Tòa án Tối cao không chấp nhận kháng nghị vụ "tử tù" Hồ Duy Hải

ANTD.VN - Sau 3 ngày làm việc liên tục, chiều 8-5, thay mặt Hội đồng Thẩm phán, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao chính thức đưa ra các nhận định về vụ án và ra phán quyết đối với Quyết định Kháng nghị của VKSND Tối cao về vụ “tử từ’ Hồ Duy Hải.  

Lời khai các nhân chứng phù hợp với các tài liệu

Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao cho rằng lời khai của Hồ Duy Hải và nhân chứng đều chứng minh tối hôm xảy ra vụ án, Hải có đi xe máy Dream đến bưu điện Cầu Voi. Các nhân chứng cũng mô tả tương đối chính xác đặc điểm nhận dạng của Hải như tóc, quần áo… vào hôm xảy ra vụ án.

Hải khai sau vụ án đã đốt quần áo và cơ quan điều tra đã thu giữ đống tàn tro. Hải xác nhận trong đống tro có vật chưa cháy hết là vải quần của mình. Việc này phù hợp với khám xét, niêm phong… Nhân chứng tên Ngân cũng khai khi bán trái cây cho nạn nhân Vân, chị đã nói có người cho tiền nên mua nhiều.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Như vậy phù hợp với lời khai của Hải. Hải cũng mô tả chi tiết các đồ vật trong bưu điện chính xác - mà thường chỉ có người đã tiếp xúc mới có thể mô tả như vậy. Vì vậy, đủ cơ sở xác định Hải có mặt tại hiện trường vụ án.

Về kháng nghị Hải không thể có mặt ở bưu điện Cầu Voi vào 19h39 phút, HĐTP cho rằng, sau khi Hải vào quán cầm đồ, theo biên bản kiểm tra thời gian, Hải có mặt tại bưu điện vào 19h34 phút, việc này phù hợp với lời khai của Hải cũng như 2 nhân chứng khác. Vì vậy, các cơ quan tố tụng Long An nhận định Hải có mặt tại hiện trường vào 19h30 là có căn cứ, kháng nghị cho rằng Hải không thể có mặt là sai.

TAND Tối cao cũng nhận thấy, các bản cung của Hải trong những buổi lấy lời khai có mặt của kiểm sát viên, luật sư đã thừa nhận sợ tội nên khai thiếu tình tiết. Trong các bản cung này, Hải cho biết đã lừa chị Vân đi mua hoa quả để quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không nhằm hiếp dâm.

Do nạn nhân chống cự nên Hải đã sát hại chị Hồng và sát hại luôn chị Vân khi người này phát hiện sự việc. Theo tòa án, Hải đã mô tả rất chi tiết hành vi “sàm sỡ” và phù hợp với hiện trường, việc này cơ quan điều tra cũng không thể biết. Do đó, yêu cầu điều tra lại vụ án của VKSND Tối cao là không có cơ sở.

Theo lời khai của Hải ở giai đoạn điều tra, Hải dùng ghế đập chị Vân rồi để ở cạnh chị Hồng. Biên bản khám nghiệm hiện trường cũng thể hiện việc này nên cũng không cần trả hồ sơ để điều tra lại. Trong vụ, cơ quan điều tra không xác định một số chi tiết nhưng Tòa án Tối cao cho rằng các tình tiết này không có ý nghĩa trong xác định Hải có tội hay không.

Về việc Hải trèo tường sau khi gây án nhưng không để lại vết máu, HĐTP cho rằng Hải đã vào nhà vệ sinh rửa sạch các vết máu. Như vậy, việc không có dấu vết máu trên tường là phù hợp với lời khai của Hải.

Không thu được dấu vân tay là bình thường

Liên quan tới các dấu vân tay ở hiện trường, Thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ khẳng định không phải của Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, bưu điện là nơi công cộng nên nhiều dấu vân tay là bình thường, việc không thu dấu vân tay của Hải ở hiện trường chưa phải căn cứ xác định Hải không phạm tội.

Đại diện VKSND Tối cao tham gia phiên giám đốc thẩm.

Cũng theo HĐTP, kháng nghị cho rằng Hải dùng tay đánh vào mặt sẽ không thể gây vết thương như bản ảnh là kết luận chủ quan, không chính xác. Các kết luận giám định phù hợp với lời khai của Hải về việc đánh các nạn nhân bằng tay, ghế và thớt, dao.

Về mẫu tàn tro thu giữ, cơ quan điều tra cho biết việc lấy lời khai và thu giữ vật chứng ở nhà Hải do 2 điều tra viên khác nhau. Hải đã khai chính xác về nơi đốt quần áo ở vườn nhà dì ruột, nếu Hải không khai sẽ không ai biết. Giám định sau đó thể hiện trong tàn tro có thành phần của quần áo, việc này phù hợp với lời khai của Hải nên kháng nghị của Viện KSND Tối cao nội dung mẫu tàn tro chưa phải chứng cứ là không chính xác.

Hải cũng được nhận dạng các tài sản bị mất của chị Vân và phù hợp với các nhân chứng từng nhìn tài sản này. Ngoài ra, Hải còn khai chi tiết sơ đồ nơi bán tài sản và cơ quan điều tra đã đến những nơi này để làm rõ và thấy trùng khớp, phù hợp với lời khai của các chủ cửa hàng. Hải cũng khai vị trí vứt bỏ một số vật chứng như sim điện thoại… đã được xác minh, kết quả cho thấy lời khai phù hợp với hiện trường. Do đó, kháng nghị yêu cầu làm rõ việc nơi bán, tiêu hủy tài sản Hải cướp được là không cần thiết.

Việc Hồ Duy Hải về nhà sau khi gây án, kháng nghị cho rằng Hải khai mâu thuẫn vì lúc đầu nói về cửa mở, vào không ai biết nhưng sau lại khai nhà khóa cửa, phải nhờ em mở… TAND Tối cao cho rằng, chi tiết này mâu thuẫn nhưng không có giá trị chứng minh Hải có tội hay không.

Cơ quan điều tra chưa thể biết hung khí là thớt, ghế, dao cho đến khi bắt được Hải và việc này phù hợp với những nhân viên bưu điện đã thu dọn hiện trường, phát hiện dao thớt được cất giấu rồi đem đốt… Cảnh sát đã mua dao, thớt về cho các nhân viên này nhận dạng, kết quả phù hợp với lời khai, bản tự vẽ hung khí của Hải. Dao, thớt được mua về không phải là vật chứng như kháng nghị của VKSND Tối cao.

Tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, khám nghiệm hiện trường, tử thi đều được tiến hành tại bưu điện Cầu Voi. Việc này đã có các chữ ký thể hiện đầy đủ thành phần tham gia tố tụng nên yêu cầu thực nghiệm của viện kiểm sát là không cần thiết.

Thiếu sót không thay đổi bản chất vụ án

Nhận định về vụ án, HĐTP cho rằng kháng nghị của VKSND Tối cao là đúng nhưng những thiếu sót trong điều tra không làm thay đổi bản chất vụ án. Bởi tại tòa sơ thẩm năm 2008, Hải đã nhận tội và sau đó chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên phúc thẩm, lúc Hải nhận tội, lúc lại kêu oan. Sau đó, Hải viết đơn xin ân giảm thể hiện đã ăn năn hối cải. Như vậy, đủ cơ sở khẳng định Hồ Duy Hải là hung thủ sát hại các chị Vân, Hồng ở bưu điện Cầu Voi.

Bị án Hồ Duy Hải trước ngày phiên giám đốc thẩm diễn ra.

Từ những phân tích trên, HĐTP TAND Tối cao kết luận, tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên phạt Hải án tử hình về các tội “Giết người” và 5 năm tù về “Cướp tài sản” và tổng hợp hình phạt là tử hình là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Các vi phạm tố tụng trong vụ án không làm ảnh hưởng tới bản chất.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao từng quyết định không kháng nghị vụ án của Hải; Chủ tịch nước cũng quyết định không chấp nhận đơn xin ân giảm án tử hình của Hải.

Năm 2019, Viện trưởng VKSND Tối cao lại kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy án sơ thẩm, phúc thẩm với Hải. HĐTP cho rằng kháng nghị này trái pháp luật vì quyết định không cho ân giảm của Chủ tịch nước vẫn có hiệu lực.

Từ những phan tích nêu trên, HĐTP đi đến quyết định không chấp nhận kháng nghị vụ Hồ Duy Hải của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Diễn tiến vụ “tử tù” Hồ Duy Hải

Sáng 14-1-2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.

Ngày 21-3-2008, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải (SN 1985), trú xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ngày 1-12-2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Cuối tháng 4-2009, tòa phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) tại TP.HCM bác kháng cáo xin giảm nhẹ và y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24-5-2011, Chánh án TAND Tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 24-10-2011, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Từ đó, ngày 17-5-2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, ngày 4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không, theo đơn kêu oan của mẹ “tử tù” cùng luật sư hỗ trợ pháp lý.

Cũng trong ngày 4-12-2014, Hội đồng thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 12-2-2018, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội kiến nghị với Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Và ngày 23-7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm để xử lý dứt điểm vụ án.

Đến ngày 22-11-2019, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành Quyết định kháng n nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị án Hồ Duy Hải để điều tra lại.