Tỉnh táo để tránh “bẫy” buôn người

ANTĐ - Bị tấn công ráo riết, tội phạm buôn bán người liên tục chuyển hướng với các thủ đoạn khác nhau, khiến con số nạn nhân ngày càng mở rộng về lứa tuổi, giới tính.

Một số trẻ em Trung Quốc được cơ quan chức năng Việt Nam 

giải cứu khỏi đường dây buôn người

Làm nô lệ xứ người

Nguyễn Thị K., quê ở Bắc Giang là một trong số nạn nhân điển hình của bọn buôn người. Nghe theo lời rủ rê của một người hàng xóm đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, K. không hề tìm hiểu kỹ về công việc mình sẽ phải làm. “Em được đưa vào một trại gà. Tại đây, ngoài công việc nuôi gà hàng ngày, em còn phải hầu hạ nhà chủ. Một ngày, em chỉ có khoảng 2-3 tiếng để ngủ. Em không được ăn cùng gia đình ông chủ, phải ăn thức ăn thừa của họ để lại. Có lần, phát hiện 1 con gà bị chết, ông chủ đã trói em bằng sợi xích và đánh đập”, K. kể lại. K. đã nhiều lần tìm cách trốn chạy, nhưng 5 lần trốn em đều bị bắt trở lại. Mỗi lần bị bắt về, em lại bị đánh đập dã man. Đến nay, dù đã được giải cứu, an toàn trở về nhà, nhưng quãng thời gian ấy vẫn ám ảnh K. Cùng với vết thương lòng là những vết sẹo vằn ngang vằn dọc do đòn roi để lại trên người em.

Không những trẻ em nữ bị lừa bán, mà trẻ em nam cũng trở thành đối tượng của bọn buôn bán người.

Phan Văn Lìn, SN 1991, trú tại huyện Mường Khương, Lào Cai đã bị bán cho chủ lò gạch ở huyện Dương Hà - tỉnh Giang Tây - Trung Quốc từ năm 2007, vừa trốn thoát trở về. Lìn kể lại: “Một người bà cô họ đã rủ em đi sang Trung Quốc lao động. Nghĩ chỗ thân quen, em đã theo bà cô đi. Đến nơi tập kết, ngoài em còn 4 bạn nam nữa, chừng bằng tuổi em. Sau mấy ngày luồn lách rừng, 5 người bọn em đã được đưa vào lao động tại một lò gạch. Tại đây, bọn em phải lao động từ sáng sớm đến tối muộn, ăn ở luôn tại khu lò gạch và luôn có bảo vệ giám sát”. Cũng theo Lìn, dù lao động cật lực vậy nhưng ngoài bữa ăn hàng ngày, chủ lò gạch không trả bất kỳ một đồng tiền lương nào. Thắc mắc thì chủ lò gạch cho biết, tiền công đã bị trừ vào tiền “lộ phí” và sinh hoạt phí. Phải đến 5 năm sau ngày bị bán đi lao động, Lìn cùng một lao động nữa mới tìm cách trốn thoát được khỏi lò gạch để về nước. 

Đau lòng hơn là những nạn nhân bị bán vào các nhà chứa, những em gái tuổi còn quá trẻ nhưng chỉ vì nhẹ dạ mà bỗng dưng rơi vào cảnh thương tâm. Đoàn Thị T., quê ở Thanh Hóa cho biết: “Trong một lần bạn trai rủ rê ra Hà Nội kiếm việc, em đã nghe theo. Tuy nhiên, cũng không biết bạn trai đưa đi đâu, chỉ biết, đến một nơi xa lạ, có một người đàn ông lớn tuổi, tự xưng là chú của bạn trai rồi đưa em vào một nhà nghỉ”. Tại đây,  T. đã bị “ông chú” cưỡng hiếp. Thực hiện hành vi đồi bại xong, T bị đưa sang Trung Quốc, bán vào nhà chứa. Mỗi ngày T. phải tiếp từ 15-20 khách, ngay cả khi ốm cũng không được nghỉ ngơi. T. bị bán qua nhiều nhà chứa, chỉ đến khi, nhân một lần đi tiếp “khách” ở ngoài,  T. đã chạy trốn và tìm đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. 

Gia tăng nạn nhân bị buôn bán

Ông Đoàn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, nơi tiếp nhận ban đầu các nạn nhân bị buôn bán được giải cứu trở về, cho biết, số nạn nhân bị buôn bán được Trung tâm tiếp nhận liên tục gia tăng qua các năm. Cả năm 2011, Trung tâm tiếp nhận 264 nạn nhân, nhưng 10 tháng năm 2012 đã có 337 nạn nhân. Tuy nhiên, con số nạn nhân đã và đang bị buôn bán còn lớn hơn nhiều. Theo Đại tá Lê Văn Chương, phó Chánh Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, tội phạm buôn bán người là tội phạm ẩn, số nạn nhân còn bị mắc kẹt ở nước ngoài có thể lên tới hàng nghìn người. 

Trên địa bàn Lạng Sơn, tình trạng buôn bán người cũng đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Đại tá Lương Văn Phún, Trưởng phòng Điều tra phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình hình buôn bán người diễn ra phức tạp trên địa bàn 5 huyện biên giới của tỉnh. Đại tá Lương Văn Phún phản ánh: “Gần đây, các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn mới như lợi dụng đồng bào thiếu hiểu biết, mua bán dưới nhiều hình thức như cho nhận làm con nuôi, kết hôn với người nước ngoài”. Cũng theo Đại tá Lương Văn Phún, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.133 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Nhiều trong số đối tượng này thường lợi dụng về thăm thân nhân để rủ rê, lừa gạt trẻ em và phụ nữ đưa đi nước ngoài. 

“Chính phủ đã chi 270 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 130/CP về chống buôn bán người”, Đại tá Lê Văn Chương cho biết và nhận định, để ngăn chặn hữu hiệu tình trạng này, cần có sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó giải pháp mang tính căn bản là nâng cao điều kiện sống, nhận thức cho người dân ở các vùng miền núi, vùng quê còn nhiều khó khăn.