Tinh thần vào cuộc của người dân là cơ sở để Hà Nội chiến thắng dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc một số người dân chủ quan, lơ là không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch khi tập trung đông người đêm rằm Trung thu tại Hà Nội khiến các chuyên gia lo ngại dịch có thể bùng phát. Hà Nội vẫn trong trạng thái nguy cơ cao mà muốn chiến thắng dịch bệnh, tinh thần vào cuộc của người dân là yếu tố quyết định.
Kiểm tra thẻ đi chợ của người dân trên địa bàn phường Yên Phụ

Kiểm tra thẻ đi chợ của người dân trên địa bàn phường Yên Phụ

Hà Nội vẫn đối mặt nguy cơ dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc đông người chen chân trong đêm Trung thu (21-9) đã không đúng khuyến cáo giữ khoảng cách. Tình trạng đó rất đáng lo ngại, khiến dịch có thể bùng phát lên vì rất nhiều người chưa được tiêm vaccine, đặc biệt là trẻ em. Ông Nguyễn Huy Nga cảnh báo việc phát tán, lây lan dịch trong cộng đồng từ sự việc này là rất lớn, có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm mới. PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, những người đã tham gia đi lại trong đêm 21-9 ở những nơi đông đúc phải tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có hiện tượng bất thường, ho, sốt, khó thở cần phải tự cách ly, xét nghiệm ngay.

Cùng chia sẻ quan điểm của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu quá đông là sự việc, hình ảnh rất buồn, trái ngược hoàn toàn với chỉ đạo từ Thành phố là cấm tụ tập đông người nơi công cộng. PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo: “Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm”.

Trước việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu, không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP Hà Nội, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phân tích: “Chỉ thị 22 của TP Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng nhiều người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên”.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà bày tỏ lo ngại: “Hà Nội đã truy vết nhanh, phát hiện sớm ca F0 trong cộng đồng nên số bệnh nhân nặng ít hơn một số tỉnh khác. Hệ thống y tế dự phòng đang gồng mình để giảm tải cho hệ thống điều trị. Tuy nhiên, nếu người dân cứ chủ quan, lơ là không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như tình trạng tập trung đông người đêm rằm Trung thu, ngành y tế rất lo lắng, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thì cho rằng, người dân ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc này khiến thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô, bị thách thức rất lớn; thành phố vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Liều “vaccine cộng đồng” giúp mở rộng “vùng xanh”

Nhờ có giãn cách xã hội, Hà Nội đã làm chậm được chuỗi lây nhiễm, giảm số ca bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, dịch bệnh tại Hà Nội đã tồn tại trong cộng đồng cho nên vẫn luôn thường trực nguy cơ bùng phát, trong khi các địa phương lân cận như Hà Nam tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp. PGS.TS Trần Đắc Phu thì cho rằng, dịch đã đi vào các chuỗi cung ứng, nhiều lái xe luồng xanh hay người bán hàng online, người bán cũng như người mua hàng ở chợ… cũng bị nhiễm. Vì vậy, Hà Nội vẫn phải luôn được đặt trong trạng thái “nguy cơ rất cao”.

Trước việc người dân đổ ra đường đêm Trung thu, thể hiện sự chủ quan cũng như chưa nhận thức hết hiểm họa của dịch bệnh, dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, ngành y tế Hà Nội phải giám sát từ giờ đến đầu tháng 10 xem dịch có bùng phát hay không. Theo các chuyên gia, khi có ổ dịch mới thì phải dập triệt để từng ổ dịch, trong vòng 14 ngày. Để làm được điều này, phải xác định đúng cái lõi của ổ dịch. Với “vùng đỏ”, phải xét nghiệm thần tốc cách ngày một lần, bởi mỗi chu kỳ của chủng virus Delta là 48 giờ.

Cũng cần phải thông tin để người dân hiểu dù đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng. Qua số liệu thống kê 3.308 bệnh nhân ở Hà Nội mắc Covid-19 đã được ra viện, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết có 311 bệnh nhân đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19, chiếm 9,4% và 73 bệnh nhân đã được tiêm mũi 2, chiếm 2,2%. Trong số đó, 73 người đã được tiêm mũi 1 và 21 người đã tiêm vaccine mũi 2 phải điều trị ở “Tầng 2” dành cho bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc có triệu chứng nhẹ. Ở tầng này nếu không được điều trị tốt, có phác đồ điều trị phù hợp vẫn rất dễ bị chuyển lên “Tầng 3”, tầng dành cho bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao.

Trong thời điểm hiện nay, khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, nguy cơ dịch lan rộng vẫn còn hiện hữu, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị, vai trò, ý thức, trách nhiệm của người dân Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thành công của công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội để góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.

Thực tế cho thấy công tác phòng, chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả mọi người cùng đồng lòng, tự giác chấp hành các quy định và trực tiếp, tự nguyện tham gia. Thời gian vừa qua, người dân Hà Nội đã nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình, ủng hộ Quỹ vaccine, Quỹ phòng, chống Covid-19, bảo vệ “vùng xanh”... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, “vùng xanh” được mở rộng. Liều “vaccine cộng đồng” hình thành ở mỗi “vùng xanh” là minh chứng rõ nhất cho mọi nỗ lực, sáng tạo và tinh thần vào cuộc của chính quyền cơ sở và người dân.

Còn hiện tại, Hà Nội mới nới lỏng từng bước để dần đi đến trạng thái bình thường mới, tức là vẫn nghiêm túc thực hiện chỉ thị 15. Trách nhiệm của mỗi người dân là chấp hành nghiêm các quy định 5K, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, đảm bảo khoảng cách 2m, không tụ tập trên 10 người ở nơi công cộng. Những ai có triệu chứng ho sốt, mệt mỏi thì phải đi xét nghiệm ngay hoặc tự mua test xét nghiệm và thông báo với chính quyền để theo dõi, quản lý chặt chẽ. Chính người dân mới có thể đưa cuộc sống dần trở lại bình thường mới.

Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong lúc này chính là thể hiện tinh thần yêu nước, sự chung tay góp sức của người dân Hà Nội vào công cuộc phòng chống dịch bệnh, sự đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.