Vở kịch nói “Tôi là người Việt Nam”

Tình người và sự hy sinh thầm lặng

ANTĐ - Ẩn sau những mối quan hệ gia đình phức tạp, chồng chéo, đầy mâu thuẫn, những yêu thương và căm hận là sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ an ninh tình báo. Họ đã phải hy sinh gia đình, danh dự bản thân, thậm chí đau khổ dằn vặt  khi làm liên lụy đến những người thân yêu… Tất cả chỉ để hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà người chiến sĩ an ninh phải gánh vác.. Đó là thông điệp mà tác giả Nguyễn Đình Chính gửi gắm qua kịch bản “Tôi là người Việt Nam”, được Đoàn Kịch nói Công an nhân dân mới dàn dựng lại, và vừa giành giải Bạc trong Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2012.

Trong những ngày tháng 7 và tháng 8 này, vở kịch Tôi là người Việt Nam nhiều lần được công diễn. Lần nào khán giả cũng đông nghẹt, và xen lẫn những tràng pháo tay là những tiếng nấc nghẹn ngào. Kịch bản được viết cách đây 25 năm, nay vẫn còn nguyên tính thời sự và đi vào lòng khán giả. Nhà văn Nguyễn Đình Chính cho biết, ông viết kịch bản này dựa trên một nguyên mẫu là một người chiến sĩ an ninh tình báo tại Hải Phòng, là bạn của cha ông (nhà văn Nguyễn Đình Thi). 

Câu chuyện được kể như sau: Năm 1954, theo yêu cầu nhiệm vụ, Lê Duy đã theo dòng người di cư vào Nam, với danh nghĩa là “kẻ phản bội Tổ quốc” và để lại miền Bắc người vợ trẻ cùng 3 đứa con thơ. Là vợ kẻ phản bội, ở nhà, người vợ trẻ bị bắt, rồi vì nhục nhã mà đau ốm, quỵ ngã. Ba đứa con côi cút được ông Điềm, anh trai của Lê Duy, nuôi dạy. Đứa con út bị sốc đến nỗi trở thành câm. Dù vậy, bao năm tháng trôi qua, các con ông Duy vẫn khao khát mong bố trở về, dù trong lòng vẫn vô cùng đau khổ, thậm chí căm hận bố đã theo giặc để gia đình ly tán, mẹ mang nỗi nhục sang bên kia thế giới, các con khổ sở trong nỗi khinh rẻ, nhạo báng của người đời.

Sau 30 năm hoạt động chìm, ông Duy trở về quê hương dưới vỏ bọc là một nhà tư sản thành đạt và mục đích là làm từ thiện. Lúc này, các con ông đều đã trưởng thành. Ông thèm khát được gần gũi, yêu thương các con và người thân, nhưng khoảng cách vô hình cứ đẩy họ xa nhau. Người con trai lớn không quên nổi nỗi hận trong quá khứ, cũng như cái chết tức tưởi của mẹ, nên không nhận bố, thậm chí không cho ông thắp hương lên mộ mẹ. Mọi tình cảm ông dành cho các con đều bị từ chối. Họ hàng, láng giềng xa lánh. Ông lại lên máy bay ra nước ngoài, và gửi lại cho các con ước mơ giản dị là được sống quây quần cùng con cháu. Lần này, ông lại nhận một nhiệm vụ mới mà tổ chức giao cho.

Không lâu sau, ông Duy hy sinh nơi đất khách quê người. Trong lễ truy điệu người chiến sĩ tình báo, mọi người mới vỡ òa trong niềm xót xa, đau đớn tột cùng: Ông được Nhà nước vinh danh bằng việc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ. Đến tận lúc này, danh phận của ông mới được sáng tỏ, người thân mới hiểu được sự hy sinh thầm lặng, cao cả của người chiến sĩ tình báo  suốt bao năm nhiêu năm  giữ nguyên bí mật nhiệm vụ cho riêng mình.

Kịch bản xoay quanh câu chuyện phức tạp, đau lòng của một gia đình với những nút thắt, cao trào tưởng nghẹt thở khiến khán giả phải dõi theo câu chuyện không sót một chi tiết nào. Nhưng ẩn sâu trong những xung đột ấy, là sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ an ninh. Nhà văn Nguyễn Đình Chính đã khéo léo gửi gắm thông điệp ấy, ông cho biết: Đó chỉ là một trong những câu chuyện rất thực của người chiến sĩ tình báo. Họ, thời nào cũng thế, có quá nhiều hy sinh thầm lặng, và nhiều khi những người chiến sĩ ấy đã rời xa cuộc sống thì mọi bí mật mới được phép công khai.

Câu chuyện được viết ra cách đây đã 25 năm, nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự, làm khán giả phải rơi nước mắt. “Tôi là người Việt Nam” là một trong những món quà tri ân mà Đoàn Kịch nói Công an nhân dân gửi tới những người chiến sĩ an ninh thầm lặng hy sinh cho đất nước, đặc biệt trong những ngày truyền thống của ngành công an, 19-8 này.