“Tổ ấm” băng giá

ANTĐ - Cuộc sống hiện đại, con người tân tiến, không muốn để hôn nhân kìm kẹp, mất tự do, nhiều cặp vợ chồng đã vạch ranh giới “phân chia lãnh thổ” ngay sau đám cưới. Tuy nhiên, hôn nhân quá độc lập sẽ biến tổ ấm thành tổ lạnh. 

Ảnh minh họa: internet

“Sóng ngầm”

Đi du học nước ngoài 6 năm, là tiến sĩ khoa học, anh Hoàng Thái Minh và chị Thái Mai Hoa (Ba Đình) vốn không thích sự kìm kẹp của hôn nhân Việt. Anh cho rằng, văn hóa hôn nhân của người Việt có quá nhiều trói buộc và lệ thuộc lẫn nhau. Chính vì sự can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư nên mới có câu “hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”. Trước khi cưới, hai người cũng thảo luận rất kỹ về “giao thức” sống chung và thống nhất “Tôn trọng tuyệt đối tự do cá nhân, không can thiệp quá sâu vào cá tính của nhau”. Do đã có tuổi, năm đầu tiên sau cưới, chị Hoa quyết định sinh con luôn. Nhưng chị chỉ cho con bú 4 tháng rồi cai sữa để tránh sệ ngực. Vả lại công việc của chị nay đi nước ngoài, mai đi công tác, không thể loanh quanh ở nhà cho con bú mãi được. Để giảm cân, lấy lại vóc dáng, chị cũng giao phó con cho Ôsin rồi đi tập múa bụng, múa salsa. Rảnh rang thì chị đi shoping, đi tán gẫu với bè bạn. Anh Minh “làm xong trách nhiệm với dòng họ tổ tiên”, cũng thỏa sức bay nhảy. Sáng đi làm, chiều đi đánh tennis, đi nhậu với bạn bè đến 8-9h tối mới về. Cưới nhau 3 năm mà hai vợ chồng chẳng hờn giận, cãi vã nhau bao giờ. Thấy bạn bè ca cẩm chuyện chồng hư, vợ vụng, hai anh chị đều rất tâm đắc vì hôn nhân của mình lúc nào cũng vui vẻ cả. 

Còn chị Nguyễn Thu Loan (Đống Đa) cũng lựa chọn cuộc hôn nhân “minh bạch tài chính, rành mạch cá nhân”. Thẻ ATM lương hàng tháng, anh Định – chồng chị giao cho vợ giữ để nuôi con và đi chợ. Anh chẳng bao giờ hỏi chị có khó khăn, thiếu thốn gì không. Đến ngày lễ lạt, muốn tặng quà vợ, anh chuyển thêm ít tiền vào tài khoản, để vợ thích gì thì mua. Còn chị Loan cũng chẳng cần biết chồng đưa lương hết cho vợ thì tiêu bằng gì. Cho rằng mình đã làm tròn trách nhiệm với vợ con, anh Định mặc sức chi tiêu số tiền kiếm được bên ngoài vào các sở thích cá nhân. Anh mua xe phân khối lớn, sắm dàn âm thanh xịn, chẳng bao giờ phải hỏi vợ vì “đó là tiền tôi, tôi tiêu”. Chồng ra khỏi nhà từ 6h sáng, khi vợ chưa dậy, về nhà lúc 7h tối, ăn quáng quàng lưng cơm rồi ngồi vào máy tính, chát chít, chơi game. Vợ thì phó mặc con cho bà ngoại và Ôsin cũng đi từ sáng đến tối mặc dù chỉ làm hành chính. Anh cũng chẳng biết chị làm gì lúc rảnh rỗi. Chị không để ý lúc nào anh ốm đau hay gặp khó khăn gì…

Hối hận cũng đã muộn

Con trai anh Minh dù hơn 2 tuổi vẫn chỉ bập bẹ được vài từ. Hai anh chị đều không để ý, chỉ cho rằng “giống bố hồi bé cũng chậm nói” như lời bà nội “chẩn đoán”. Đến một ngày trời mưa bão, hai anh chị đều không thể ra khỏi nhà đi chơi tennis hay nhảy đầm được, nên ngồi chơi với con lâu hơn thường lệ. Chị Hoa ngạc nhiên khi con mình đến màu sắc cũng không phân biệt được. Đã thế, nói được vài từ lí nhí, mặt thì cứ cúi xuống, mắt gườm gườm. Chột dạ, chị Hoa và anh Minh đưa con đi khám. Kết quả: kể cả cân nặng lẫn nhận thức, con chị đều chỉ tương đương với đứa trẻ hơn 1 tuổi. Hỏi han về quá trình nuôi con của chị Hòa, bác sĩ ớ người vì chị hầu như không biết gì. Chị Hoa cũng giật mình vì làm mẹ mà chị không hề biết con mình thích ăn gì, ăn được bao nhiêu cháo hay cơm, có bị dị ứng gì không, ngủ có ngon không… Bác sĩ cứ xoay vặn mãi, chị đành điện thoại về hỏi Ôsin. Bác sĩ cho biết: “Con chị bị chậm nói vì bố mẹ ít nói chuyện với con nên không có môi trường ngôn ngữ để tập nói. Hơn nữa, cháu còn có một số biểu hiện trầm cảm, cô lập vì không có bạn, ít được quan tâm của bố mẹ. Có thể do bị cai sữa quá sớm nên cháu không có sức đề kháng, hay ốm đau, nên còi cọc, suy dinh dưỡng nặng”. Chị Hoa xấu hổ, ôm con vào lòng lẩm bẩm: “Tôi mua cho cháu đủ hết các loại sữa. Lên danh sách các loại thức ăn để Ôsin chế biến, làm sao lại thiếu dinh dưỡng. Tivi thì mở suốt ngày, nói ra rả, sao lại không có môi trường ngôn ngữ”. Bác sĩ nhìn chị Hoa như bắt gặp “sinh vật lạ”. Đứa con trai lâu lắm mới được mẹ ôm chặt vào lòng, nằm im như cún con. Chị Hoa xót xa, hối hận.  

Còn một ngày, anh Định phát hiện ra chị Loan có bồ. Nhưng anh vừa dè dặt góp ý với vợ thì chị đã quắc mắt lên: “Bấy lâu nay, anh chẳng có cả chục cô bên ngoài rồi, tôi chẳng ghen tuông thì thôi. Lâu nay, chúng ta chỉ chung nhà chứ có chung tình cảm đâu. Việc anh anh làm, việc tôi tôi lo. Cứ tồn tại như vậy, được đến đâu thì được”. Làm ầm lên thì mất thể diện mà bỏ qua thì cũng không xong. Anh Định ngậm một khối buồn bã, phẫn uất. Anh cũng tự trách mình đã bỏ bê vợ và gia đình suốt một thời gian dài. Giờ cũng không thể quay lại hàn gắn. Anh Định cũng đã có tuổi, sau một thời gian dài nhậu nhẹt, anh cũng mắc một danh sách dài bệnh tật: loét dạ dày, cao huyết áp, xơ vữa động mạch… Ốm đau, nằm bẹp ở nhà, anh thèm bàn tay chăm sóc của người thân. Nhưng vợ đi đằng vợ, con vắng đằng con. Chưa bao giờ, anh Định cảm thấy sợ một cuộc sống “tự do” đến vậy. 

“Quan niệm rằng hôn nhân sẽ lấy mất tự do cá nhân, giam hãm tình yêu, nhiều người đã xác định tôn trọng tuyệt đối các sở thích, lối sống của bạn đời. Tuy nhiên, kiểu tự do quá trớn, mỗi người một lối sống mà thiếu sự giao tiếp, chia sẻ với nhau thì lâu dần, hai vợ chồng sẽ tách ra làm hai hướng. Nếu sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình bị lỏng lẻo thì ý nghĩa của hôn nhân hoàn toàn bị phá vỡ. Lúc đó, tình yêu cũng đứt đoạn, sự thấu hiểu cảm thông lẫn nhau sẽ không còn. Bình đẳng trong hôn nhân, có nghĩa là chia sẻ và tôn trọng ý kiến của nhau, giúp đỡ nhau, đồng cam cộng khổ, chứ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm” – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.