Tình tiết ly kỳ cuộc giải cứu John F. Kennedy trong Thế chiến II

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn từng nghe một trái dừa đã cứu sống một Tổng thống Mỹ chưa? Nếu ghé thăm Bảo tàng và Thư viện Tổng thống John F. Kennedy, mọi người đều có thể thấy kỷ vật đặc biệt ấy, quả dừa góp phần giải cứu ông Kennedy trong Thế chiến thứ hai. Trong câu chuyện ly kỳ này, công đầu phải kể đến 2 thanh niên thổ dân ở quần đảo Nam Thái Bình Dương.
Quả dừa ở đảo Nauru đã trở thành kỷ vật không thể thiếu trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ John F.Kennedy

Quả dừa ở đảo Nauru đã trở thành kỷ vật không thể thiếu trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ John F.Kennedy

Tai nạn bất ngờ

Ở 26 tuổi, ông John F. Kennedy (gọi tắt là JFK) có thể né tránh được việc phải nhập ngũ bởi sức khỏe vốn không ổn định và cha ông lại là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền của Tổng thống Franklin Roosevelt. Nhưng thay vào đó, ông sẵn sàng gia nhập Hải quân ngay trước sự kiện Trân Châu Cảng và tham gia một nhiệm vụ tại mặt trận Nam Thái Bình Dương với tư cách là thuyền trưởng tàu phóng lôi.

Vào một đêm không trăng, đầu tháng 8-1943, Trung úy Kennedy và thủy thủ đoàn 12 người tuần tra vùng eo biển Blackett, tìm kiếm các đoàn tàu vận tải tiếp tế cho quân đội Nhật Bản ở quần đảo Solomon. Tàu của ông JFK mang số hiệu PT 109 khi đó thiếu radar, liên lạc bằng vô tuyến và chỉ sử dụng 1 trong 3 động cơ để giảm tiếng ồn. Đột nhiên từ buồng lái, ông nghe thấy tiếng thất thanh của đồng đội: “Có tàu ở hướng 2 giờ”. Chưa kịp phản ứng, một thân tàu khổng lồ đã hạ gục con tàu nhỏ của quân đội Mỹ. Không còn thời gian để cơ động vào vị trí phóng ngư lôi, ông Kennedy kinh hoàng nhìn tàu khu trục Amagiri của Nhật Bản tiến tới trong bóng tối mù sương. “Nó đã khiến chúng tôi rơi vào cảnh thê thảm như địa ngục” - ông JFK sau này nhớ lại.

Một vụ nổ đã làm rung chuyển tàu PT 109. Tàu chiến Nhật đã cắt đôi tàu của ông Kennedy và làm cháy các thùng nhiên liệu, thủy thủ đoàn phải vật lộn giữa sóng và lửa. Hai người thiệt mạng tại chỗ sau vụ va chạm và mất tích trong vùng nước tối. Những người sống sót thì bị bỏng và thương nặng. Nhưng với kinh nghiệm bơi nhiều trong các kỳ nghỉ hè của gia đình và từng là thành viên đội bơi của Đại học Harvard, ông JFK sẵn sàng đối mặt với thử thách. Ông bơi đến chỗ các thủy thủ, kéo từng người trở lại phần tàu vẫn còn nổi. Các thủy thủ cố gắng bám chặt vào mảnh vỡ con tàu, hy vọng Hải quân Mỹ sẽ cử một nhóm cứu hộ đến. Xung quanh họ là những hòn đảo do Nhật Bản trấn giữ. Nếu cứ để dòng chảy đưa đẩy, họ có thể rơi ngay vào tay người Nhật và số phận của tù binh không biết sẽ thế nào.

Thuyền trưởng Kennedy quyết định bơi đến đảo nhỏ Plum Pudding, nhưng nó cách xa hơn 3 dặm. Một số người bơi kém hoặc bị thương quá nặng không thể thực hiện cuộc hành trình, trong đó có một người bị bỏng hơn 70% cơ thể và hầu như không thể cử động. Thuyền trưởng Kennedy ra lệnh cho mọi người buộc các tấm ván với nhau để không ai bị phân tán. Ông bắt đầu bơi ếch, kéo thuyền viên bị bỏng bằng cách kẹp dây bảo hộ của người đó vào giữa hai hàm răng của mình.

Hai vị cứu tinh trẻ tuổi

Hành trình kéo dài gần 4 giờ, Trung úy Kennedy cùng đồng đội cuối cùng đã đến được đảo Plum Pudding. Tin chắc rằng các tàu Mỹ đêm đó sẽ đi qua trên đường tuần tra eo biển Blackett, ông Kennedy đã bơi ra đại dương đen sẫm mang theo một chiếc đèn lồng và khẩu súng báo hiệu. Ông dầm mình dưới nước hàng giờ liền, nhưng Hải quân Mỹ không thấy xuất hiện. Gần rạng đông, Trung úy Kennedy quay lại Plum Pudding do đã thấm mệt và uống quá nhiều nước biển. Khi đó, ông đã lên kế hoạch mới, ra lệnh cho tất cả mọi người quay bơi đến đảo Olasana với hy vọng sẽ tìm thấy thức ăn và nước uống. Vẫn không tìm được gì, ông và một sĩ quan khác đã bơi đến đảo Nauru. Đúng lúc đó, 2 thanh niên là thổ dân đảo Solomon tên là Biuku Gasa và Eroni Kumana đột nhiên xuất hiện.

Hai chàng trai trẻ mới 18 và 20 tuổi đang kiểm tra một con tàu đắm, tìm kiếm quần áo hay bất kỳ vật phẩm có giá trị còn sót lại. Cả 2 đều có mối hận thù với người Nhật vì người Nhật thường đột kích vào các ngôi làng trên đảo và cướp lương thực của họ. Kumana và Gasa cũng tham gia một nhóm có tên là Coastwatchers, chuyên cung cấp thông tin về người Nhật cho quân Đồng minh. Họ chỉ nói bập bẹ tiếng Anh, nhưng hiểu được yêu cầu của lính Mỹ là cần chuyển thông tin. Gasa gợi ý một quả dừa trong khi Kumana chỉ cho Kennedy rằng ông có thể sử dụng vỏ dừa làm giấy viết. Trung úy Kennedy lấy con dao ra và khắc dòng chữ: “Đảo Nauru. Người bản địa biết vị trí. 11 người còn sống. Cần thuyền nhỏ. Kennedy”.

Coastwatchers có nguồn gốc là một tổ chức tình báo vào năm 1919, khi Australia cảm thấy cần phải theo dõi sát các hòn đảo ở phía Bắc nước này. Các thành viên liên lạc chủ yếu thông qua sóng radio, nhưng vào thời điểm Kumana và Gasa tìm thấy Kennedy, 2 thổ dân này không có vô tuyến điện. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải mang theo trái dừa mà Kennedy đã khắc thông điệp tới căn cứ Coastwatcher gần nhất. Kennedy nhìn 2 chàng trai trẻ chèo xuồng đi xa và hy vọng họ không bị đối thủ bắt giữ trên đường tìm người cứu viện. Sau khi bơi thuyền được 7 dặm, họ trao quả dừa cho Benjamin Kevu - một người dân bản địa ủng hộ nước Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Đến lượt mình, Kevu chuyển thông điệp của thuyền trưởng tàu PT 109 tới một quan sát viên bờ biển người Australia là Trung tá Reginald Evans. Viên sĩ quan Australia đã liên lạc với Hải quân Mỹ về đề nghị giải cứu của ông Kennedy.

Một chiếc tàu đã đến đón Kennedy rồi ông dẫn đường cho tàu băng qua vùng nước của kẻ thù và các rạn san hô nguy hiểm để đến đảo Olasana, nơi thủy thủ đoàn vẫn ẩn náu. Sau 1 tuần vất vả, 11 người sống sót trên chiếc tàu phóng lôi gặp nạn đã trở về căn cứ an toàn.

Ông John F.Kennedy lúc mới gia nhập Hải quân trong Thế chiến II

Ông John F.Kennedy lúc mới gia nhập Hải quân trong Thế chiến II

Nhắc nhớ về một sự kiện lịch sử

Khi chiến đấu vì sự sống còn của thủy thủ đoàn, lòng dũng cảm của Kennedy, khả năng chỉ huy đáng ngưỡng mộ, sự lạc quan không thể lay chuyển, sự tháo vát, sáng tạo và kiên trì của ông đã làm nên kỳ tích. Hải quân đã trao tặng ông Huân chương Hải quân và Thủy quân lục chiến. Kennedy với tính cách điển hình luôn nói rằng hành động của ông là “tự phát, bởi họ đã đánh chìm thuyền của tôi”.

Sự kiện đáng nhớ trong đời ông John F.Kennedy này đã được nhắc đến nhiều lần khi thủy thủ đoàn của ông ngồi trên một phiên bản tái tạo con tàu PT 109 trong cuộc diễu hành nhân dịp ông nhậm chức Tổng thống năm 1961. Từ khán đài duyệt binh, tân Tổng thống đã chào các đồng đội cũ của mình và được họ đáp lại. Tổng thống cũng đã mời 2 vị ân nhân là Gasa và Kumana đến dự lễ nhậm chức (mặc dù họ không thể tham dự). Ông cũng có một mô hình tàu PT 109 trưng bày trong Phòng Bầu dục và mời những người đã nhận quả dừa với thông điệp cầu cứu gần 2 thập kỷ trước đến thăm Nhà Trắng.

Tại nơi làm việc của ông Kennedy, quả dừa ở đảo Nauru chiếm một vị trí danh dự. Trong văn phòng Thượng nghị sĩ, nó nằm trên lò sưởi, nhưng kỷ vật này được đặt ở vị trí nổi bật nhất trong Phòng Bầu dục của Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ. Năm 2017, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kennedy, quả dừa đã trở nên nổi tiếng đến mức cửa hàng quà tặng của Thư viện JFK bắt đầu bán các bản sao của nó với giá 75USD. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu bản sao kỷ vật từng giúp giải cứu một Tổng thống Mỹ tương lai, cũng là người đầu tiên trong số 6 cựu binh hải quân giữ vị trí lãnh đạo cao nhất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Về phần 2 vị cứu tinh ở quần đảo Solomon, được biết ông Kumana sau này sống trên đảo Ranongga, còn Gasa lấy vợ, nuôi dạy 6 người con trên đảo Lauvi và sống nhờ hoa màu, dừa và cá. Sau khi ông Kennedy bị ám sát, ông Kumana đã được gia đình cố Tổng thống gửi một số vỏ đạn đặt trên mộ Kennedy trên quần đảo Solomon vào năm 2008. Cả 2 hiện đều đã qua đời, ông Biuku Gasa mất năm 2005 ở tuổi 82 và Eroni Kumana mất năm 2014, thọ 93 tuổi.

Họ chỉ nói bập bẹ tiếng Anh nhưng hiểu được yêu cầu của một người lính Mỹ là cần chuyển thông tin. Gasa gợi ý một quả dừa trong khi Kumana chỉ cho Kennedy rằng ông có thể sử dụng vỏ dừa làm giấy viết. Trung úy Kennedy lấy con dao ra và khắc dòng chữ: “Đảo Nauru. Người bản địa biết vị trí. 11 người còn sống. Cần thuyền nhỏ. Kennedy”.