Tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 958 năm Ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 31-3, tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá, UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 958 năm Ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (20/2 năm Quý Mão 1063 - 20/2 năm Tân Sửu 2021).
Đại diện lãnh đạo Trung ương, TP và huyện Gia Lâm cắt băng khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện

Đại diện lãnh đạo Trung ương, TP và huyện Gia Lâm cắt băng khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện

Nằm trong những hoạt động của Lễ kỷ niệm, huyện Gia Lâm đã khai trương điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Dự lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội LHPN, Hội Nông dân, Sở Công Thương TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu tại buổi lễ

Tại Lễ kỷ niệm, Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã cùng các đại biểu ôn lại lịch sử về Nguyên phi Ỷ Lan. Tên thật là Lê Thị Yến, bà vốn là một thôn nữ, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm.

Năm 1063, trong một lần về viếng thăm chùa Dâu ở Thuận Thành (Bắc Ninh), vua Lý Thánh Tông có cảm tình với Lê Thị Yến và đón vào cung, phong là Nguyên phi Ỷ Lan. Bà cũng là người góp phần cai quản việc nước, thu phục nhân tâm, tạo điều kiện giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành năm 1069.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Càn Đức lên ngôi vua khi mới 7 tuổi (vua Lý Nhân Tông), Nguyên phi Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính điều khiển việc nước; cùng Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh thắng giặc Tống xâm lược vào năm 1076. Bà còn chăm lo sản xuất nông nghiệp, mở mang học hành cho nhân dân.

Hiện có rất nhiều nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan nhưng đền và chùa chính thờ Nguyên Phi Ỷ Lan được xây dựng ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngay chính trên quê hương bà. Qua nhiều lần trùng tu, đến nay đền và chùa vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với nét kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa nhà Lý, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc lại vừa mang giá trị nghệ thuật cao, thực sự là một công trình nghệ thuật độc đáo, quý hiếm của dân tộc.

Với hệ thống truyền thuyết về Nguyên phi Ỷ Lan cùng những di vật cổ của thời Lý đã đưa khu di tích đền và chùa thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở xã Dương Xá trở thành trung tâm văn hóa nổi bật và quan trọng trong hệ thống di tích, tưởng niệm bà.

Ngay sau lễ Kỷ niệm, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn cạnh Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Nguyên phi Ỷ Lan.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng nêu rõ: việc xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP vừa góp phần quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, vừa giới thiệu di tích lịch sử văn hóa tới du khách thập phương.

Trong các năm 2019 và 2020, huyện Gia Lâm đã có 49 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 đến 5 sao. Mục tiêu của huyện giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 100 - 150 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Huyện cũng đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khai trương 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại xã Bát Tràng với quy mô 26 gian hàng. Do đó, việc xây dựng, phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP rất quan trọng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát, triển khai xây dựng thêm các điểm khác gắn với các địa điểm du lịch làng nghề, tâm linh, trải nghiệm trên địa bàn, nhằm góp phần quảng bá sản phẩm tiêu biểu của huyện tới khách thập phương, góp phần tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân làng nghề.