Tỉnh táo trước chiêu bài nhân quyền

ANTD.VN - Sau bốn thập kỷ bước ra từ chiến tranh, Việt Nam đã có những nỗ lực và thành tích đáng tự hào trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Và bước qua hai thế kỷ 20 và 21, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc luôn có giá trị hiện thực sâu sắc. 

Đã có không ít người nghiên cứu tiếp cận vấn đề nhân quyền bằng cách nhấn mạnh quá mức đến tính phổ quát của thế giới, trong khi lại chưa thật coi trọng đến đặc điểm văn hóa riêng của từng dân tộc trong quá trình bảo vệ quyền con người. Ngược lại, có quan điểm nhấn mạnh quá mức tính đặc thù của từng dân tộc và coi nhẹ tính phổ quát của nhân loại, thì cũng là cách tiếp cận thiếu đầy đủ.

Những cách tiếp cận trên đều có điểm phù hợp và chưa phù hợp. Cách tiếp cận đúng đắn nhất để hiểu và thực hành vấn đề bảo đảm nhân quyền là kết hợp chặt chẽ tính phổ quát của nhân loại với đặc thù văn hóa của mỗi dân tộc. Cái chung - riêng này phải đúc thành một khối toàn vẹn.

Có như vậy, mới bảo đảm và phát huy nhân quyền một cách đúng đắn, hiệu quả nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi theo cách tiếp cận này. Điều cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nhân quyền phản ánh trong bản Di chúc nằm ở mối quan hệ biện chứng của học thuyết “ba giải phóng” của Người: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. 

Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thúc đẩy các quyền con người đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia: “Công ước về quyền của người khuyết tật”; “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”.

Với nỗ lực và thành tựu bảo vệ  quyền con người, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) và là thành viên của nhiều tổ chức có uy tín khác trên thế giới. Điều này mặc nhiên khẳng định, Việt Nam không chỉ bảo đảm tốt quyền con người, quyền công dân, mà còn có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền trên thế giới.

Gìn giữ và phát huy những thành quả ấy là cách trực tiếp nhất để chống lại chiêu bài nhân quyền, vốn từng là thủ đoạn cũ rích mà các thế lực thù địch dùng chống phá và bôi nhọ Việt Nam.

Việc xác thực hóa thành tựu nhân quyền Việt Nam, chính là cách tốt nhất bác bỏ những thông tin giả tạo chứa đựng sự hằn học, thâm thù, bác bỏ những vu khống, xuyên tạc trắng trợn về Việt Nam; bác bỏ mọi mưu toan dùng chiêu bài nhân quyền can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam.

Bởi như chúng ta biết, để lôi kéo người dân “tin tưởng” vào các luận điệu xuyên tạc, các hội, nhóm, nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền” thường lợi dụng những vụ án tham nhũng, vụ việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết và thổi phồng.

Cũng cần nhắc lại rằng, núp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền”, có tổ chức, cá nhân còn mưu toan che đậy, cổ súy cho các hành vi gây rối trật tự công cộng và xâm phạm an ninh quốc gia.

Chiêu bài nhân quyền còn có thể bị đẩy lên thành công cụ của lực lượng cực hữu trong việc khuyến khích các hoạt động chống phá an ninh chính trị, đe dọa trật tự an toàn xã hội của không ít quốc gia trên thế giới.

Bởi vậy, Ngày Nhân quyền thế giới vừa là dịp để nhân loại tiến bộ cùng nhìn lại những thành tựu bảo vệ quyền con người, vừa là lúc nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Việt Nam nhận rõ và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những thủ đoạn lợi dụng nhân quyền để chính trị hóa, gây rối an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh táo và kiên định mục tiêu nhân quyền chính nghĩa, cũng là cách triệt tiêu những kẻ lợi dụng vấn đề “nhân quyền” rêu rao những thông tin bóp méo, xuyên tạc, phi lý và vô nghĩa về quyền con người ở Việt Nam.