Lừa đảo mua bán qua mạng - biết nhưng vẫn dính (2):

Tinh vi thủ đoạn chiếm lòng tin để lừa đảo

ANTĐ - Mặc dù khi giao dịch trên mạng ai cũng đề cao cảnh giác nhưng nếu không cẩn thận vẫn rất dễ trở thành nạn nhân do những đối tượng lừa đảo rất khéo léo trong việc đánh vào tâm lý chủ quan của người giao dịch.

Hiện có nhiều công cụ được quảng cáo là hỗ trợ, bảo vệ giao dịch nhưng trên thực tế, nhiều đối tượng đã tinh vi, lợi dụng chính những công cụ bảo vệ giao dịch trực tuyến để tăng khả năng thành công cho hành vi lừa đảo của mình. Ngoài ra, tội phạm tỏ ra ưa thích việc lợi dụng các chiêu đấu giá qua mạng để trục lợi bất chính.

Cũng liên quan đến hiện tượng chiếm lòng tin, lừa đảo người bán, cuối năm 2010, cộng đồng mạng xôn xao về vụ lừa đảo tinh vi hàng chục triệu đồng của đối tượng Hoàng Thế Anh trên Chợ điện tử. Tên này đã khôn khéo lợi dụng chính nhưng công cụ thanh toán có vẻ bảo vệ người dùng để lừa đảo người dùng.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Hoàng Thế Anh thừa nhận đã lợi dụng kẽ hở của các giao dịch mua bán, đấu giá trên mạng internet, lợi dụng vai trò trung gian giữa người mua và người bán để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bán hàng. Bước đầu PC45 đã xác minh đối tượng này gây ra bốn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet trong năm 2010.

 Topic nghi ngờ hoạt động đấu giá trên diễn đàn GSM

 Topic nghi ngờ hoạt động đấu giá trên diễn đàn GSM

Tháng 8/2010, Thế Anh lập nick shopzinzin với hòm thư: shopzinzin@yahoo.com.vn tại trang web chodientu, đồng thời lập tiếp một nick là thuonggianet và hòm thư thuonggianet@yahoo.com.vn với tên là Nguyễn Đức Kiên. Sau đó Thế Anh vào nick shopzinzin đăng đấu giá sản phẩm laptop Apple Macbook, và dùng nick thuonggianet để tham gia đấu giá với giá là 16 triệu đồng.

Kế tiếp, Thế Anh đã dùng nick thuonggianet để bán lại sản phẩm cho chị Nguyễn Thị Hương (trú tại: 92 trần Bình Trọng, thành phố Buôn Mê Thuột, Đắclắk). Thế Anh đã yêu cầu chị Hương chuyển tiền vào tài khoản có tên Nguyễn Đức Kiên, STK: 0106850220 tại ngân hàng Đông Á. Chị Hương tin tưởng đã chuyển tiền vào tài khoản này và bị Thế Anh chiếm đoạt.

Tiếp đến vào tháng 9/2010, Hoàng Thế Anh lại sử dụng email vn0247@yahoo.com.vn trên trang web Chodientu.vn để rao bán máy tính sách tay Lenovo Y550P giá 12,5 triệu đồng. Ngày 21/09/2010, anh Phạm Thành Đạt (Đống Đa, Hà Nội) đã đấu giá thành công chiếc máy tính xách tay này với giá 10 triệu đồng. Sau đó, Thế Anh hướng dẫn anh Đạt chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của anh Nguyễn Tiến Sơn (theo số tài khoản 0491001714638) tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Sau khi anh Đạt chuyển tiền thanh toán 10 triệu đồng, Thế Anh đã nhờ anh Sơn rút toàn bộ số tiền đó. Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Sơn khai nhận với cơ quan điều tra cũng chỉ là người quen qua mạng với Hoàng Thế Anh.

Cũng trong tháng 9/2010, đối tượng này đã lập nick 'tranhanhpc' trên trang Chodientu.vn để đấu giá laptop Macbook. Anh Lâm Hoàng Thanh (quận 8, TP.HCM) đã giành chiến thắng trong cuộc đấu giá laptop trên với số tiền 23 triệu đồng. Thế Anh yêu cầu anh Thanh chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nhưng anh Thanh không đồng ý và chỉ chấp nhận chuyển khoản qua trung gian trên Ngân Lượng (nganluong.vn), một công cụ thanh toán được quảng cáo là bảo vệ giao dịch. Sau đó, Hoàng Thế Anh đã lên mạng mạo danh anh Thanh đặt mua 2 chiếc máy tính để bàn của anh Nguyễn Đình Nghĩa (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) với giá 23 triệu đồng, rồi yêu cầu anh Thanh chuyển tiền vào tài khoản của anh Nghĩa trên Ngân Lượng. Sau khi anh Thanh chuyển tiền xong, Thế Anh tiếp tục mạo danh anh Thanh hẹn anh Nghĩa giao 2 chiếc máy tính ở Ngã Tư Sở. Hai máy tính này đã bị Thế Anh rao bán trên mạng với giá 12 triệu đồng. Công cụ thanh toán đảm bảo giao dịch bị lợi dụng trở thành công cụ hỗ trợ quá trình lừa đảo của tội phạm.

Bằng kế hoạch tinh vi và khôn ngoan, kẻ lừa đảo đấu giá trên diễn đàn chiếc máy tính xách tay không phải của mình để chiếm hữu 23 triệu đồng.

 Các hoạt động đấu giá tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ
 Các hoạt động đấu giá tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ

Lừa đảo qua mạng, thách thức cả cơ quan chức năng

Năm 2010 có vẻ là năm “được mùa” của tội phạm mạng. Trước khi vụ Hoàng Thế Anh diễn ra, cộng đồng mạng cũng xôn xao và “nóng rực” vì vụ lừa đảo ngoạn mục một chiếc MacBook Air. Đầu tháng 1/2010, một người có nick PSprince đã tổ chức đấu giá một chiếc MacBook Air trên diễn đàn công nghệ Handheld.com.vn. Người trúng giá và trả mức giá cao nhất (23 triệu đồng) chuyển tiền vào tài khoản Vietcombank với tên chủ tài khoản là Nguyễn Chương Đỉnh theo yêu cầu nhưng đến 27/1, anh này vẫn chưa nhận được laptop và cũng không thể liên lạc qua điện thoại với PSprince.

Qua điều tra, các thành viên Handheld nhanh chóng phát hiện PSprince không hề có máy mà chỉ tận dụng lại những bức ảnh chụp MacBook Air đã được đăng tại một diễn đàn khác để đi lừa đảo. Cùng lúc, người này cũng đặt mua của chính anh Nguyễn Chương Đỉnh một máy tính HP và yêu cầu người thắng cuộc trong vụ đấu giá chuyển tiền vào tài khoản của anh Đỉnh.

Sau đó, kẻ lừa đảo liên lạc với anh Đỉnh (ở TP HCM) nói rằng mình đã thanh toán tiền và tới lấy laptop HP mà anh Đỉnh đã chuyển ra Hà Nội cho một người bạn. Ngày 28/1, PSprince còn tiếp tục truy cập vào diễn đàn Handheld và thách thức: "Đầu tiên em xin gửi lời xin lỗi tới anh Đỉnh và Potay.vn (người thắng cuộc đấu giá) vì tạo ra sự việc này. Em biết mọi người đang cố công tìm em. Chỉ mấy hôm nữa là em đi rồi, nên nếu không nhanh thì các bác sẽ không bắt được em đâu. Catch me if u can (bắt tôi nếu có thể)".

Với sự giúp đỡ của một số thành viên, ban quản trị diễn đàn Handheld đã phối hợp với cơ quan điều tra xác định được PSprince tên thật là Trần Đức Thiện, sinh năm 1991 và đang là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội.

Vụ việc này nhanh chóng được lan truyền trên các diễn đàn công nghệ và mua bán trong nước, thu hút hàng chục nghìn người theo dõi và được đánh giá là "vụ lừa đảo ngoạn mục nhất trên mạng đầu năm 2010".

Tự bảo vệ mình

Sau hàng loạt vụ lừa đảo, nhiều người có kinh nghiệm giao dịch trên mạng cho biết bất kể là người mua hay người bán, trong giao dịch nên tìm hiểu kỹ:

-  Đối tượng tham gia giao dịch với mình thông qua lịch sử giao dịch, nhận xét đánh giá của những người đã từng tham gia giao dịch với đối tượng…

-  Thông tin xác nhận đảm bảo như địa chỉ, số điện thoại, email thường giao dịch. Tốt nhất là nên mua bán tại địa điểm đảm bảo như nhà riêng, nơi tạm trú, tránh giao dịch ngoài đường.

-  Nếu ở xa cần vận chuyển phải chọn những đơn vị có tên tuổi, đảm bảo mới tiến hành chuyển hàng/tiền.

-  Người tham gia giao dịch cũng đặc biệt chú ý tránh giao dịch với những thành viên hay nick mới đăng ký

-  Cần chú ý, những công cụ được quảng cáo bảo vệ giao dịch đôi khi lại trở thành những công cụ hỗ trợ tội phạm.

-  Cảnh giác với những mặt hàng giá trị nhưng giá rẻ bất ngờ.

-  Liên tục cập nhật thông tin danh sách lừa đảo tại các diễn đàn.

Tin cùng chuyên mục