Tổ trưởng dân phố thu phí sử dụng đường bộ: Không đúng chức năng nhiệm vụ

ANTĐ - Thêm áp lực cho địa phương, không thể hoàn thành 100% công việc, không đúng chức năng nhiệm vụ… đó là hàng loạt quan điểm mà UBND các phường đưa ra khi được hỏi về quy định mới của Bộ GTVT: Yêu cầu UBND cấp tỉnh, thành phố quy định cụ thể để UBND cấp xã, phường thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy…

Rất khó thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy khi giao cho tổ trưởng dân phố

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào triển khai thực hiện theo như thông cáo của Bộ GTVT. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các địa phương thờ ơ với thông tin trên. Trái lại, việc yêu cầu các UBND phường, xã, thị trấn thực hiện thu phí thông qua các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư gặp khá nhiều phản hồi không mấy lạc quan. Phần lớn chính quyền địa phương cho biết, họ rất ngỡ ngàng trước thông tin này, một số thì cho rằng việc thu phí mà Bộ GTVT yêu cầu thực hiện là thiếu thực tế và rất dễ rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột.

Bà Phan Thị Thanh Hà – Chủ tịch UBND phường Bạch Mai nhận định: “Nhân sự ở cấp cơ sở có hạn, nhưng chính quyền các phường, xã ngày càng bị giao thêm việc. Làm không tốt thì bị khiển trách, muốn làm tốt thì không thể đào đâu ra người. Điều đó khiến chúng tôi dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn do cùng một lúc phải kiêm nhiệm quá nhiều việc. Nếu bất cứ bộ ngành nào có việc cũng giao khoán cho địa phương như vậy thì chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ phải làm thêm cả ca đêm”. 

Chia sẻ về việc tới đây sẽ được giao thêm việc thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, bà Hà cho biết: “Riêng đối với việc yêu cầu triển khai thu phí sử dụng đường bộ các chủ phương tiện xe gắn máy của Bộ GTVT, chúng tôi rất bất ngờ. Dù chưa có thông tin chính thức từ cấp trên, nhưng qua báo chí, tôi nghĩ không sớm thì muộn việc này cũng sẽ được phổ biến. Điều chúng tôi băn khoăn là, chúng ta đề ra thì như vậy, nhưng thực hiện theo cách đó liệu có đạt kết quả như mong muốn hay không?

Nên nhớ, hiện nay các tổ trưởng tổ dân phố đa phần là cán bộ về hưu. Họ hoạt động phục vụ bà con lối xóm là chính, do đó việc giao cho họ đi thu sẽ vấp phải nhiều trở ngại. Thứ nhất: Nếu người dân chây ỳ cố tình không nộp thì các tổ trưởng dân phố cũng chẳng có chế tài nào để  xử phạt hay buộc người dân phải nộp. Đó là chưa tính đến việc họ khó có thể thống kê được hết các phương tiện trong từng hộ gia đình. Đặt giả thiết nếu một gia đình có 4 xe máy, nhưng người ta chỉ khai có 1 còn 3 chiếc nói là đi mượn thì tổ trưởng cũng không làm gì được. Thứ 2: Việc giao cho các tổ trưởng thu tiền cũng dễ gây khó cho địa phương ở công tác quản lý. Tôi chưa rõ Bộ GTVT quy định chi tiết việc thu phí và xuất biên lai như thế nào, nhưng ít nhất nó cũng dễ tạo kẽ hở dẫn đến tiêu cực đối với người đi thu khoản phí này. Đến ngay như việc thu thuế sử dụng đất, có Pháp lệnh về thuế hẳn hoi mà còn rất trầy trật thì thu phí còn khó gấp nhiều lần”.

Cần phải tính đến phương cách thu phí của những người hộ khẩu tạm trú

Cùng quan điểm này, ông Chu Trọng Xa - Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm cũng cho biết: “Chúng tôi chưa được UBND quận, UBND thành phố phổ biến gì về nội dung này. Tuy nhiên nếu phải thực hiện theo đề nghị của Bộ GTVT thì tôi e khó có cơ sở pháp lý để thực hiện”. Theo ông Xa, hiện nay quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư hoạt động theo Quyết định 42/2010/QĐ-UB ngày 30-8-2010 của UBND thành phố. Trong đó quy định rất rõ nhiệm vụ của tổ trưởng tổ dân phố là hoạt động tự quản và tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước… Nếu chiếu theo những điều khoản của Quy định này thì giao việc thu phí sử dụng đường bộ cho các tổ trưởng tổ dân phố là không đúng chức năng, nhiệm vụ. Mà đã không đúng chức năng nhiệm vụ thì chắc chắn Bộ GTVT có ép thế nào đi nữa cũng chẳng có ai làm. Nếu có làm thì cũng chỉ làm lấy lệ và sẽ không có hiệu quả. 

Ông Xa cảnh báo: “Nếu việc vẫn giao xuống dưới các phường, xã thì tôi tin chắc, sớm muộn nó sẽ nảy sinh ra một loạt hệ lụy. Đầu tiên, các tổ trưởng sẽ rơi vào cảnh làm việc được chăng hay chớ vì không thể bắt ép được họ. Họ không phải cán bộ, công chức ăn lương nên sự nhiệt tình cũng có hạn. Từ đó dẫn đến kế hoạch của ngành GTVT sẽ bị phá sản. Kế tiếp là trong công tác thu phí, nếu có nhầm lẫn hoặc tiêu cực, xà xẻo thì chính UBND phường cũng không có người và thời gian đâu để đi thanh tra, kiểm tra những vấn đề đó. Thứ nữa là nếu họ không làm, thậm chí nếu bị ép sẽ xin nghỉ việc thì đây lại là một cách làm khó cho chính quyền”.

Tin cùng chuyên mục