Tình yêu trẻ tự kỷ (1): 'Trái tim thép' của bậc làm cha mẹ

ANTD.VN - Hành trình của những người cha, người mẹ có con là trẻ tự kỷ không chỉ là nước mắt, tình yêu thương vô bờ mà còn là sự kiên nhẫn, chịu đựng…

Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, bao gồm những khiếm khuyết nặng nề về khả năng tương tác xã hội, giao tiếp và những quan tâm, hoạt động bó hẹp, định hình.

Đây là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nhiều người hiểu nhầm tự kỷ là bệnh. Cách hiểu này dẫn đến những sai lệch về quan niệm, cách điều trị cho trẻ tự kỷ.

Do lầm tưởng tự kỷ là một bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu rằng đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn. Vì thế, nhiều phụ huynh đã đưa con đi tìm thầy thuốc chạy chữa khắp nơi, cho con uống các loại “thuốc bổ quý hiếm” mà quên mất rằng trẻ tự kỉ muốn can thiệp hiệu quả cần phải có sự quan tâm, của các cô giáo, đặc biệt là tình yêu, kiên nhẫn từ gia đình.

Bài 1: "Trái tim thép" của bậc làm cha mẹ

Hành trình của những người cha, người mẹ có con là trẻ tự kỷ không chỉ là nước mắt, tình yêu thương vô bờ mà còn là sự kiên nhẫn, chịu đựng…

Những lần khóc cùng con

Việc thừa nhận con bị tự kỷ là điều không dễ đối với các bậc cha mẹ, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật này. Nhiều phụ huynh đã tự dằn vặt bản thân trong một thời gian dài, vì họ không muốn tin con mình khác với những đứa trẻ bình thường, hay cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Thậm chí, có những người hiểu lầm rằng, con mình có vấn đề về tâm thần.

Chia sẻ về những ngày đầu tiên phát hiện con mình bị tự kỷ, chị P.B (32 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Đến giờ, tôi cũng không thể nào quên được quên được cái cảm giác tuyệt vọng, hụt hẫng khi bác sỹ thông báo cháu mắc hội chứng tự kỷ điển hình. Mọi thứ như sụp đổ. Tôi phải chấp nhận sự thật là cháu đã 3 tuổi nhưng nhận thức không bằng một bạn nhỏ 18 tháng. Hơn nữa, không loại thuốc đặc trị nào có thể chữa khỏi. Nhìn con, tôi không thể kìm lòng được, tôi khóc và tự dằn vặt bản thân rất nhiều. Tôi đã từng phủ nhận kết quả của bệnh viện bởi nghĩ rằng bố mẹ đều là lãnh đạo ở các công ty thì con không thể nào mắc bệnh tự kỷ được”.

Trẻ tự kỷ được học cách đếm và nhận biết mọi thứ xung quanh

Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu thì chị và gia đình biết chỉ có sự quan tâm và tình thương mới là phương thuốc hiệu quả nhất, nên đã chấp nhận sự thật và cùng bước vào "cuộc chiến" giành lấy cuộc sống bình thường cho con.

Trẻ tự kỷ thường thích được ngắm mình trong gương và tự nói chuyện với chính mình

Cũng giống như gia đình chị B, khi nhắc về cậu con trai đầu lòng đã 5 tuổi, anh C.M (35 tuổi, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng đã nhiều lần không kìm nén được cảm xúc. Với tình yêu của người bố dành cho con, anh luôn sẵn sàng hi sinh tất cả để cho con hòa nhập với cuộc sống bình thường.

“Là một người đàn ông, dù đau khổ như thế nào thì tôi cũng không cho phép mình được khóc. Nhưng có những nỗi buồn đến tột cùng, không thể gọi tên, không nói hết thành lời. Thấy bạn bè và anh em của con vui đùa, chơi các trò chơi, nói chuyện với những thành viên trong gia đình, nhưng con mình cứ chăm chú nhìn tay, gọi không thèm để ý, không biết trả lời. Nhìn thấy cảnh đấy, tôi vừa chạnh lòng xót xa, vừa thương con, muốn tìm mọi cách để đưa con thoát khỏi thế giới ấy ngay tức khắc”, anh M tâm sự.

"Quãng đường" từ khi biết đến chấp nhận và tìm cách cho con đi điều trị là rất dài, chính vì thế, các bậc phụ huynh đều có những ấn tượng khó quên trong suốt thời gian đồng hành cùng con.

Chia sẻ về những kỉ niệm cùng con điều trị, chị C (34 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Những lần đầu đưa con đi châm cứu bằng phương pháp đông y, bé không chịu hợp tác. Cháu giãy giụa, làm mình phải buộc tay, buộc chân, cố định đầu con, vừa giữ tay vừa bủn rủn. Đây là lần đầu tiên mình làm những việc như vậy. Nhìn con khóc, thấy thương lắm, không kìm lòng được, mẹ cũng bật khóc theo”.

Con gái của chị C đang dỗ dành và nói chuyện với em

Muốn cho con tốt hơn, các bậc phụ huynh phải chấp nhận thực tế con mình là một đứa trẻ khác biệt, đồng thời phải tìm kiếm những phương pháp hỗ trợ cho bé. Để có thể chấp nhận được điều đó, cha mẹ cần một “ trái tim thép”, cùng với đó là sự hi sinh, kiên nhẫn vì chặng đường đó rất dài.

Những nỗi lo theo năm tháng

Có con bị tự kỷ, cha mẹ phải tập làm quen với những nỗi lo khi trẻ còn nhỏ. Tới lúc trẻ lớn lên, trưởng thành hơn thì nỗi lo vẫn còn đó, nhưng chuyển thành những tâm sự rất khó chia sẻ cùng ai. 

Là bố của một trẻ tự kỷ 5 tuổi, anh M (35 tuổi, trú tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) vẫn sợ con mình không tự ý thức được việc vệ sinh cá nhân, sợ con không biết đề đạt khi đói bụng hay khát nước.

Là bởi bé H - con anh - chẳng khác gì một đứa trẻ gần lên 2 tuổi, suốt ngày cười, "đánh cũng chả biết đau, biết khóc". Những lúc con đi học về, anh thấy cháu bị trầy xước nhưng cũng không biết báo với cô hay kể cho bố mẹ.

Dưới đây là video clip chia sẻ về trẻ tự kỷ:

Sau nhiều năm chạy chữa không có nhiều tiến triển, anh H nhìn thấy con mỗi ngày một lớn, nhưng thay vì sung sướng, hạnh phúc như những người bố khác, nỗi lo lắng của anh càng nhân lên gấp bội.

"Mỗi khi nghĩ đến tương lai sau này của cháu là bao nỗi lo lại chồng chéo lên nhau, bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra trong đầu tôi: Không biết, sau này chúng tôi già đi, cháu sẽ đi đâu, về đâu? Cháu có tự chăm sóc cho bản thân không? Những lúc đó tôi cũng không dám nghĩ tiếp, chỉ biết 'có bệnh thì phải vái tứ phương' thôi”, anh H chia sẻ.

Còn đối với chị N.C (40 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái), nỗi lo đeo đuổi chị suốt hàng chục năm qua là người con trai năm nay 17 tuổi, mắc chứng tự kỷ từ lúc nhỏ.

“Là mẹ, ai cũng mong từng ngày để con lớn lên. Còn với tôi, con lớn cũng đồng nghĩa với nỗi lo của chúng tôi tăng lên theo cấp số nhân. Ngoài việc lo con phải đối diện với nhiều cạm bẫy, không có nghề nghiệp để tự nuôi nấng bản thân, thì tôi còn lo sau này vợ chồng tôi già yếu, mất đi, ai có thể thay chúng tôi chăm sóc cháu? Nhiều lúc tôi ước rằng, mình đừng già đi và con mình mãi là một đứa trẻ”, chị C chia sẻ.

Để có thể giải quyết được phần nào những nỗi lo đó, các bậc cha mẹ cần tìm thông tin về những phương pháp hỗ trợ bé, hoặc tìm đến các trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Thực tế hiện nay, các trung tâm chuyên biệt còn rất hạn chế, giáo viên hoặc nhân viên chuyên biệt còn gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị và giáo dục hòa nhập cho các bé tự kỷ.

Chị H.C (37 tuổi; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ hy vọng rằng, xã hội sẽ có cái nhìn đúng đắn và bao dung hơn về trẻ tự kỷ, và sẽ có nhiều trung tâm hơn để các con có cơ hội phát triển tốt.

“Tôi mong đợi sẽ có thêm những trung tâm chuyên về can thiệp dành cho trẻ tự kỷ. Đó là môi trường thích hợp để các con tiếp thu, học hỏi, phát huy được hết năng lực bản thân", chị C chia sẻ.

Việc tìm trung tâm chuyên biệt là rất cần thiết đối với những trẻ đặc biệt, bởi đây là môi trường thích hợp nhất để các bé có thể hòa nhập và phát huy những khả năng vốn có

Chăm sóc một đứa trẻ khỏe mạnh đã là chuyện không đơn giản, nuôi lớn một đứa trẻ với nhiều khác biệt như trẻ tự kỷ lại càng khó khăn gấp bội. Trên chặng đường giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội, không ai có thể hỗ trợ con tốt hơn ngoài cha mẹ. Chính vì thế, mỗi phụ huynh thực sự cần giữ "tinh thần thép" để đồng hành với con, nhằm hướng tới những mục tiêu tốt đẹp trong tương lai.

Kỳ sau: Nỗi lòng của giáo viên với những học trò đặc biệt