Toàn cảnh sự điên loạn của vàng

ANTĐ - Trong một cơn điên loạn, anh Nguyễn Văn T. (ngõ 35, Cát Linh, Hà Nội) đã tát một cái tát trời giáng vào mặt vợ sau khi ném cả chai rượu Vodka Hà Nội vào chiếc tivi 32 inch. Ấy là lúc vợ anh mếu máo kể chuyện vừa rút tiết kiệm gần tỷ bạc đi mua vàng và mặc dù chưa nhận được vàng đã biết mất gần trăm triệu đồng.

Cơn điên của anh T. và của rất nhiều người nữa chỉ là hậu quả của một cơn điên loạn lớn hơn và ảnh hưởng lớn hơn nhiều: cơn điên loạn của thị trường vàng. Ảnh hưởng của cơn điên loạn từ anh T. là vợ anh bỏ về nhà ngoại và đưa đơn ly dị, một gia đình yên ấm hạnh phúc đứng bên bờ vực đổ vỡ. Ảnh hưởng của thị trường vàng không chỉ là tai họa của hàng ngàn, hàng vạn cá nhân và gia đình dốc vốn lao theo giá vàng mà còn là lòng tin vào khả năng điều hành thị trường của các cơ quan có quyền lực, lòng tin vào giá trị đồng nội tệ, đẩy cơn bão lạm phát tăng tốc, làm vơi bớt vốn đầu tư dành cho sản xuất vốn đã rất hẻo và thêm nữa lãng phí vô vàn giấy và mực của các phương tiện truyền thông qua vô vàn bài báo bàn về thị trường vàng.

Vậy VÀNG và THỊ TRƯỜNG VÀNG nó ra sao? và điều hành thế nào? Tại sao nó lại có ảnh hưởng ghê gớm đến vậy! Bài viết này chỉ là ý kiến của tác giả nhằm giúp bạn đọc có thể nhìn được toàn cảnh của VÀNG và THỊ TRƯỜNG VÀNG trong cơn điên loạn vừa qua.

Vàng là gì?

Đến trẻ con cũng biết vàng là thứ kim loại quý không rỉ, không mất mát theo thời gian. Nhưng nếu chỉ có vậy nó sẽ không thể khuynh đảo được hàng triệu trái tim và có cơ hội ảnh hưởng không chỉ tới nền kinh tế mà còn cả số phận đất nước. Ngoài việc là kim loại quý, không mất giá trị vật chất theo thời gian, có thể dùng làm đồ trang sức, làm đẹp mà nó còn có giá trị là phương tiện thanh toán, là loại tài sản dự trữ. Nguyên thủy vàng dùng để thanh toán, sau này tiền chỉ dùng để thanh toán với giá trị nó có thể đổi ra bao nhiêu vàng. Thời đó nó có tên gọi là bản vị vàng. Lúc đó, vàng có giá trị tối thượng không thay đổi, chỉ có giá trị tiền thay đổi mà thôi. Vàng là tài sản dự trữ vì bất kỳ lúc nào nó cũng có thể đổi ra tiền. Các cụ có bát ăn, bát để ngày xưa bao giờ cũng giấu đâu đó vài chỉ, vài cây vàng để lúc khó khăn đem ra chi dùng hoặc để lại cho con cháu…Một ông vua, một quốc khố cũng cứ theo vậy mà làm. Ảnh hưởng của vàng lớn đến mức cái gì quý giá thì sánh với vàng, kể cả tình cảm. Thì đấy trai gái thề nguyện lấy nhau bằng lời thề vàng đá, sống với nhau vài chục năm thì làm đám cưới vàng…

Thế nhưng thời thế đã thay đổi. Trên thị trường thế giới, chỉ một cái nhấp chuột máy tính, nghĩa là cử động một ngón tay người ta có thể mua được hàng tấn, hàng chục tấn, hàng trăm tấn vàng và với phương tiện vận tải hàng không chỉ một ngày thậm chí là nửa ngày một lượng vàng vật chất lớn đã có thể tung ra thị trường. Và như vậy vàng đã trở thành một loại hàng hóa thông thường. Dĩ nhiên lượng hàng hóa này chỉ có một phần nhỏ để tiêu dùng, chế biến thành hàng trang sức hoặc dùng trong công nghiệp, còn phần lớn là dành cho… đầu cơ.

Còn ở Việt Nam ta thì vẫn là hỗn mang. Cái suy nghĩ dùng vàng làm tài sản dự trữ, rơi rớt cái mùi bản vị vàng vẫn còn nguyên, vì vậy vàng dự trữ trong dân theo như đánh giá của chính Thống đốc ngân hàng đương nhiệm Nguyễn Văn Bình lên tới gần 500 tấn tương đương 20 tỷ đô la Mỹ. Cái số vốn khổng lồ này nằm yên đáy tủ không đóng góp tý tỵ tỳ ty nào cho sự phát triển kinh tế xã hội cả. Thêm nữa số vàng được quy từ tiền gửi trong các ngân hàng thương mại lên đến khoảng 2 triệu lượng vàng trị giá khoảng 4 tỷ USD nữa cũng nằm yên trong két sắt ngân hàng. Nó cũng câm tịt như nằm trong đáy tủ các gia đình, không có ngân hàng nào dám đem nó bán đi lấy tiền cho vay, đem nó đầu tư góp phần phát triển kinh tế. Còn nhớ một công ty đầu tư đang nhắm mắt, nghiến răng lo vốn cho một dự án phá dỡ nhà chung cư nguy hiểm ở  Hà Nội biết rõ vốn vàng trong một ngân hàng thương mại chạy đến cầu vay. Thảo luận mãi, nâng lãi suất vay tới 5%, ông ngân hàng cũng lắc đầu. Ông phân trần, dân gửi vàng có 2%/năm, nhưng ngân hàng Nhà nước đã cấm tiệt chuyện cho vay vàng, có nâng lên đến 100% cũng chịu thôi. Nhà đầu tư đành cúi đầu đi về.

Như vậy với 24 tỷ USD theo như ước tính của các “nhà” ngân hàng với lãi suất phát triển 10% năm thôi thì mỗi năm nó làm thiệt hại tới 2 tỷ 400 triệu đô la Mỹ…

Ôi vậy thì vàng lại hóa ra cái kim loại gây hại. Cái mặt nó đẹp như vậy mà…

Thị trường vàng

Toàn cảnh sự điên loạn của vàng ảnh 2

Nhưng cái mà làm tốn giấy mực của các phương tiện truyền thông và cả tốn sức của mấy anh cảnh sát giữ gìn trật tự mấy phố vàng khi hàng nghìn người đổ xô xếp hàng mua vàng bán vàng làm tắc cả đường là chuyện thị trường vàng.

Xét về mặt thị trường, vàng là một loại hàng hóa. Đã có hàng hóa thì sẽ có nhà kinh doanh, mà đã là nhà kinh doanh thì mua rẻ bán đắt là công việc của họ. Một thị trường lành mạnh là một thị trường mà các nhà kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người buôn bán với lợi nhuận xã hội chấp nhận được. Nhưng thị trường vàng trong những ngày điên loạn vừa qua quả thật không thể nói lành mạnh được. Những nhu cầu ảo, những giá ảo xây dựng từ những tin đồn đã được tạo ra và cơn sốt đã kéo hàng ngàn, hàng vạn con thiêu thân là các nhà đầu tư nhỏ nhảy vào lửa.

Mà không chỉ lời đồn, hàng loạt các phương tiện truyền thông đưa ra những dự đoán hỗ trợ các công ty kinh doanh vàng. Giữa lúc thiên hạ xôn xao về giá vàng nhiều nhất, ngày 9-8-2011, một tờ báo mạng có uy tín đã đưa ý kiến của một chuyên gia dự báo giá vàng thế giới có thể lên tới 2000USD/oz. Rồi hàng loạt bài báo đổ dầu vào lửa với những phân tích rủi ro của các nền kinh tế lớn trên thế giới như kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Các tiệm vàng thay bảng giá liên tục theo hướng lên cũng thúc giục các nhà đầu tư nhỏ lao đầu vào bẫy.

Chỉ riêng một buổi sáng từ 9 đến 12 giờ, Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu thay giá 42 lần từ 44 triệu lên 46,3 triệu đồng/lượng. Tại các tiệm vàng các cò mồi hoạt động hết công suất với mọi thủ đoạn hết làm tư vấn rồi tụ tập vờ mua vờ bán rồi thì thầm nhỏ to, mua hộ bán hộ. Thậm chí cơn bão dư luận này còn lan đến các công sở, nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh đóng cửa để chủ của nó đi mua bán vàng. Chưa thấy ai được mà ngoài tiệm vàng đã đồn ầm lên người nọ người kia trúng lãi tiền tỷ. Lòng tham và sự ngu dốt chính là điều kiện của các cơn bão đầu tư theo kiểu bầy đàn. Và ăn đòn là tất yếu.

Chúng ta thử theo dõi các điểm mốc về giá vàng và các tin đồn đi cùng để có thể nhìn thấy sự điên loạn của thị trường.

Theo nhà nghiên cứu Phí Văn Minh trong vòng 10 năm qua giá vàng tăng 464% trong khi đó giá trị đồng USD chỉ suy giảm 37%. Hiện đến thời điểm 8-2011 cả thế giới có 163.000 tấn vàng, riêng năm 2010 thế giới tiêu thụ 3812 tấn giá trị tương đương 150 tỷ USD. Như vậy việc tăng giá vàng là đương nhiên. Tuy nhiên việc tăng giá diễn ra như thế nào và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội ra sao mới là điều cần nói. 

Nếu ngày 18-3-2009, cơn sốt vàng lớn trên thế giới đã đẩy giá vàng trong 2 tiếng đồng hồ tăng thêm 60USD thì giá vàng thế giới cũng chỉ dưới 1000USD/oz và thị trường cũng không diễn ra một cảnh hỗn loạn nào, nhưng đến ngày 9-8-2011 giá vàng thế giới đã lên đến 1741USD/oz có lúc còn nhảy lên 1800USD/oz rồi hạ xuống. Với mức giá cỡ 1741USD/oz với tỷ giá trong nước chỉ tương đương 43 triệu VNĐ/lượng. Nhưng do tin đồn và tâm lý “bầy đàn”, các nhà kinh doanh vàng trong nước đã đẩy giá vàng lên đến 46,3 triệu VNĐ/lượng. Không chỉ chênh lệch về giá, cơn sốt đã đẩy hàng nghìn, hàng vạn người lao ra các tiệm vàng buôn buôn bán bán. Chỉ trong buổi sáng ngày 9-8-2011, mà các tiệm vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Hà Nội, Đà Nẵng. Các công ty vàng SJC, Phú Nhuận, Doji… đã thay giá hàng chục lần.

Ở thời điểm giá cao lịch sử này các công ty kinh doanh vàng đã bán được ra thị trường 30.000 lượng vàng. Và chỉ sáng hôm sau khi thông tin NHNN cấp giấy phép nhập khẩu 5 tấn vàng được công bố, giá thị trường lập tức giảm 3 triệu VNĐ/lượng. Đến lúc này các công ty kinh doanh vàng lại được hứng một đợt bán ra của các nhà đầu tư nhỏ, những người vừa hốt hoảng mua vào hôm qua với giá kỷ lục. Giá giảm xuống dưới 44 triệu VNĐ/lượng và các tiệm vàng cũng như các công ty kinh doanh vàng hết… tiền mặt để trả cho khách đành phải viết giấy nợ, y như hôm trước hết vàng vật chất phải viết giấy nợ vàng. Có nhiều nhà đầu tư chưa hề được sờ tay vào vàng, mới nộp tiền nhận cái giấy nợ vàng rồi lại bán cái giấy nợ vàng lấy cái giấy nợ tiền, chỉ có điều số tiền đã hao hụt một phần không nhỏ. Nhưng, lại cũng là chữ “nhưng khốn khổ”, ngay sáng 12-8-2011, giá vàng lại lên đến gần 45 triệu VNĐ/lượng trung bình, làm cho bao nhiều người tiếc hùi hụi. Đến ngày 13-8-2011, giá vàng thế giới còn 1741,6 USD/oz, giá trong nước ổn định ở mức 44,5 triệu VNĐ/lượng thì các tiệm vàng vắng tanh vì các nhà đầu tư nhỏ tạm về nhà cắn rứt nhau bởi sự thua lỗ một cách ngớ ngẩn. Nhưng khi giá vàng thế giới nhích lên một chút thì giá vàng trong nước lại đã tăng chóng mặt. Và cho đến chiều hôm qua giá vàng đã nhảy tới con số 47,3 triệu VNĐ/lượng. 

Lợi nhuận rơi vào túi ai?

Trong khoảng thời gian từ 6-12-8-2011 theo điều tra của chúng tôi, tối thiểu khoảng 100.000 lượng đã được mua, bán thành công. Với chênh lệch mua bán thời điểm cao nhất là 1 triệu VNĐ/lượng vàng, thấp nhất 200 ngàn/lượng, trung bình một lượng vàng giao dịch các đơn vị kinh doanh vàng đã thu lợi tối thiểu 250.000 đồng/lượng. Với 100.000 lượng tổng số thu thấp nhất là 25.000.000.000 đồng. Nhưng đây chỉ là phần phí giao dịch của các thương vụ mua bán vàng. Khoản này đương nhiên rơi vào túi các công ty kinh doanh vàng cùng các tiệm vàng chia nhau thụ hưởng.

Cũng theo điều tra riêng của chúng tôi, khoảng trên 60.000 lượng vàng đã được bán ra cao hơn giá thị trường thế giới cộng phí, thuế, và các khoản trích nộp từ 1 triệu đến 3 triệu đồng/lượng. Riêng ngày 

9-8-2011, Công ty Bảo Tín Minh Châu đã có 450 giao dịch mua vàng, trong đó chỉ có 50 giao dịch bán vàng, lượng bán ra khoảng gần 10.000 lượng vàng. Công ty vàng bạc Phú Nhuận bán ra cỡ 2000 lượng, SJC bán ra cỡ trên 10.000 lượng. Tổng số lợi nhuận thu được do việc sốt giá này lên đến trên 100 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nhỏ thu lợi khoảng 5%, còn lại rơi vào túi của các công ty kinh doanh vàng kịp thời xuất vàng ra bán vào thời điểm giá cao nhất.

Như vậy có thể xác định gần như toàn bộ lợi nhuận của cơn sốt vàng này rơi vào túi các đơn vị kinh doanh vàng. Chỉ tiếc một điều số lợi nhuận này không phải sinh ra từ sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị hàng hóa mà là từ sự thiệt hại của hàng vạn nhà đầu tư nhỏ, những con thiêu thân lao vào ngọn lửa thị trường vàng.

Điều cần quan tâm đối với số lợi nhuận khổng lồ này là số thuế các đơn vị thu lợi nhuận nộp cho Nhà nước là bao nhiêu. Người làm điều tra bài này không trả lời được câu hỏi đó, chỉ có một sự tin tưởng rằng: sẽ rất ít. 

Tại sao và tại sao?

Có rất nhiều sự lý giải cho cơn điên loạn này. Bản thân ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định các nhà đầu cơ đã dựa vào sự tăng đột biến giá vàng thế giới để tạo ra cơn sốt giá, đẩy giá trong nước cao hơn giá vàng thế giới hàng triệu đồng.

Cũng có ý kiến coi việc Bộ Tài chính ra quyết định từ ngày 6-8-2011 tăng thuế xuất khẩu vàng nữ trang lên 10% tạo ra một lượng vàng lớn tồn tại ở các công ty xuất khẩu vàng chưa kịp xuất khẩu và với mức thuế 10% xuất khẩu sẽ lỗ nặng, bắt buộc các công ty này phải tạo ra cơn sốt để đẩy hết số vàng tồn ra thị trường trong nước.

Có ý kiến khác thì cho rằng, cứ mỗi năm một lần giới kinh doanh vàng chủ động tạo ra cơn sốt lớn để thu lợi. Vàng là một mặt hàng đầu cơ, nếu không có sóng không thể lướt sóng và đầu cơ sẽ không thu lợi lớn được. Cũng như chứng khoán và bất động sản, nhiều nhà đầu tư chỉ cần lướt sóng kịp thời một kỳ thị trường điên loạn là có thể yên tâm sống một đời.

Một ý kiến khác cũng đáng quan tâm lý giải cơn điên loạn này phát xuất từ tỷ lệ lạm phát cao, tỷ lệ tăng trưởng giảm tạo nên những khó khăn nhất định trong đời sống. Vì vậy khi có tin giá vàng cao, người dân đua nhau tham gia kinh doanh vàng kiếm lời đồng thời cũng tránh được sự giảm giá của đồng tiền VND. Chỉ tiếc lời không thấy toàn thấy lỗ.

Một nhà nghiên cứu còn khẳng định, nguyên nhân cơn sốt vàng lần này là do thiếu hụt vàng vật chất. Chỉ từ đầu năm 2011 đến tháng 8-2011, cả nước đã xuất khẩu 30 tấn vàng mà 30 tấn vàng này là lượng vàng trôi nổi trên thị trường. Đến khi vàng tăng giá, nhu cầu mua tăng, vàng thị trường thiếu, giá ắt sẽ tăng cao hơn giá thị trường thế giới. Dẫn chứng cho điều này là khi NHNN công bố việc cho phép nhập khẩu vàng, giá vàng hạ ngay. Cùng với ý kiến này là đề xuất cấm tiệt việc xuất khẩu vàng. Chúng ta kiên quyết chỉ mua và không bao giờ bán.

Thêm một nguyên nhân nữa là hiện tại các ngân hàng đang cho khách hàng trong nước vay khoảng 1,5 triệu lượng vàng. Riêng các ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đang dư nợ cho vay bằng vàng khoảng 1,1 triệu lượng với lãi suất 2% năm. Các khách hàng thấy giá tăng phải vội mua để trả nợ trong nỗi lo sợ giá vàng cao thêm phải tăng thế chấp, bù thêm tiền trả nợ.

Rất nhiều, rất nhiều cách lý giải khác nhau, tuy nhiên quan trọng nhất, và là kết luận của mọi lý giải là chúng ta chưa có một chính sách nhất quán, dài hơi, để quản lý và điều hành thị trường vàng. Xuất nhiều thì hạn chế bằng tăng thuế, nhập nhiều thì cấm nhập, giá cao thì cho nhập… Tất cả chỉ là các biện pháp đối phó tình huống, chưa phải là chính sách dài hạn.

Những giải pháp cho thị trường vàng

Để tìm kiếm một giải pháp ổn định, làm lành mạnh thị trường vàng cần phải xác định vàng là một hàng hóa thông thường. Số lượng vàng dự trữ quốc gia phải tách khỏi lượng vàng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đến lúc đó người mua vàng trên thị trường chỉ còn hai loại, một là người mua vàng tiêu dùng để làm đồ trang sức hoặc sản xuất công nghiệp, hai là người đầu tư.

Nếu vàng là loại hàng hóa thông thường cần phải được tự do lưu thông, tự do kinh doanh cả xuất nhập khẩu. Nhà nước quản lý thu thuế mọi hoạt động mua bán vàng theo chính sách thuế dài hạn. Để quản lý tốt chống lừa đảo, chống thất thu thuế có thể coi kinh doanh vàng là ngành kinh doanh có điều kiện, quan trọng nhất là đảm bảo về vốn. Ngân hàng Nhà nước là đơn vị có trách nhiệm trong việc dự trữ vàng quốc gia và đảm bảo thỏa mãn nhu cầu vàng tiêu dùng và đầu tư. Giá vàng cao và thị trường thiếu, Ngân hàng Nhà nước có thể bán vàng dự trữ, giá vàng hạ, Ngân hàng Nhà nước có thể mua để tăng dự trữ quốc gia. Cho phép các ngân hàng thương mại kinh doanh vàng, cho phép triển khai nhận gửi tiết kiệm bằng vàng và bằng chức năng kinh doanh vàng, đưa số vàng gửi tiết kiệm bổ sung vốn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh vay. Giải pháp kinh doanh này sẽ giải phóng một lượng vốn hàng tỷ USD đang nằm trong số vàng gửi tại các ngân hàng thương mại, bổ sung cho sự thiếu hụt vốn trên thị trường vốn hiện nay. Xin nhắc là với cơn sốt vàng này nhiều chục tỷ đồng tiền mặt đã được rút ra khỏi các tài khoản tiết kiệm để ném vào thị trường vàng và sẽ nằm yên ở đó, tình trạng thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh càng nặng nề hơn.

Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được tự do kinh doanh vàng, kể cả xuất nhập khẩu và quản lý tốt, ngân sách Nhà nước cũng sẽ thu được thêm hàng nghìn tỷ đồng qua thuế.

Và nếu quan niệm người mua vàng dự trữ cũng là một nhà đầu tư, chúng ta cũng không đau đớn hộ những người thiệt hại trong cơn điên loạn của thị trường vàng vừa qua. Cũng phải nhắc nhở chỉ trong đợt đóng băng thị trường bất động sản hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp, những người bỏ số vốn dành dụm cả đời người đầu tư vào bất động sản đang thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Chưa ai kêu ca hộ họ.