Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013

ANTĐ - Ngày 13-4, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2013 cho thấy, xét về tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua Nga đã chi tiêu vượt Mỹ.

SIPRI là một tổ chức giám sát các hoạt động mua bán vũ khí và chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới có trụ sở tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Viện nghiên cứu này thường xuyên đưa ra các báo cáo thường niên về tất cả các hạng mục trong lĩnh vực quốc phòng thế giới.

Báo cáo này cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2013 giảm khoảng 1,9% xuống còn 1.700 tỷ USD, do các nước phương Tây cắt giảm đầu tư vũ khí vì khủng hoảng kinh tế, trong đó nước Anh đã ngân sách quốc phòng xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013 ảnh 2

Mỹ đầu tư hàng chục tỷ USD để duy trì hoạt động của hàng chục biên đội tàu sân bay

Trong bối cảnh đang nỗ lực tăng cường khả năng quân sự của mình, Nga đã tăng chi tiêu cho quân sự trong năm 2013 khoảng 4,8% lên mức 87,8 tỷ USD, chiếm 4,1% GDP của đất nước. Tỷ lệ GDP này đã lần đầu vượt cả Mỹ kể từ năm 2003.

Theo kế hoạch vũ trang cấp nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Nga, nước này có kế hoạch đầu tư 705 tỷ USD để thay thế và hiện đại hóa 70% trang thiết bị và công nghệ quân sự của họ, do phần lớn trang thiết bị quân sự của nước này cần phải hiện đại hóa.

Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013 ảnh 3

Trung Quốc đang ôm ấp hàng loạt dự án máy bay chiến đấu và tàu chiến

Ông Sam Perlo-Freeman, giám đốc chương trình chi tiêu quốc phòng và sản xuất vũ khí của SIPRI cho rằng: "Mục tiêu nâng cao năng lực quân sự của Nga ngày càng cấp bách hơn kể từ sau cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008, cuộc chiến đã phơi bày những thiếu hụt nghiêm trọng về công nghệ quốc phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga".

Tuy nhiên, dù có dành nhiều tiền của hơn nữa, thì Nga vẫn kém xa so với Mỹ về tổng chi tiêu cho quốc phòng.

Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013 ảnh 4

Duy trì lực lượng tên lửa chiến lược cũng ngốn của Nga khoản ngân sách hàng tỷ USD/năm

Trong năm 2013, Mỹ đã chi 640 tỷ USD (chiếm 3,8% GDP) cho ngân sách quốc phòng (giảm 7,8%), song vẫn là nước có chi phí quân sự lớn nhất thế giới, gấp hơn 3 lần so với Trung Quốc, với 188 tỷ USD. Trong năm 2013, Bắc Kinh tăng chi phí quân sự khoảng 7,4%, qua đó trở thành nước đầu tư ngân sách cho quân sự lớn thứ 2 thế giới.

Còn Saudi Arabia đã tăng tới 14% lên 67 tỷ USD trong năm 2013, một phần là do căng thẳng với Iran, nhưng cũng do tham vọng duy trì một lực lượng an ninh mạnh và trung thành để đảm bảo chống lại các cuộc biểu tình kiểu mùa xuân Arab tiềm năng, SIPRI cho biết.

Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013 ảnh 5

Saudi Arabia cũng đầu tư không nhỏ cho các phương tiện chiến đấu kiểu phương Tây

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Iraq và Bahrain đã tăng hơn 25% trong cùng thời kỳ này. Chi tiêu quân sự tại Trung Đông nói chung đã tăng 4% trong năm ngoái, lên mức 150 tỷ USD.

Đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới trong năm 2013 là Afghanistan, với tỷ lệ gia tăng là 77%. Không chỉ tăng mạnh trong năm 2013 mà đầu tư cho quốc phòng của nước này đã tăng 557% trong một thập kỷ qua kể từ năm 2004.

Toàn cảnh về ngân sách quốc phòng thế giới năm 2013 ảnh 6

Algeria cũng duy trì một biên đội tàu ngầm thông thường rất mạnh

Theo SIPRI, ngân sách quốc phòng tại châu Phi cũng tăng hơn 8% trong năm 2013, đạt khoảng 44,9 tỷ USD. Algeria đã trở thành quốc gia đầu tiên tại lục địa này đầu tư cho quốc phòng vượt 10 tỷ USD. Trong khi, với mức tăng 36%, Angola đã vượt qua Nam Phi trở thành nước chi tiêu quân sự lớn nhất ở khu vực cận Sahara.