Tòa đùn đẩy trách nhiệm cho nhau

ANTĐ - Đó là tình cảnh mà ông Lê Văn Trọng, trú ở số 7/8/180 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang gặp. Không thể tự giải quyết được tranh chấp với đối tác, ông gửi đơn thưa kiện, nhưng vụ việc lại bị ngành tòa án thành phố “đá đi đá lại” cho nhau.

Kêu mãi không ai thấu

Theo đơn gửi Báo ANTĐ của ông Lê Văn Trọng, đầu năm 2011, ông này cùng bà Trần Trà Ly (trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hùn vốn thành lập công ty TNHH với lĩnh vực kinh doanh chính là nhà hàng ăn uống. Với tỉ lệ góp vốn 60% nên bà Ly được giữ vị trí giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Những ngày đầu, mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2011, do công ty gặp khó khăn về vốn, ông Trọng đã vui vẻ dùng “sổ đỏ” của gia đình làm vật thế chấp để bà Ly vay 800 triệu đồng của người quen.

Mặc dù việc vay mượn tiền này do công ty đứng ra chịu trách nhiệm và cũng chưa đáo hạn, song bà Ly lại yêu cầu ông Trọng bỏ ra một khoản tiền tương ứng với tỉ lệ góp vốn (40%) để trả nợ, trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn không ngừng phát triển. Ông Trọng cho rằng bà Ly đã lợi dụng tư cách pháp nhân để vay tiền, chi tiêu không rõ ràng và còn tự ý tạm dừng một số hoạt động của doanh nghiệp. Nhận thấy vị giám đốc có dấu hiệu không trung thực, ngày 20-4-2012, ông Trọng đã khởi kiện đối tác ra Tòa Kinh tế (TAND TP Hà Nội), sau khi hòa giải bất thành. Nội dung ông Trọng đề nghị tòa án giải quyết là yêu cầu bà Trần Trà Ly phải giải trình rõ ràng các khoản thu, chi của công ty, trong đó có cả khoản vay 800 triệu đồng nêu trên.  

Vụ việc chỉ đơn giản là thế, song đúng 1 tháng sau ông Trọng mới nhận được thông báo của Tòa Kinh tế về việc chuyển đơn khởi kiện của nguyên đơn xuống TAND quận Hoàn Kiếm giải quyết. Tiếp tục đi lại nhiều lần, rồi chờ đợi và sau đó ông Trọng còn có đơn khiếu nại gửi tới TAND quận Hoàn Kiếm đề nghị trả lời về vụ việc khởi kiện của ông. Sau này, ông Trọng còn tiếp tục đề nghị cả VKSND quận Hoàn Kiếm thực hành quyền giám sát đối với cơ quan xét xử. Vậy nhưng tất cả đều rơi vào… im lặng. Quay lại “gõ cửa” tòa án thành phố, ngày 8-11-2012, đơn khiếu nại của ông Trọng lại được Phó Chánh án TAND TP Hà Nội ký chuyển cho tòa Hoàn Kiếm xem xét, giải quyết. Văn bản này nêu rõ: “TAND quận Hoàn Kiếm kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền, có văn bản trả lời đương sự và báo cáo kết quả giải quyết về TAND TP Hà Nội”. Thế nhưng tính đến thời điểm này, vụ việc “cỏn con” của ông Trọng vẫn bị tòa án phớt lờ.

                        

Dưới bảo lên, trên bảo xuống

Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, sau hơn 3 tháng nghiên cứu đơn khởi kiện của công dân, ngày 27-8-2012, thẩm phán Võ Lương Vân được TAND quận Hoàn Kiếm phân công giải quyết vụ việc mới “lên tiếng”. Tại văn bản số 333A/2012/TB-TA, chuyển đơn khởi kiện của ông Lê Văn Trọng lên Tòa Kinh tế (TAND TP Hà Nội), vị thẩm phán này viện dẫn: “Đây là tranh chấp giữa các thành viên của công ty liên quan đến hoạt động của công ty được quy định tại khoản 3, Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 và mục 3.5 của Nghị quyết 01/2005 ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân Tối cao nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố Hà Nội”. Với căn cứ đó, TAND quận Hoàn Kiếm lại “kính chuyển” vụ việc của ông Trọng lên tòa cấp trên để giải quyết.

Oái ăm thay, trước đó khi chuyển vụ việc của người dân xuống tòa cấp dưới thụ lý, Tòa Kinh tế lại khẳng định: Căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 33 – Bộ luật TTDS sửa đổi, bổ sung nên vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND quận Hoàn Kiếm. Trước bức xúc của người dân, chiều 24-1 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Phạm Tuấn Anh – Chánh tòa Kinh tế (TAND TP Hà Nội). Ngay khi được PV đề cập đến vụ việc, vị lãnh đạo tòa này tỏ ra rất ngạc nhiên và cho rằng đơn khởi kiện của ông Lê Văn Trọng phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Hà Nội. Vậy nhưng sau một hồi điện thoại “triệu tập” cấp phó, vị thẩm phán được phân công thụ lý đơn ban đầu sang cùng làm việc, ông Phạm Tuấn Anh lại tỏ ra lúng túng, không chắc chắn cấp tòa nào có trách nhiệm trước vụ việc của người dân. Ngoài việc không xác định rõ hồ sơ vụ kiện hiện đang nằm ở đâu, ông Tuấn Anh còn đề nghị chúng tôi hướng dẫn bạn đọc tiếp tục làm đơn khiếu nại Thông báo chuyển đơn khởi kiện của thẩm phán Võ Lương Vân gửi tới Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm. 

Về phần mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm khẳng định căn cứ vào đơn khởi kiện của ông Lê Văn Trọng thì đây là tranh chấp giữa các thành viên của công ty về hoạt động nội tại của doanh nghiệp. Vì thế trách nhiệm giải quyết thuộc về tòa án thành phố. Trường hợp nếu tòa thành phố giao cho tòa cấp dưới thụ lý thì tòa Hoàn Kiếm sẽ tiến hành giải quyết vụ kiện, song không phải căn cứ vào thông báo chuyển đơn khởi kiện ngày 21-5-2012. Ông Hùng quả quyết, toàn bộ hồ sơ vụ kiện đã được chuyển lại cho tòa án Hà Nội.

Như vậy có thể thấy, trong vụ việc này tòa án không chỉ vi phạm nghiêm trọng Bộ luật TTDS, Luật Tố cáo khiếu nại mà còn thể hiện một thái độ làm việc thiếu trách nhiệm. Điều này lý giải tại sao thời gian gần đây để xảy ra không ít vụ án hình sự xuất phát từ việc quyền lợi, tài sản của một trong các bên đương sự không được cơ quan có trách nhiệm giải quyết, rốt ráo kịp thời.