Tình tiết mới “kỳ án hiếp dâm”

ANTĐ - Cách đây không lâu, Báo ANTĐ đã đăng bài viết “Kỳ án hiếp dâm”, xảy ra ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, sau hai lần mở phiên tòa xét xử, HĐXX đã phải tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nhiều tình tiết “mấu chốt” trong vụ án vẫn chưa được đề cập tới.

Ngã tư vụ va chạm giao thông


“Tiền hậu bất nhất!”

Viện KSND huyện Bình Xuyên cáo buộc, vào 0h45 ngày 7-8-2011, Nguyễn Văn Bộ dùng vũ lực, khống chế giao cấu trái ý muốn với chị Lê Thị Q (SN 1978, ở thôn Bờ Đáy, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), tại bãi cỏ ven đường khu công nghiệp (KCN) Bình Xuyên. Khi Bộ đang thực hiện hành vi phạm tội, thấy có người đi xe máy đến Bộ liền quay sang cướp chiếc điện thoại hiệu Nokia 6030i của chị Q và bỏ về nhà. Do chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại, biên bản khám xét dấu vết trên thân thể bị hại và biên bản khám nghiệm hiện trường, Viện KSND huyện Bình Xuyên đã cáo buộc Bộ phạm vào 2 tội “Hiếp dâm” và “Cướp tài sản”. Khi vụ án được đưa ra xét xử, đối chiếu chứng cứ trong hồ sơ vụ án với lời khai của bị cáo, bị hại, nhân chứng… tại phiên tòa lại luôn “vênh” nhau.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, bị cáo Bộ một mực khẳng định: “Đây là một vụ va chạm giao thông xảy ra tại một ngã tư ở KCN Bình Xuyên. Chị Q bị ngã và chửi bị cáo. Do bực tức, bị cáo đã tát chị Q 2-3 cái chứ không hề có chuyện dùng vũ lực để hãm hiếp chị Q”.

Còn tại phiên tòa sơ thẩm lần hai (diễn ra từ 6 đến 11-6 vừa qua), cả bị hại Lê Thị Q và nhân chứng là bà Trần Thị Vân - y sỹ của Trạm Y tế (TYT) thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đều khai: Ngày 7-8-2011, sau khi chị Q bị Bộ dùng vũ lực, vật lộn, cắn vào ngực nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm thì chị Q không hề đến TYT thị trấn Hương Canh khám. Nhưng bị luật sư “vặn” lại, nếu không đến khám thì sao lại có “Giấy điều trị”, có chữ ký của y sỹ và Trạm trưởng TYT là sao? Bà Vân trả lời: “... tôi mới làm bệnh án này cho hợp lệ…”. Và cũng chỉ sau 2 tiếng đồng hồ nghỉ trưa, đến chiều, khi HĐXX tiếp tục làm việc thì cả nhân chứng và bị hại xin khai lại: chị Q có đến TYT thị trấn khám. Điều này đã khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về sự trung thực trong lời khai của cả nhân chứng và bị hại. 

Trong hồ sơ vụ án mà VKS đưa ra truy tố, nhiều tài liệu cho thấy, cùng một khoảng thời gian, bị hại đã xuất hiện tại 3 địa điểm để làm việc với 3 nhóm người khác nhau. Tương tự, bị cáo cũng như vậy khi cùng lúc có mặt ở 2 nơi để ký vào hai biên bản làm việc. Nguy hiểm hơn, khi cơ quan tiến hành tố tụng, khám nghiệm hiện trường nhưng không có bị hại. Vậy cơ sở nào để khẳng định địa điểm mà cơ quan tố tụng tiến hành khám nghiệm đúng là hiện trường vụ án? Ngoài ra, cũng không có kết luận của cơ quan giám định xem dấu vết để lại hiện trường có phù hợp với lời khai của chị Q về việc bị ngã xe ở đây hay không?

Liên quan đến việc truy tố bị cáo Bộ phạm vào tội “Cướp tài sản”, là chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia 6030i, nhưng trong hồ sơ vụ án, chưa có văn bản nào thể hiện đã thu hồi hay xác định chiếc điện thoại này được bị cáo sử dụng, cất giấu hay bán, cho ai? 

Khai báo gian dối có thể bị phạt đến 7 năm tù

Đánh giá về sự thật khách quan trong mỗi vụ án hình sự là điểm mấu chốt để tránh oan cho người vô tội hay bỏ lọt tội phạm, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách&Cộng sự (Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng: Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần và tài sản do tội phạm gây ra, còn người làm chứng là người biết được tình tiết liên quan đến vụ án.

Trong thực tế, người bị hại thông thường được pháp luật bảo vệ bởi vì họ đã bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp và có những trường hợp tính mạng bị xâm hại. Tuy nhiên, có những trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà người bị hại có thể trình bày các tình tiết không khách quan, không đúng sự thật, không phù hợp với vụ án dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn, việc truy tố và xét xử có thể không chính xác dẫn đến bị oan sai hoặc tổn hại cho tổ chức, cá nhân.

Pháp luật hình sự đã trao cho người làm chứng, người bị hại quyền đồng thời cũng quy định những nghĩa vụ, chế tài đối với họ. Nếu người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 308-BLHS. Còn nếu người làm chứng khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 307-BLHS.

Cùng quan điểm trên, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla (Đoàn LSTP Hà Nội), tại Điều 122-BLHS quy định, người nào bịa đặt, loan truyền nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền và sẽ bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 1 đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.