Tình tiết chưa từng tiết lộ về vụ bắt cóc con tin đình đám nhất Đài Loan

ANTD.VN - Năm 1997, tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất đảo Đài Loan (Trung Quốc) bắt giữ một gia đình nhà ngoại giao Nam Phi làm con tin. Cuộc khủng hoảng đầy hỗn loạn và tình hình có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Sự việc thu hút sự chú ý của toàn cầu, cho đến nay nó vẫn là vụ bắt cóc con tin quốc tế đầu tiên và cũng khét tiếng nhất trong lịch sử của hòn đảo này.

Tình tiết chưa từng tiết lộ về vụ bắt cóc con tin đình đám nhất Đài Loan ảnh 1Chen Chin-hsing (bên phải) bị truy nã đặc biệt cùng với 2 đồng phạm sau khi gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng tại Đài Loan hồi cuối những năm 1990 và tòa nhà nơi diễn ra vụ bắt cóc con tin khét tiếng nhất Đài Loan

Hai tuần sau khi Pai Hsiao-yen, nữ sinh 16 tuổi, con gái của một người nổi tiếng bị bắt cóc trên đường đến trường, thi thể của cô được tìm thấy tại một con mương. Sau vụ án đó, 3 gã đàn ông ra tay sát hại nữ sinh Pai Hsiao-yen tiếp tục gây ra khoảng 20 vụ tấn công tình dục khác. Cuối cùng, 2 đối tượng trong nhóm này đã phải đền mạng, nhưng tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Đài Loan - Chen Chin-hsing, người cũng đã sát hại 1 bác sĩ phẫu thuật cùng gia đình ông bỗng dưng biệt tích trong 7 tháng.

Thời gian đó, dân chúng Đài Loan sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Các bậc phụ huynh cố gắng đưa đón con đi học đúng giờ, các cô gái không dám ra ngoài vào ban đêm. Khi trẻ em chơi trò bắt ma, “con ma” được gọi là Chen Chin-hsing. Vậy mà tối 18-11-1997, tên này đột nhiên xuất hiện, mang theo súng vào nhà ông McGill Alexander, tùy viên quân sự Nam Phi ở Đài Bắc.

Tình tiết chưa từng tiết lộ về vụ bắt cóc con tin đình đám nhất Đài Loan ảnh 2

Dưới mũi súng của tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm

Lúc đó khoảng sau 7h tối, ông McGill vừa về nhà và đang trò chuyện với mọi người ở tầng trên, chờ cô con gái 12 tuổi, Christine, luyện đàn piano ở tầng dưới. Trên tay ông là bé út Zachary 7 tháng tuổi. Bỗng dưng, tiếng đàn piano của Christine dừng lại. Cô bé đi lên cầu thang, nhưng không phải một mình. Một gã đàn ông giơ súng khống chế Christine. “Bố ơi, ông ta là người trong ảnh…”. Những bức ảnh của băng đảng Chen Chin-hsing đã được dán khắp các góc phố.

Ông McGill, hiện giờ 72 tuổi kể, không hiểu sao lúc đó tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Đài Loan lại mò vào nhà ông. Chỉ biết rằng, họ đang phải đối phó với tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Ông McGill từng là lính dù, cũng đã trải qua những khóa huấn luyện đặc nhiệm. Ông biết cách vô hiệu hóa đối tượng và có thể giết hắn ta.

Tuy nhiên, tình huống hơi khác khi đứng trước mặt là con gái ông với gã tội phạm đang chĩa súng vào đầu cô bé. McGill nhận thấy khẩu súng lục của Chen là một khẩu Beretta 9 ly, giống như khẩu ông từng sử dụng ở Nam Phi. Vì vậy, khi Chen muốn trói ông lại, viên sĩ quan quân đội đã rất đắn đo. “Nếu giết gã này, con gái tôi có thể mất mạng. Vì vậy, tôi quyết định quay lưng để hắn còng tay. Đó có lẽ là cảm giác bất lực tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua”, ông McGill nói.

Mọi người trong nhà bị trói, riêng Anne, vợ ông McGill phải bế con út Zachary nên được một chút “tự do”. “Tôi hỏi anh ta có con không, anh ta bảo có 2”, bà Anne kể. Tới lúc đó, Chen đã gọi cho giới truyền thông và cảnh sát để đưa ra yêu cầu đầu tiên của mình: Truyền thông quốc tế - đó là lý do hắn muốn khống chế con tin là gia đình một nhà ngoại giao. Vào khoảng 8h tối, cảnh sát tìm đến hiện trường. Ngôi nhà tối đen, không ai bên ngoài có thể thấy điều gì đang xảy ra bên trong. Khi họ bấm chuông cửa, Chen hét lên đòi mọi người tránh xa. 

Cuộc khủng hoảng năm 1997 kết thúc sau khi diễn ra đúng như Chen đã lên kế hoạch nhưng từ vụ việc ấy, Cảnh sát Đài Loan đã có thêm kinh nghiệm về đàm phán trong các vụ bắt cóc con tin. Cùng năm đó, Cảnh sát Đài Loan thành lập lực lượng chống bắt cóc đầu tiên, tập trung vào việc sử dụng các chiến thuật đàm phán hơn là sử dụng vũ lực.

Cảnh sát Đài Loan có một hệ thống tiền thưởng nếu bắt được tội phạm bị truy nã, trong khi Chen Chin-hsing là tên tội phạm khét tiếng nhất, mang theo mình cả trăm viên đạn. Nóng lòng lập công, một cảnh sát đã nổ súng. Ngay khi Chen bắn trả, họ bắn liên tiếp vào mọi cửa sổ và cánh cửa trong nhà. Chen chộp lấy Melanie, cô con gái lớn nhất và đưa ra làm lá chắn. Người cha la hét đề nghị cảnh sát ngừng bắn, nhưng đạn vẫn xả ra. “Các bài huấn luyện trong quân đội dạy tôi rằng cần phải làm cho người đàn ông này bình tĩnh và giảm bớt cảm giác bất an”. Vì vậy, ông thuyết phục hắn đổi lá chắn, rằng người ông to hơn nên nếu ông đứng trước, hắn ta có cơ hội sống sót cao hơn. Nghe có lý, Chen đẩy Melanie sang một bên. 

Tình tiết chưa từng tiết lộ về vụ bắt cóc con tin đình đám nhất Đài Loan ảnh 3Nhà ngoại giao Nam Phi McGill Alexander bị thương được kẻ bắt cóc đồng ý thả ra trước

Cuộc thương thuyết chưa có tiền lệ

Một tiếng rưỡi sau khi vụ bắt giữ con tin bắt đầu, cảnh sát lập một trung tâm chỉ huy trong một tòa nhà đối diện. Ông Hou-You-yi, Trưởng phòng Điều tra tội phạm Đài Bắc vào cuộc, ông gọi điện cho Chen xưng là “anh Hai”, gọi hắn là “Ah Chin”. Và ông phát hiện ra ý định của gã là gì. Vợ Chen, Chang Su-chen, đã bị buộc tội là đồng phạm trong vụ giết hại Pai và phải đối mặt với án tù 12 năm. Anh rể Chen cũng đã bị bắt. “Họ vô tội. Tôi muốn công lý, nếu không tôi sẽ giết tất cả những con tin này”, Chen nói. 

Thật khó đàm phán nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, vì vậy ông Hou đề nghị cả đôi bên ngừng bắn. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra “suôn sẻ”, vì vậy phía cảnh sát tin rằng lần gọi điện tiếp theo, con tin sẽ được thả ra. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy.

Khi ấy, các phóng viên bắt đầu có số liên lạc nên họ tranh nhau gọi điện đến ngôi nhà của tùy viên sứ quán Nam Phi để phỏng vấn Chen. Kết quả là, điện thoại nhà ông McGill không ngừng đổ chuông. Tại hiện trường, 100 - 200 phóng viên đang bám trụ. Truyền thông Đài Loan chỉ muốn có được thông tin “nóng” nhất bằng bất cứ giá nào. 

Cảnh sát đành “chiều” giới truyền thông bằng cách cho phép họ nói chuyện trực tiếp với Chen, biến toàn bộ sự việc thành một chương trình thực tế. Ông Hou-You-yi sốt ruột, có lúc chạy ra khỏi trung tâm chỉ huy và hét lên: “Ah Chin, anh đã nói xong chưa?”. Có lẽ không có một cuộc đàm phán con tin nào trên thế giới có những tình tiết giống như thế.

Khung cảnh bên ngoài thật hỗn loạn. Bên cạnh các nhà quay phim và phóng viên, còn có đại diện Bộ Ngoại giao, Cảnh sát trưởng, Tổng Công tố viên và các quan chức khác. Lực lượng đặc nhiệm cũng có mặt. Mỗi bên đều muốn làm theo cách riêng của họ. Giữa lúc ấy, vào khoảng 10h tối, đột nhiên có tiếng súng nổ. Thì ra, một đội cảnh sát đã mò vào trong nhà và gặp phải chướng ngại vật mà Chen đã chặn trước đó. Súng nổ rền vang.

Máu bắt đầu đổ

Ông McGill đột nhiên cảm thấy đầu gối nhói lên, ông hét lên đau đớn. Khi vợ ông đến gần, máu vương khắp sàn. Rồi họ cũng nghe thấy tiếng hét của Melanie. Cô đã bị bắn vào lưng. Sau loạt đạn vang lên, người ta cũng nghe thấy tiếng la hét đau đớn từ bên ngoài ngôi nhà. Người thương thuyết hét lên để Chen nghe ông nói, nhưng hắn lại cự tuyệt: “Ông không đáng tin. Hai người này dù sao cũng sẽ chết. Tôi cũng có thể giết họ”. “Nếu anh giết họ, sẽ không còn gì thương lượng nữa, chúng tôi sẽ xông vào tiêu diệt anh”, cựu cảnh sát Hou-You-yi năm nay 62 tuổi nhớ lại.

Chen Chin-hsing đã yêu cầu một nhóm y tế nhưng được thông báo rằng sẽ không có bác sĩ hay y tá nào dám vào. Vì vậy, hắn bảo ông Hou-You-yi hãy đi một mình. “Nếu tôi không đi vào, những con tin bị thương sẽ chết vì chảy máu quá nhiều trong vòng nửa giờ”, Trưởng phòng điều tra tội phạm nhủ thầm. Ông Hou-You-yi nhảy qua một trong những cửa sổ vỡ toang. Khi đi lên tầng, ông thấy Chen đang cầm 2 khẩu súng. Mắt hắn đỏ ngầu và đi lại như một người điên.

Gã tội phạm lục soát người ông Hou. Khi nhận ra nhà đàm phán không mang vũ khí, hắn ta đồng ý thả con tin bị thương. Khi ra đến ngoài, McGill thấy xung quanh kẹt cứng người. Tốp phóng viên lập tức vây kín nạn nhân mà không quan tâm họ bị thương hay chảy máu thế nào. Bên trong, Hou-You-yi nói với Chen rằng những đứa trẻ vô tội, cũng nên được thả ra. Hắn đồng ý sẽ giữ 2 con tin người lớn thay vì 2 trẻ em. 

Vụ bắt giữ con tin bước sang giờ thứ 15 khi cảnh sát thông báo cho Chen rằng vợ anh ta đang ở bên ngoài. Lúc 10h40 phút, cô ta được đưa vào nhà. Trong nhà còn 2 con tin nhưng Chen có một yêu cầu khác: Một luật sư bào chữa cho vợ hắn. Đó là vị luật sư nhân quyền nổi tiếng Frank Hsieh.

Tâm nguyện cuối cùng của “ác quỷ”

Nghe Chen nói trên truyền hình rằng đã viết thư cho mình, luật sư Frank Hsieh rất ngạc nhiên. Ông gọi cho thư ký kiểm tra lại và đúng là tìm thấy nó. Sau khi đọc bức thư, ông cảm thấy hối hận vì không đọc sớm hơn. Thấy được tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất tin tưởng, ông Frank Hsieh đến hiện trường. Lúc 14h50, ông được hộ tống vào nhà. 

“Tất cả những tên tội phạm đều có những lúc yếu mềm. Chúng ta có thể sử dụng lỗ hổng đó trong quá trình đàm phán. Đối với Chen, đó là tình yêu của hắn dành cho vợ và các con trai”, vị luật sư nói. Luật sư Frank Hsieh đã phân tích với kẻ bắt cóc con tin rằng nếu tiếp tục giết người, con trai hắn ta sẽ không thể ngẩng mặt lên được. Khi Chen hỏi về việc ra hàng, vị luật sư thấy hắn đã mềm lòng nên nói thẳng rằng chắc chắn hắn ta cũng bị kết án tử hình. Ông khuyên hắn hãy bỏ súng và thả 1 con tin ra. Vào lúc 16h30, Christine được phóng thích.

Cuối cùng khi Chen cảm thấy đã hoàn thành ý nguyện của mình, đảm bảo rằng vấn đề của vợ mình sẽ được giải quyết, hắn đã thả bà Anne Alexander ra, đưa khẩu súng lục còn lại của mình cho ông Hou và cho tay vào còng. Lúc đó là 19h50 và ông McGill theo dõi tình huống đó từ giường bệnh. “Khi Anne ra khỏi nhà, cô ấy nhìn mọi người bên ngoài, mỉm cười. Tôi hét lên “Anne đó! Anne đó” mà nước mắt cứ tuôn rơi”, ông McGill kể lại.

Bố con ông McGill và Melanie bị trúng đạn nhưng sau đó đã hồi phục hoàn toàn. Lời hứa với Chen của luật sư Frank Hsieh cũng đã thực hiện. Nhưng ngay cả khi cả xã hội coi vợ Chen cũng là kẻ xấu thì luật sư có trách nhiệm đảm bảo cô ta cũng được xét xử đúng tội. Vào ngày 23-9-1999, Chang Su-chen nhận bản án 9 tháng vì giúp chồng trốn tránh việc bắt giữ, thay vì bản án 12 năm như trước. Hai tuần sau, vào lúc 21h33 ngày 6-10, Chen bị thi hành án tử hình.