lược chống dịch của thành phố hiện nay, chúng tôi tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ khống chế thành công dịch Covid-19, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

"Thành phố sớm trở lại bình thường - Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi"

- Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam vào năm 2020, ngành y tế Hà Nội không tổ chức mittinh hay hoạt động chào mừng để dành sức chống dịch. Năm nay, dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Vậy cán bộ nhân viên ngành y sẽ tổ chức đón lễ kỷ niệm ngày truyền thống của ngành ra sao?

- Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam - ngày truyền thống của ngành là một sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người công tác trong ngành y. Dịp Tết nguyên đán vừa qua, hàng nghìn cán bộ nhân viên y tế của chúng tôi không có Tết vì làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và chống dịch. Còn ngày 27-2 này cũng không ngoại lệ.

Sẽ không có các lễ kỷ niệm hay hoạt động long trọng chào mừng 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Thay vào đó, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế của chúng tôi đón ngày 27-2 thiêng liêng bên giường bệnh, trong phòng xét nghiệm, trong khu cách ly, trong vùng phong tỏa phòng Covid-19.

Chỉ trong vài ngày, Hà Nội xét nghiệm gần 70.000 mẫu Covid-19 người về từ vùng dịch

Chỉ trong vài ngày, Hà Nội xét nghiệm gần 70.000 mẫu Covid-19 người về từ vùng dịch

Lúc này, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội), các phòng xét nghiệm vẫn liên tục sáng đèn đến tận nửa đêm. Tại các bệnh viện, những y bác sĩ túc trực đến 1-2h sáng bên giường bệnh để cứu những ca bệnh nguy kịch. Trong các khu cách ly hay vùng phong tỏa, nhiều cán bộ y tế đã nhiều ngày chưa được về nhà…

Thay vì những bó hoa hay lời chúc mừng, mỗi ngày trôi qua không có thêm ca mắc mới, mỗi ngày có thêm các vùng phong tỏa được dỡ phong tỏa và thành phố sớm trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường, đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Cũng chỉ khi dịch bệnh được khống chế, thành phố an toàn, gánh nặng của ngành y mới vơi bớt phần nào.

Thay mặt lãnh đạo Sở Y tế, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể cán bộ nhân viên y tế của chúng tôi đang ngày đêm nỗ lực để chống dịch, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng cán bộ nhân viên y tế, cam kết toàn ngành y tế Thủ đô sẽ chung sức để xây lên “bức tường thép” bảo vệ sức khỏe nhân dân khỏi dịch bệnh.

Tất cả người dân Thủ đô được khám sức khỏe ít nhất một lần/ năm

- Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Nghị quyết về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô trong tình hình mới, trong đó nêu rõ mục tiêu mỗi người dân Thủ đô được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Vậy Sở Y tế sẽ triển khai như thế nào?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII có một nội dung rất quan trọng như bạn đã nêu. Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cũng vô cùng khó khăn đối với ngành y tế. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm thực hiện và đã xây dựng những kế hoạch để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó, Sở Y tế đã rà soát, phân loại từng đối tượng, phân theo từng lứa tuổi để tổ chức từng bước. Chẳng hạn, với các đối tượng ở trường học như học sinh, sinh viên thì sẽ tổ chức khám sức khỏe tại trường.

Đối tượng công nhân lao động ở các khu công nghiệp thì phân công y tế cơ sở tổ chức khám sức khỏe tại khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Đối với người già thì thực hiện khám sức khỏe tại y tế cơ sở nơi cư trú. Đồng thời, tất cả người dân đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện cũng sẽ được theo dõi sức khỏe qua hệ thống phần mềm…

Muốn vậy, chúng tôi đã chuẩn bị từng bước hệ thống quản lý sức khỏe điện tử, kết nối công nghệ thông tin để liên thông giữa hệ thống y tế cơ sở đến các bệnh viện, giữa các bệnh viện với nhau…

Ngay từ quý I/2021 này, ngành y tế Thủ đô đã bắt tay vào triển khai Nghị quyết trên, với mục tiêu đảm bảo tất cả người dân Thủ đô đều được khám sức khỏe ít nhất một lần/ năm.

- Xin cảm ơn bà!