Tố cáo sai, giải quyết tố cáo sai đều phải xử lý

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người lại tăng 12,1%. Đây là thông tin được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7-10. 

Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng, có những đoàn đi KNTC lên tới hàng trăm người, với thái độ bức xúc. Nguyên nhân số vụ KNTC đông người gia tăng một phần do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập và công tác quản lý Nhà nước cũng như tiếp công dân ở một số địa phương còn yếu kém. Trong khi đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người khiếu nại còn hạn chế, tỷ lệ KNTC sai rất nhiều. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, phân tích kết quả giải quyết 28.448 vụ việc khiếu nại từ đầu năm đến nay cho thấy, chỉ có 5.476 khiếu nại đúng (chiếm 19,3%); trong khi có đến 16.794 khiếu nại sai (chiếm 59,0%); 6.177 khiếu nại có cả các nội dung đúng và sai (21,7%). Trong số các vụ việc tố cáo đã giải quyết, chỉ có 12% số vụ tố cáo đúng, 63,2% số vụ tố cáo sai; 24,8% số vụ tố cáo có đúng, có sai.

Tương tự, báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao tại phiên họp cũng cho thấy, tình hình khiếu nại về tư pháp hiện còn phức tạp. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gia tăng so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tăng mạnh đến 652 đơn/vụ. Nhiều vụ việc dân sự mặc dù đã có kết quả giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. 

Thảo luận tại phiên họp, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng nhận thức của một số người đi KNTC chưa cao, mặt khác chất lượng nguồn nhân lực làm công tác giải quyết KNTC còn hạn chế, trách nhiệm chưa đến nơi đến chốn. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp để nâng cao chất lượng giải quyết KNTC.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đa số các vụ KNTC đông người, phức tạp đã được các cấp giải quyết nhưng vì nhiều lý do dân chưa đồng thuận. Do đó, muốn hạn chế được thì cần phải phân loại các vụ việc tồn đọng, kéo dài với những vụ việc mới để giải quyết một cách triệt để. Đồng tình, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị, cần rà soát lại tất cả những vụ KNTC bức xúc để giải quyết dứt điểm. Trong đó, phải xử lý cả trách nhiệm của người giải quyết sai khiến dân phải đi KNTC kéo dài. Những người dân đi KNTC lòng vòng, kéo dài dù đã được giải quyết đúng ở các cấp cũng cần phải xử lý nghiêm.