Hà Tĩnh:

TMV xây dựng làng sinh thái Trường Hạnh

ANTĐ - Hôm qua (18-6), Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã khởi động dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình làng sinh thái thôn Trường Hạnh, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân”.

TMV xây dựng làng sinh thái Trường Hạnh ảnh 1
Các hộ dân được hỗ trợ cây giống ăn quả, cùng với công lao động,
phân bón và công chăm sóc cây



12 lò gạch bủa vây 1 thôn

Thôn Trường Hạnh nằm trên đường ven biển Hà Tĩnh, với ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và một số ngành nghề thủ công khác. Diện tích tự nhiên của thôn là 364ha với 83 hộ dân, trong đó số hộ nghèo chiếm tới 22,8% và số hộ cận nghèo chiếm 21,6%. Tuy thôn chỉ có 3 lò sản xuất gạch ngói nhưng người dân trong thôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề do khói bụi của 12 lò gạch của các thôn lân cận hoạt động liên tục gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là về mùa hè. Cho đến nay, toàn thôn đã có 20 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư (phổi, gan) và các bệnh hiểm nghèo khác khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trở lên vô cùng cấp bách và đáng báo động.  

Ngoài ra, thôn Trường Hạnh cũng đang tồn đọng rất nhiều vấn đề về vệ sinh và hệ sinh thái ô nhiễm như vấn đề nước sinh hoạt với 100% các hộ dân trong thôn sử dụng hệ thống nước giếng không qua xử lý, dễ bị ô nhiễm thấu kính nước ngầm…, 30/83 hộ dân phải sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn nặng, tình trạng ô nhiễm cục bộ do nước thải tồn đọng trong môi trường vẫn thường xuyên xảy ra do chưa có hệ thống thu gom nước thải;

Vấn đề vệ sinh và xử lý rác thải chưa tốt khi hầu hết rác thải của các hộ trong thôn là rác thải hữu cơ đều theo hình thức tự xử lý như chôn lấp, đốt, ủ làm phân bón; Các loại rác thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp như chai, lọ, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chưa được người dân thu gom đúng chỗ, gây ô nhiễm các nguồn nước dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi; Các vấn đề tồn đọng trong phát triển và xây dựng làng nghề, chăn nuôi; hay vấn đề y tế và nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường còn thấp...

Trước tình trạng trên, sau khi phối hợp đánh giá tình hình môi trường thực tế tại địa phương, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT), Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đã quyết định hỗ trợ việc xây dựng và phát triển dự án “Mô hình làng sinh thái” tại thôn Trường Hạnh, nhằm giúp giải quyết một số vấn đề môi trường nổi cộm của địa phương, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây thông qua những hỗ trợ thiết thực. 

 

Hàng nghìn cây ăn quả được trồng mới

Với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng từ TMV, dự án “Mô hình làng sinh thái” được thực hiện với hai mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thực hiện các hoạt động thực tế để giúp người dân nơi đây khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên.

Cụ thể các hộ dân được hỗ trợ cây giống (cây ăn quả), cùng với công lao động, phân bón và công chăm sóc cây để đảm bảo lợi ích kinh tế, phát triển bền vững; hỗ trợ xây dựng hệ thống cấp nước sinh họat, đồng thời cải tạo bể lọc nước đã có và khoan giếng mới cho toàn thôn; cung cấp công cụ phân loại và thu gom rác thải tại hộ gia đình, xây dựng hố thu gom rác thải sản xuất, xe vận chuyển thu gom rác …

Ngoài ra, nhà văn hóa thôn Trường Hạnh sẽ được cải tạo với Tủ sách môi trường hữu ích dành cho nhà nông, tổ chức các Cuộc thi phong trào vệ sinh nhà nông, tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng mô hình Làng sinh thái sang các địa phương khác…

Bà Đặng Phan Thu Hương, Phó Tổng giám đốc TMV chia sẻ: “Được chứng kiến sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự hăng hái, nỗ lực của toàn thể bà con, cũng như sự hướng dẫn và hỗ trợ chuyên nghiệp của Trung tâm Đào tạo & Truyền thông Môi trường, chúng tôi hết sức tin tưởng dự án làng sinh thái Trường Hạnh sẽ thành công tốt đẹp, và sẽ mang lại một môi trường sống trong lành hơn, sức khỏe người dân được nâng cao, sinh kế cộng đồng được cải thiện. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ trở thành một hình mẫu để các địa phương khác học tập và nhân rộng”.

 Trong hai năm 2009 và 2010, dự án “Hỗ trợ xây dựng Làng Sinh thái” cũng đã được thực hiện tại thôn An San, xã Cốc San, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và thôn Tiên Chương, xã Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi triển khai, hai dự án này đã đạt được một số hiệu quả đáng kể với hàng nghìn cây ăn quả, hàng trăm cây lâm nghiệp được trồng và hàng chục bếp đun cải tiến được xây mới, hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường tại địa bàn thôn cũng được cải thiện đáng kể. Về vấn đề nhận thức, hầu hết người dân đã nhận thức và phát huy được các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, nắm vững các kiến thức về kỹ thuật canh tác cho phù hợp với từng địa hình của từng thôn.