Tổ chức thu tiền tiêm vaccine Covid-19 có thể phải ngồi tù tới 10 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Cơ quan CSĐT – Công an TP.HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Kim Dung (SN 1989, ở Quận 4) do có hành vi tổ chức thu tiền tiêm vaccine để trục lợi.

Trước đó, Công an TP. HCM đã phát hiện tài khoản Facebook “Kim Zunf”, có tên thật là Lê Thị Kim Dung đăng tin cung cấp “dịch vụ tiêm vaccine Covid-19” tại TP. HCM.

Quá trình điều tra, lực lượng công an đã bắt quả tang Dung đang tổ chức cho 2 người đến tiêm vaccine tại Trường Mầm non 10 (Phường 10, Quận 11).

Tại cơ quan điều tra, Dung khai nhận nhờ mối quan hệ cá nhân, có thể sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vaccine phòng Covid-19 với giá từ 2-4 triệu đồng mỗi liều vaccine.

Đến thời điểm bị phát hiện, đối tượng đã tổ chức trót lọt cho 21 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.

Do đó, đối tượng này đã bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Đối tượng Lê Thị Kim Dung

Đối tượng Lê Thị Kim Dung

Về sự việc trên, theo Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 366 BLHS 2015 nêu rõ, người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ, hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; Lợi ích phi vật chất.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: 2 lần trở lên; Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 2 - 7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù 5 - 10 năm.

Về cấu thành tội phạm, Luật sư Hồng Vân cho rằng, chủ thể là người có quan hệ và có ảnh hưởng nhất định đối với người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Hình thức nhận có thể là trực tiếp cũng có thể qua trung gian.

Hành vi trên cấu thành tội khi giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Giữa người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và người có chức vụ, quyền hạn tồn tại mối quan hệ nhất định và người phạm tội đã lợi dụng mối quan hệ này để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và do có mối quan hệ này người có việc mới tin và đưa tài sản cho họ.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, để xử lý đúng người đúng tội, cơ quan chức năng cần làm rõ các mối quan hệ của đối tượng, những người trong cùng đường dây này gồm có những ai để xác định đồng phạm (nếu có) hoặc có tội phạm mới có liên quan không.

Sự việc trên cũng cho thấy công tác thực hiện và cơ chế giám sát hoạt động tiêm chủng ở một số địa phương còn lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những đối tượng xấu có cơ hội vi phạm.

Để hạn chế tình trạng này cần tăng cường giám sát việc tổ chức tiêm chủng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Bên cạnh đó, để tránh “tiền mất, tật mang” mỗi người dân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo “tiêm vaccine dịch vụ”.