Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị sử dụng các loại thuốc mới trong điều trị Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng kết hợp các thuốc điều trị viêm khớp có các hoạt chất tocilizumab và sarilumab có thể làm giảm nguy cơ tử vong 17% và giảm nhu cầu sử dụng máy thở ở các bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới nhất đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 6-7-2021.

* Chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19

Thế giới đã chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine trên 135 lãnh thổ tham gia cơ chế tiếp cận công bằng vaccine COVAX

Thế giới đã chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine trên 135 lãnh thổ tham gia cơ chế tiếp cận công bằng vaccine COVAX

Kết hợp các thuốc điều trị viêm khớp trong điều trị Covid-19

Căn cứ kết quả nghiên cứu trên, WHO đã khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của Hãng dược phẩm Roche (Thụy Sỹ) và thuốc Kevzara của Hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng. Trong đó thuốc Actemra có thành phần tocilizumab và thuốc Kevzara có thành phần sarilumab.

Các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng gặp phải tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân xâm nhập là virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là hội chứng giải phóng protein miễn dịch interleukin (IL)-6. Hội chứng này có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng dẫn tới tử vong. Các hoạt chất tocilizumab và sarilumab được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách hạn chế các tác động của protein IL-6. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy sử dụng kết hợp các thuốc có chứa hoạt chất tocilizumab/sarilumab - còn được gọi là thuốc ức chế IL-6 - kết hợp với thuốc có chứa corticosteroid trong điều trị bệnh nhận Covid-19 thể nặng có thể giảm nguy cơ tử vong 17%, so với người chỉ điều trị bằng corticosteroid. Ở những bệnh nhân không thở máy, sử dụng kết hợp thuốc như trên có thể giảm 21% nguy cơ bệnh diễn tiến xấu phải dùng tới máy thở hoặc tử vong.

Tổng thể, nguy cơ tử vong trong vòng 28 ngày ở nhóm dùng kết hợp các thuốc trên là 22%, so với tỷ lệ 25% ở những người được điều trị thông thường. Điều này đồng nghĩa trong 100 người sẽ có thêm 4 người được cứu sống. Nghiên cứu cũng kiểm tra tác động của những loại thuốc này đối với bệnh nhân nặng có nguy cơ phải thở máy hoặc nguy cơ tử vong.

Trong số những bệnh nhân dùng corticosteroid, khi sử dụng kết hợp thuốc ức chế IL-6, nguy cơ phải dùng máy thở hoặc nguy cơ tử vong là 26%, thấp hơn tỷ lệ 33% ở những người được chăm sóc bình thường. Cứ 100 bệnh nhân sẽ có thêm 7 người được cứu sống và tránh được nguy cơ phải thở máy. Các nghiên cứu trước đây về tác động của các chất ức chế IL-6 trong điều trị Covid-19 đã đưa ra những kết luận trái chiều. Điều này đã thúc đẩy WHO điều phối nghiên cứu mới nói trên, theo đó tổng hợp dữ liệu từ 27 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên tại 28 quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 10.930 bệnh nhân, trong đó 6.449 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên điều trị kết hợp các chất ức chế IL-6 và 4.481 bệnh nhân được điều trị thông thường hoặc bằng giả dược. Các hoạt chất Tocilizumab và sarilumab được dùng bằng cách truyền hoặc tiêm. Hiện giới chức y tế Anh khuyến nghị sử dụng 1 trong 2 hoạt chất trên kết hợp với corticosteroid trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại nước này. Mỹ cũng khuyến nghị sử dụng tocilizumab kết hợp với corticosteroid.

WHO thiếu gần 17 tỷ USD để đẩy lùi đại dịch Covid-19

Tại một diễn biến khác, phát biểu tại cuộc họp về chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch Covid-19 (ACT-A), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch Covid-19 vẫn sẽ trong “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” trong hơn 18 tháng tới.

Chương trình toàn cầu của WHO nhằm tài trợ cho việc phát triển và điều chế vaccine, các phương pháp chẩn đoán và điều trị Covid-19 vẫn còn thiếu gần một nửa ngân sách cần thiết. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, các quốc gia hiện đang nới lỏng các biện pháp chống dịch đã phần lớn kiểm soát được nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm, oxy y tế, đặc biệt là vaccine. Trong khi đó, những nước không đủ nguồn cung đang đối mặt với sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19.

ACT-A là cơ chế phối hợp quốc tế, nhằm phát triển, sản xuất, mua và phân phối công cụ chống Covid-19. Các mục tiêu của ACT-A đặt ra bao gồm: cung cấp một cách công bằng ít nhất 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, tập trung vào các nhóm ưu tiên; cung cấp 245 đợt điều trị và 500 triệu xét nghiệm cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ nay đến giữa năm 2021 bên cạnh việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và máy oxy cho các quốc gia có nhu cầu.

Để thực hiện mục tiêu của mình, ACT-A ban đầu đặt mục tiêu huy động 38 tỷ USD đề đầu tư vào 3 trụ cột, bao gồm nghiên cứu vaccine (15,9 tỷ USD); điều trị (7,2 tỷ USD), và chẩn đoán (6 tỷ USD) bên cạnh đầu tư cho hoạt động kết nối các hệ thống y tế (9 tỷ USD). Tính tới ngày 25-6, chương trình đã nhận được cam kết đóng góp 17,7 tỷ USD cho giai đoạn 2020 - 2021, nhưng cần nhận được phần còn lại trị giá 16,8 tỷ USD vào cuối năm nay, sau khi đã điều chỉnh các chi phí kể từ tháng 9-2020.

Tình trạng thiếu ngân sách diễn ra trong bối cảnh khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về khả năng chống dịch đang ngày một nới rộng khi việc tiếp cận vaccine không đồng đều giữa các nước. Theo ước tính của Hãng tin AFP (Pháp), hơn 32,5 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại những quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm thu nhập cao, trung bình 84 liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm trên 100 dân, trong khi con số này ở 29 nước thu nhập thấp nhất là 1 liều/100 dân.

Ngày 6-7, cơ chế tiếp cận công bằng vaccine COVAX do WHO đứng đầu đã chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine trên 135 lãnh thổ tham gia chương trình này. Tuy nhiên, nhà khoa học Soumya Swaminathan của WHO cho rằng lẽ ra phải đạt con số 300-400 triệu liều vào giai đoạn này. Chương trình dự kiến nhận được số lượng lớn vaccine từ cuối tháng 9-2021 đến tháng 1-2022, khi có thêm nhiều loại vaccine được đưa vào cơ chế này, vốn tới nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào AstraZeneca.