Tổ chức tín dụng chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép

ANTĐ - Đó là khẳng định của đại diện VKSND Tối cao tại phần đối đáp vào chiều nay, 10-12. Với khẳng định ấy, cơ quan công tố cơ bản giữ nguyên quan điểm đối với các cựu lãnh đạo ACB xoay quanh hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước.

Phản bác ý kiến luật sư cũng như ý kiến của 6 bị cáo vốn nắm “quyền cao chức trọng” tại Ngân hàng ACB đưa ra trong quá trình thẩm vấn và tranh luận, đại diện VKSND Tối cao tham gia phiên tòa khẳng định, sai phạm của các bị cáo xảy ra ngay từ khi ban hành chủ trương cấp vốn mua cổ phiếu và ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác.

Cụ thể, về ý kiến cho rằng việc ban hành nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB là không sai, VKS cho rằng việc đó là hoàn toàn trái với Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997. Các luật sư và bị cáo nêu căn cứ để ACB ủy thác gửi tiền là Điều 72 Luật Các tổ chức tín dụng và Điều lệ Ngân hàng ACB, nhưng xem xét thì thấy, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định tổ chức tín dụng được quyền ủy thác và nhận ủy thác hoặc làm đại lý liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại ngân hàng khác không phải là hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Tổ chức tín dụng chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép ảnh 1

Sau khi VKS tái khẳng định quan điểm, luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải được HĐXX mời đối đáp tiếp
Theo VKS, các Điều 7, 20 cùng hàng loạt điều khoản khác của Luật Các tổ chức tín dụng đều không có quy định nào coi việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bị cáo Kiên cho rằng tại Điều 45 của luật này xác định, gửi tiền là lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung của điều luật đó chỉ xác định về huy động vốn và nhận gửi tiền. Như vậy, nhận tiền gửi là hoat động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, còn gửi tiền thì không phải.

Liên quan đến nội dung cần tranh luận nêu trên, VKS xác định Vietinbank nhận tiền của nhân viên ACB là hoạt động huy động vốn, do đó nó là hoạt động thuộc lĩnh vực ngân hàng, còn việc nhân viên ACB gửi tiền hoàn toàn không phải là hoạt động liên quan đến ngân hàng.

Nói về hành vi vi phạm pháp luật này của ACB, VKS đánh giá việc gửi tiền lòng vòng không những không khuyến khích được hoạt động của ngành ngân hàng là thu hút và điều tiết nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư mà còn làm “méo mó” thị trường tài chính, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Từ đó, VKSND Tối cao khẳng định nghị quyết của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền là một chủ trương trái luật ngay từ khi ban hành. “Ngay cả Bộ luật dân sự cũng không có chế định ủy thác mà chỉ có uỷ quyền. Ủy thác và ủy quyền là hai khái niệm rất khác nhau” – đại diện VKS phân tích.

Đối với hành vi thực hiện việc ủy thác cho cá nhân đi gửi hơn 718 tỷ đồng vào Vietinbank cũng trái với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Bởi theo Điều 90 của đạo luật này thì tổ chức tín dụng chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Điều đó có nghĩa rằng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng không được áp dụng quy định được phép làm những gì pháp luật không cấm mà chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Cụ thể ở đây là phải được phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong giấy phép kinh doanh của Ngân hàng ACB không hề có nội dung nào thể hiện ngân hàng này được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền ở tổ chức tín dụng khác.

“Có ý kiến cho rằng chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ủy thác gửi tiền nên không phạm luật là ko đúng” – VKS bác bỏ. Bởi Điều 106 - Luật Các tổ chức tín dụng đã chỉ rõ là tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện các hoạt động ủy thác khi được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Và theo tinh thần của Điều 90 thì khi Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép mà thực hiện, đó là trái với pháp luật.

Nói tới hậu quả và mối quan hệ nhân quả của vụ án, VKS phân tích căn cứ vào lời khai của ACB, Vietinbank và bị án Huỳnh Thị Huyền Như có đủ cơ sở để xác định Ngân hàng ACB đã gửi hơn 718 tỷ vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và cho đến nay số tiền ấy vẫn chưa thu hồi được.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền cho ACB và bản án sơ thẩm đối với bị án Huỳnh Thị Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật. VKS thấy rằng hành vi ủy thác gửi tiền là trái với quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, thực tế số tiền hơn 718 tỷ đồng đến nay không thu hồi được và điều quan trọng nữa là ACB cũng không có quyền khởi kiện đòi tiền Vietinbank. Do đó, hậu quả và tính nhân quả của vụ án là rất rõ ràng.

Xoay quanh ý kiến cho rằng Lý Xuân Hải – cựu TGĐ Ngân hàng ACB không phải là chủ thể của Điều 165-BLHS, đại diện VKS cũng bác bỏ. Bỡi lẽ theo cơ quan công tố, bị cáo Hải được HĐQT Ngân hàng ACB bầu làm TGĐ và Thường trực HĐQT, nhưng chức danh ấy phải có sự phê chuẩn, bổ nhiệm của cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền.

Tương tự bị cáo Kiên tuy không là thành viên của HĐQT Ngân hàng ACB nhưng cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với người có chức vụ, quyền hạn nên cũng là chủ thể của tội danh “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mặt khác, không có quy định nào xác định ngân hàng tư nhân thì không có người có chức vụ, quyền hạn.

Về ý kiến cho rằng các bị cáo không sai, không vi phạm pháp luật khi Thường trực Ngân hàng ACB ra nghị quyết cấp vốn cho “công ty con” của ngân hàng này để mua cổ phiếu của chính ACB, đại diện VKS cũng đã viện dẫn hàng loạt chứng cứ, tài liệu và các quy định của luật pháp thể hiện hành vi đó là cố ý làm trái quy định Nhà nước.

Sau cùng, đại diện VKS khẳng định không có căn cứ để cho rằng các bị cáo không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, trước đó đại diện cơ quan công tố tại phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã ghi nhận ý kiến của luật sư cho rằng bản án sơ thẩm quy kết bị cáo Huỳnh Quang Tuấn phạm tội với tình tiết tăng nặng tại điểm k, khoản 1, Điều 48-BLHS như các bị cáo khác là thiếu chính xác.

Chiều cùng ngày, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng đã đưa ra quan điểm đối đáp của mình với đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa. Hiện, vụ án đang dần đi đến phần nghị án.